Toàn cảnh phiên làm việc sáng 10/1 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. |
Qua các ý kiến thảo luận, các đại biểu đều tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. |
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong quá trình thảo luận là hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Theo đó, doanh nghiệp đang có quyền sử dụng đất hợp pháp không phải đất ở, kể cả là đất nông nghiệp nhưng nếu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch cũng sẽ được đầu tư vào làm nhà ở mà không phải qua đấu thầu, đấu giá. Rõ ràng, việc sửa đổi tạo thuận lợi trong việc đầu tư, triển khai dự án cho các nhà đầu tư, nhưng đặt ra vấn đề về trục lợi chính sách, lợi ích nhóm. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động kỹ hơn do đây là chủ trương lớn, tác động diện dự án lớn, có thể dẫn tới tình trạng doanh nghiệp đi thu gom đất nông nghiệp, sau đó xây nhà ở thương mại. Cần có đánh giá kỹ hơn tác động ra sao tới nguồn thu ngân sách, tác động ra sao tới thị trường bất động sản hay nguy cơ tranh chấp về đất đai…
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. |
Đối với dự án nhóm A của địa phương sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, một số đại biểu tán thành với đề nghị của Chính phủ chuyển thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tương tự như các dự án nhóm B, C. Tuy nhiên đối với dự án nhóm B,C giao cho UBND cấp huyện, xã thì cần xem xét lại để đảm bảo tiến độ các dự án bởi trong thực tế cấp huyện, xã không có cơ quan chuyên môn cũng như năng lực thực hiện, dẫn đến có khả năng làm chậm tiến độ.
Các đại biểu dự kỳ họp tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. |
Liên quan đến sửa đổi luật điện lực, các ý kiến cho rằng thể chế hoá Nghị quyết số 55 của Bộ chính trị theo đó cho phép tư nhân được tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết, tuy nhiên việc thể chế hoá này làm sao cho đúng, cho hiệu quả lại cần phải được tính toán một cách kỹ lưỡng để bảo đảm tính hợp lý, khả thi, bảo đảm hài hoà lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp.
Trong phiên thảo luận chiều nay, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025. Các đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ hướng tuyến để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; làm rõ công nghệ chính áp dụng cho dự án, tính toán kỹ phương án GPMB, di dời dân tái định cư để tránh vướng mắc khi thực hiện. Có ý kiến đề nghị lưu ý hệ thống đường ngang kết nối các trục giao thông hiện có, đảm bảo thống nhất với tổng thể giao thông quốc gia và quy hoạch của các địa phương. Đa số các đại biểu thống nhất đầu tư toàn bộ bằng nguồn vốn đầu tư công nhưng một số ý kiến cũng đề nghị phải nghiên cứu, có giải pháp để huy động vốn ngoài nhà nước như các dự án PPP. Đồng thời, đề nghị làm rõ vốn bố trí cho dự án, khả năng hấp thụ vốn từ gói phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Các đại biểu cũng có ý kiến thêm về thu hồi vốn đầu tư, phân chia các dự án thành phần, về tiến độ hoàn thành, cơ chế chính sách đặc thù triển khai đầu tư dự án; thiết kế mặt cắt ngang cũng như chiều dài đoạn tuyến từ Cần Thơ đi Cà Mau. Tại phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ có liên quan đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội đã nêu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin