Bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn. Cùng tham gia có ông Trần Nhật Minh - Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Văn hoá – Xã hội - HĐND tỉnh và Sở Văn hoá - Thể thao.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Qua khảo sát tại xã Thanh Tiên, đoàn đã ghi nhận sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương để triển khai chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thông qua lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các cuộc thi, hội thi của tổ chức hội Nông dân, Phụ nữ. Địa phương cũng quan tâm tổ chức các mô hình, trong đó lồng ghép tuyên tuyền, giáo dục, phòng chống bạo lực gia đình; như xây dựng “Gia đình văn hoá”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Xóm, làng bình yên, gia đình hạnh phúc”… Đặc biệt, địa phương đã xây dựng, phát huy tốt vai trò hoạt động 65 tổ tự quản ở các xóm trong việc nhắc nhở nhau đoàn kết, đùm bọc trong láng giềng và trong mỗi gia đình, ngăn ngừa bạo lực gia đình; gắn với duy trì hoạt động. Trên địa bàn xã không có các vụ việc bạo lực gia đình mang tính nghiệm trọng, chỉ có một số vụ việc nhỏ do mẫu thuẫn trong gia đình.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Hưng - Chủ tịch UBND xã Thanh Tiên báo cáo về công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn xã. |
Đối với phạm vi toàn huyện, cùng với sự tiến bộ của xã hội, thông qua công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và phát huy vai trò hoạt động của các tổ hoà giải ở các khối, xóm, thôn, bản, các tổ tự quản ở các nhóm hộ gia đình đã góp phần giảm tình trạng bạo lực trên địa bàn. Nếu như năm 2018 trở về trước có 32 vụ bạo lực gia đình (trong đó có 5 vụ phải xử lý hành chính và 1 vụ phải xử lý hình sự), từ năm 2019 đến nay, số vụ bạo lực gia đình giảm xuống còn 3 vụ.
Đồng chí Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện báo cáo một số tình hình về công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện. |
Qua trao đổi với chính quyền huyện và xã, đoàn cũng đã ghi nhận một số yếu tố, nguyên nhân phát sinh bạo lực gia đình như: Bất bình đẳng giới và một số hiện tượng bài bạc, rượu chè, nghiện ma tuý, ghen tuông… Một số yếu tố liên quan đến tư tưởng, nếp nghĩ trong cộng đồng như: “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”, “không vạch áo cho người xem lưng”, “xấu chàng hổ ai” đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, công tác tuyên truyền, phòng chống bạo lực gia đình.
Bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Trên cơ sở ý kiến tham gia, góp ý của huyện và xã, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu để nghiên cứu tham gia vào quá trình xây dựng luật của Quốc hội. Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng mong muốn chính quyền huyện và xã tiếp tục quan tâm tuyên truyền, phát huy vai trò các tổ hoà giải, các câu lạc bộ và đoàn thể ở các khối, xóm chủ động nắm bắt và thực hiện tốt công tác phòng ngừa bạo lực gia đình, tránh để xảy ra các vụ việc đáng tiếc, đau lòng từ bạo lực gia đình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin