Thời sự - Chính trị

Lãnh đạo tỉnh làm việc với Tổ tư vấn phát triển KT-XH

17:45, 18/10/2021
Chiều nay, các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ngành đã có buổi làm việc với tổ Tư vấn phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. 

Thành viên tổ Tư vấn dự buổi làm việc có các ông: Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại; Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp&PTNT; Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Lê Xuân Đại, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH. 

Toàn cảnh buổi làm việc.

Đề dẫn nội dung buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh: đây là thời điểm Nghệ An cụ thể hóa việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ. Vì thế, rất cần những ý kiến đóng góp của Tổ tư vấn để tỉnh có thể đề ra được các giải pháp điều chỉnh, căn cơ, thích ứng cho 3 tháng còn lại của năm. Cùng với đó, Nghệ An cũng mong muốn các thành viên Tổ tư vấn hiến kế để thúc đẩy phát triển vùng kinh tế phía Bắc và phía Tây. Một vấn đề lớn mang tính chiến lược đối với sự phát triển của tỉnh là: kể từ khi có NQ 26 của Bộ Chính trị nhưng Nghệ An vẫn chưa có cơ chế đặc thù nào. Hiện tỉnh đang trình một số cơ chế để Quốc hội xem xét, phê duyệt nhưng theo Bí thư Tỉnh ủy thì những cơ chế đó vẫn chưa đủ mạnh và rất cần Tổ tư vấn nghiên cứu các cơ chế đặc thù khác mạnh hơn để khi tổng kết Nghị quyết 26 có thể đề xuất.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại phát biểu tại buổi làm việc.

Đề cập đến các giải pháp ứng phó ngắn hạn, trước mắt nhằm tạo nguồn lực dài hạn cho tỉnh, các ý kiến trong Tổ tư vấn cho rằng: muốn kinh tế, xã hội phát triển ổn định thì chiến lược chống dịch phải hết sức mềm dẻo, thích ứng thật tốt. Cùng với tranh thủ các loại cây, con lợi thế thì cần xúc tiến làm việc để triển khai đề án trồng rừng gỗ lớn và dược liệu dưới tán rừng. Đặc biệt, kể từ nay trở đi, với giải pháp nào thì tỉnh cũng không được để đứt gãy chuỗi sản xuất, nhất là chuỗi sản xuất công nghiệp. Và “Zero Covid” là mô hình không thể áp dụng. Đây cũng là thời điểm cần có những giải pháp thiết thực, cụ thể để hỗ trợ, vực dậy các doanh nghiệp nội tỉnh.

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp&PTNT phát biểu tại buổi làm việc.

Các thành viên Tổ tư vấn cũng nhìn nhận: bối cảnh bình thường mới hiện nay cũng là thời điểm rất thích hợp để bàn và điều chỉnh các chiến lược phát triển dài hạn cho Nghệ An. Theo đó, trước hết phải sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể của tỉnh. Quy hoạch phải đi trước một bước để từ quy hoạch, nhà đầu tư mới thấy rõ được hướng đi của tỉnh. Chiến lược phát triển các đô thị, cực tăng trưởng của tỉnh như: Vinh, Hoàng Mai, Thái Hòa… sẽ phải điều chỉnh, mở rộng không gian, nâng tầm để phát huy tối đa lợi thế trong tổng thể phát triển với các địa phương lân cận. Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An trong quy hoạch phải thể hiện là một khu kinh tế hướng biển, có cảng biển quốc tế nước sâu. Song song với đó, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt Đông – Tây kết nối biển với rừng phải có bước đột phá. Muốn phát triển, Nghệ An sẽ phải nối được với các tọa độ phát triển. Và khi tỉnh đã chọn được địa chỉ của các nhà đầu tư chiến lược thì đường bay hàng không từ Vinh đến đó phải có. Chuyển đổi số cũng là việc mà Nghệ An mà thực hiện sớm. Để có nguồn lực phát triển đột phá, ngoài ngoại lực thì nội lực là một điểm rất mạnh của Nghệ An, nhất là đội ngũ những người con quê hương đang kinh doanh thành công ở khắp nơi. Thế mạnh này phải được tranh thủ, phải kêu gọi được.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu kết luận buổi làm việc.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý thành cảm ơn những phân tích, dự báo, hiến kế của Tổ tư vấn cho tỉnh về các giải pháp để công tác phòng, chống dịch hiệu quả hơn; đặc biệt là các giải pháp đột phá để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới, gắn với xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2022. Lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu và sẵn sàng trao đổi thẳng thắn các vấn đề mà tổ tư vấn đặt ra. Đặc biệt, tỉnh rất cần các ý kiến tham vấn từ Tổ tư vấn để khi tổng kết Nghị quyết 26 thì tỉnh có thể đề xuất những cơ chế đặc thù có sức nặng hơn nữa và thuyết phục được Chính phủ, Quốc hội thông qua.

 

Xuân Hướng – Cảnh Toàn

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện