Thảo luận về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 trong phiên làm việc chiều nay 2/6, đại biểu Quốc hội khẳng định, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Chính phủ đã có sự nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và đạt những kết quả quan trọng, trong đó có tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo nguồn lực quan trọng để đất nước vượt qua đại dịch, phát triển.
Hàng tỷ “tấc đất” lãng phí thì mất bao nhiêu “tấc vàng”?
Thảo luận trên diễn đàn Quốc hội chiều 2/6 về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) bày tỏ bức xúc trước thực trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” được nêu ra hàng năm vẫn chưa có nhiều chuyển biến, gây lãng phí nguồn lực rất lớn.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận |
“Quy hoạch “treo” trơ mình cùng tuế nguyệt. Ông bà ta có câu “tấc đất, tấc vàng”, vậy hàng nghìn dự án treo, hàng tỷ tấc đất lãng phí thì mất bao nhiêu tấc vàng? Đất đai bỏ không trong khi hàng chục nghìn gia đình không có đất, nhiều người phải ở gầm cầu, bên sông đối diện với nhiều rủi ro” – đại biểu đặt vấn đề và đề nghị chính quyền vào cuộc quyết liệt hơn, cương quyết thu hồi các dự án không có khả năng thực hiện, cũng như bám sát thực tiễn, đánh giá sát nhu cầu thực tế để có quy hoạch phù hợp hơn.
Liên quan đến đầu tư công, ông Nguyễn Quốc Hận băn khoăn khi nhiều dự án chưa hoàn thiện thủ tục, chưa đủ điều kiện vẫn được phân bổ vốn trong khi nhiều dự án dở dang lại không được bố trí vốn. Dự án đường Hồ Chí Minh là một minh chứng khi 22 năm sau khi có chủ trương đầu tư vẫn chưa thông tuyến, đến thời điểm này Quốc hội đang phải bàn tiếp tục đầu tư các đoạn còn lại hay không.
Cũng nêu vấn đề lãng phí nguồn lực đất đai, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ cần giải pháp cụ thể hữu hiệu hơn nhằm nâng cao hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý đất công, không để đất hoang hoá; cương quyết thu hồi dự án không hoặc quá chậm triển khai, găm đất...
Lo ngại trước việc mua sắm tài sản công, nhất là trang thiết bị y tế, giáo dục, dạy nghề đang “khựng” lại, ông Nguyễn Tạo mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm có chính sách để làm lành mạnh hoá lĩnh vực này, hạn chế tiêu cực, song cũng tạo sự an tâm thực sự cho người thực thi công vụ ở lĩnh vực này.
Đại biểu cho rằng cần có nghị quyết riêng ở lĩnh vực này, nên mạnh dạn đề xuất lập cơ quan mua sắm tài sản công thuộc UBND tỉnh, thành phố trên nguyên tắc tinh gọn, không phát sinh biên chế.
Trừng trị tham ô, tham nhũng thì cũng phải nghiêm trị lãng phí
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (đoàn Tây Ninh) đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nhiều địa phương chưa rõ nét, có nơi chưa cương quyết, có tình trạng buông lỏng, quan liêu là tác nhân gây lãng phí, song chưa rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
“Tình trạng lãng phí biểu hiện muôn mặt, nói nhiều nhưng chuyển biến chậm, thậm chí phức tạp hơn, tăng cả quy mô và tính chất... Tất cả đều là lãng phí, thất thoát nguồn lực quốc gia, ảnh hưởng lòng tin của nhân dân. Lãng phí tai hại hơn tham ô, tham nhũng” – nữ đại biểu nhấn mạnh, song cho rằng vừa qua quyết liệt nghiêm trị tham ô, tham nhũng nhưng với lãng phí lại chưa thực sự nghiêm trị.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý |
Trong khi đó, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) lưu ý bộ máy Nhà nước vững mạnh là điều kiện không thể thiếu để phát triển, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ máy yếu kém thì nguy cơ cao thất thoát, lãng phí không chỉ về giá trị tính toán được mà hệ luỵ lâu dài là lãng phí cơ hội phát triển đất nước. Do đó cần rà soát, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế thực sự tạo chuyển biến về chất chứ không chỉ về lượng.
Vị đại biểu này cũng bày tỏ lo ngại về hạn chế mà báo cáo của Chính phủ chỉ ra là việc tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm chưa đáp ứng yêu cầu, bộ máy còn cồng kềnh, công chức, viên chức chưa đủ tầm. “Cần chỉ rõ địa chỉ để khắc phục kịp thời” – ông Ba nói.
Nhấn mạnh cần minh định nội hàm “tiết kiệm” và “lãng phí”, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắc Lắk) cho rằng tiết kiệm được thì tốt, mà chưa tiết kiệm được cũng chưa sao, song lãng phí không chống được lại rất nguy hại như đất đai hoang hoá thì không được đưa vào sử dụng tạo ra của cải vật chất, vốn ODA chậm giải ngân vẫn phải trả lãi, công trình chậm tiến độ thì đội vốn...
Do đó, báo cáo của Chính phủ cần làm rõ tiết kiệm được cái gì, tiết kiệm bao nhiêu, chống lãng phí cái gì và bao nhiêu vì chỉ khi ý thức rõ mới có quyết tâm, thực hiện hiệu quả hơn.
“Có cái thực hiện đúng quy trình nhưng vẫn gây thiệt hại, lãng phí; có cái không hoàn toàn đúng quy trình nhưng tiết kiệm, chống lãng phí thì cái nào có lợi hơn cho dân, cho nước?” – đại biểu đặt vấn đề và đề nghị sớm có văn bản quy phạm pháp luật thể chế hoá chủ trương của Đảng, mở ra cơ chế cho người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá thì mới có cách làm hay, xã hội mới phát triển, đất nước phồn vinh./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin