Thời sự - Chính trị

Bộ trưởng Công Thương: Dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ được 5-7 ngày

10:58, 16/03/2022
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ kiến nghị tăng dự trữ xăng dầu quốc gia. Ngoài ra, nếu giá xăng tiếp tục tăng thì có thể tính đến việc giảm thêm thuế, phí.

Sáng 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội kể từ khi nhậm chức vào tháng 4/2021.

Buổi chất vấn được kết nối trực tuyến để đại biểu Quốc hội ở 63 đoàn có thể đặt câu hỏi. Ngay từ lúc mở đầu, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về sản xuất cung ứng, điều hành giá xăng dầu. Giá mặt hàng này tăng kỷ lục trong những ngày qua, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.

"Cam kết không lúc nào thiếu xăng dầu"

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đặt câu hỏi xăng dầu là mặt hàng quan trọng, chiến lược, vấn đề dự trữ được thực hiện ra sao, sắp tới Bộ Công Thương có kiến nghị tăng dự trữ hay không.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đồng tình và cho biết sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia, dự phòng lên. Ông tiết lộ thời gian dự trữ, dự phòng xăng dầu hiện nay không lớn, chỉ khoảng 5-7 ngày. Thay vì dự trữ bằng tiền thì sắp tới có thể dự trữ hàng hóa.

Ông Diên cũng cho rằng cần đẩy mạnh năng lực sản xuất xăng đầu của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa khai thác, vừa lọc hóa. Ví như lọc hóa dầu Bình Sơn, nhưng công suất chỉ khoảng 6,5 triệu thùng dầu/năm.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp các bên để lọc hóa dầu Nghi Sơn giữ cam kết ban đầu cung cấp 35-40% lượng xăng dầu trong nước như hiện tại.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) và đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) chất vấn về tình hình nguồn cung xăng dầu, giá dầu thế giới tăng cao khiến doanh nghiệp, đại lý không có chiết khấu dẫn đến tình trạng găm hàng, treo biển hết xăng. Đặc biệt giá xăng tăng cao nhất lịch sử làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Trả lời, người đứng đầu ngành công thương cho biết giá xăng dầu thế giới tăng đột biến do đứt gãy nguồn cung ở các nước có sản lượng dầu thô lớn. Điều này làm thị trường xăng dầu thế giới đảo lộn trong thời gian qua.

"Trong khi đó nước ta cũng đang gặp khó khăn do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất đột ngột xuống 80%, thậm chí có lúc chỉ 55%. Ngay từ tháng 1, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, các doanh nghiệp đầu mối nhập đủ sản lượng do nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt để đảm bảo nguồn cung", ông nói.

Theo đó, đến giữa tháng 2, Việt Nam đảm bảo đủ nguồn cung hết tháng 3 nhờ lượng hàng tồn và nhập khẩu bổ sung từ 15/3 với khoảng 3 triệu m3 xăng. Hiện tại, bình quân nhu cầu xăng dầu trong nước chỉ khoảng 1,3 triệu m3/tháng. Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu tháng 3 gấp 2 lần bình thường từ 1 triệu m3 trở lên. Do đó, ông Diên cam kết nguồn cung không lúc nào thiếu.

Giá xăng tăng lên cao nhất lịch sử sát mốc 30.000 đồng/lít từ 11/3.
Giá xăng tăng lên cao nhất lịch sử sát mốc 30.000 đồng/lít từ 11/3.

Giá xăng Việt Nam tăng ở mức thấp của thế giới

Trả lời chất vấn về chênh lệch biên độ tăng giá trong nước chênh lệch với đà tăng thế giới của đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp), Bộ trưởng Công Thương cho biết giá xăng dầu trong nước có biên độ dao động thấp hơn thế giới do liên Bộ Công Thương - Tài chính sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn xăng dầu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thời gian qua đã thực hiện điều hành giá 10 ngày/lần. Trong khi biên độ tăng giá thế giới rất lớn (40-60%) thì tại Việt Nam chỉ 29-44%, nghĩa là tiệm cận mức thấp nhất của thế giới. Quỹ bình ổn đã trích ra 500-1.500 đồng/lít và sắp tới sẽ giảm thuế bảo vệ môi trường giảm giá xăng dầu.

Về công tác thanh kiểm tra, Bộ cho biết hiện có 17.000 cửa hàng bán lẻ, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 16.800 cửa hàng. Kết quả, số vi phạm rất ít chỉ 211 cửa hàng, một số đóng cửa với lý do thiếu nguồn cung từ Nhà máy Nghi Sơn.

Theo Bộ trưởng, nếu giá thế giới tiếp tục tăng thì phải tính giảm thêm các công cụ thuế, phí khác và kết hợp các chính sách an sinh, xã hội...

Ngoài ra, quỹ bình ổn giá xăng dầu có thể được xem xét thay đổi cơ chế huy động tiền, tăng quỹ lên, tuân thủ quy luật thị trường. Tuy nhiên, ông Diên không loại trừ khả năng tạo nguồn cho quỹ từ ngân sách.

 

Vấn đề nằm ở Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) và Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn đề về vai trò của các nhà máy lọc hóa dầu trong nước và điểm nội tại của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn khi phải cắt giảm xuống 80% thậm chí 55% nên không có kinh phí nhập khẩu.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết thời điểm nhiều năm trước trong nước không có nhà máy lọc hóa dầu nào nhưng Việt Nam vẫn không thiếu xăng dầu.

Hiện, Việt Nam có 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn. Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn do Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư sản xuất ổn định cung ứng nội địa khoảng 30%.

"Còn nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn là liên doanh với các đối tác nước ngoài. Vấn đề nội tại giữa các bên chủ yếu là tài chính. PVN là một bên tham gia trong liên doanh này, hiện PVN và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đang phối hợp để 2 liên doanh còn lại cam kết cung ứng đủ nguồn cung ra thị trường trong nước", ông nói.

Thêm nữa, theo Bộ trưởng nguyên liệu đầu vào của nhà máy này là nhập dầu thô của Kuwait. Nhưng trong bối cảnh giá thế giới tăng cao nên đơn vị này khó khăn về tài chính. Nếu Nghi Sơn cam kết hoạt động đủ công suất và cung ứng đủ nguồn cung thì Bộ Công Thương sẽ dừng kế hoạch nhập khẩu xăng dầu.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề có hay không có tình trang găm hàng từ thương nhân phân phối và doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, thay vì các đại lý nhỏ lẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết qua thanh tra có 211 cửa hàng bán lẻ có hiện tượng đóng cửa do sự cố kỹ thuật. Một số đóng cửa do không có nguồn cung, truy cho cùng là nhận từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Do đó Bộ đã chỉ đạo kịp thời doanh nghiệp khác chia sẻ nguồn cung nhập từ nhà máy lọc dầu Bình Sơn.

"Hiện Bộ đang thanh tra 33 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, chưa có kết quả đầy đủ nên thể báo cáo cụ thể. Doanh nghiệp nào vi phạm sẽ xử lý theo quy định, rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh", ông nhấn mạnh.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện