Chiều 4/10, tại trụ sở xã Châu Bình, các đại biểu Quốc hội được bầu tại đơn vị bầu cử số 2 đã tiếp xúc cử tri 3 xã: Châu Hội, Châu Bình và Châu Nga của huyện Quỳ Châu.
Các đại biểu Quốc hội được bầu tại đơn vị bầu cử số 2 tiếp xúc cử tri. |
3 đại biểu Quốc hội được bầu tại đơn vị bầu cử số 2 gồm các ông: Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Vi Văn Sơn - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.
Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Quỳ Châu.
Toàn cảnh buổi tiếp xúc. |
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, thay mặt các đại biểu Quốc hội, đại biểu Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã thông tin đến cử tri dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp sắp tới.
Cử tri xã Châu Bình cho rằng Dự án Thủy lợi bản Mồng kéo dài, thực hiện bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhỏ giọt, ảnh hưởng đến sự ổn định đời sống của nhân dân. Do đó, cử tri Nguyễn Minh Giảng - Bí thư Chi bộ bản Bình Quang, xã Châu Bình kiến nghị thực hiện bồi thường hỗ trợ nhân dân trước khi ra quyết định thu hồi đất, và mong muốn các hộ dân còn lại thuộc diện phải giải phóng mặt bằng sớm nhận được đền bù.
Cử tri Nguyễn Minh Giảng - Bí thư Chi bộ bản Bình Quang, xã Châu Bình nêu kiến nghị. |
Một cử tri khác của xã Châu Bình đề nghị Quốc hội nghiên cứu thêm cơ chế, chính sách, chế tài liên quan đến bảo vệ tài nguyên rừng, đẩy mạnh hơn nữa việc trồng rừng ở các địa bàn miền núi như Quỳ Châu.
Cử tri Hà Văn Hoài - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Châu Hội nêu kiến nghị, đề xuất. |
Trong khi đó, cử tri Hà Văn Hoài - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Châu Hội phản ánh khó khăn về nguồn nước để sản xuất nông nghiệp tại bản Khứm và bày tỏ quan tâm đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ thân nhân người có công với cách mạng, không nên phân biệt đối tượng thụ hưởng là hộ khá hay hộ nghèo.
Đại diện xã vùng sâu, vùng xa Châu Nga, cử tri Nguyễn Tất Diện nêu băn khoăn về việc sáp nhập với xã Châu Hội dự kiến triển khai thời gian tới sẽ gây khó khăn, bất tiện cho người dân khi đi lại, đến trụ sở xã sau sáp nhập để thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là khi trụ sở làm việc hiện nay của 2 xã này cách nhau gần 14km.
Ông Nguyễn Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri. |
Tiếp thu, giải trình các ý kiến cử tri, ông Nguyễn Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu thông tin: Dự án thủy điện bản Mồng đã triển khai được 13 năm, những hộ đã được bồi thường đã chủ động di chuyển đến nơi thuận lợi hơn để ổn định đời sống. Tuy nhiên, việc cân đối vốn theo tiến độ thực hiện dự án, nên thời gian tới, huyện sẽ kiến nghị với tỉnh, ban quản lý dự án đề xuất Trung ương phân bổ vốn để thực hiện phần còn lại của dự án, dự kiến những hộ còn lại sẽ được bồi thường trong thời gian tới.
Trước băn khoăn của cử tri về thực trạng “hạ nguồn đắp đập, thượng nguồn phát rừng trồng keo”, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết thời gian tới sẽ quan tâm triển khai các nội dung theo quy hoạch 3 loại rừng. Về chủ trương sáp nhập, ông Hoài cho biết thời gian tới sẽ tập trung cho việc sáp nhập bản, còn sáp nhập xã cần có thêm thời gian để triển khai thực hiện. Lãnh đạo huyện Quỳ Châu sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cho các địa bàn vùng sâu vùng xa như xã Châu Nga, song điều căn bản nhất là địa phương phải nỗ lực phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội…
Ông Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh phát biểu tại buổi tiếp xúc. |
Thay mặt các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 2, ông Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh tiếp thu các ý kiến của cử tri, đồng thời thời gian tới sẽ có những chính sách thiết thực quan tâm đến các hộ nghèo, cận nghèo, cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia hướng đến các địa bàn miền núi. Những nội dung thuộc thẩm quyền được các đại biểu Quốc hội tiếp thu đầy đủ và hứa tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục xem xét, giải quyết trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin