Tham gia thảo luận Tổ 4 có đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại đơn vị: Huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn. Dự thảo luận tại Tổ có đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; các huyện. Đồng chí Vương Quang Minh, Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu, Tổ trưởng Tổ 4 điều hành phiên thảo luận.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ số 4. |
Thảo luận tại tổ 4, các đại biểu dự họp cơ bản đồng tình cao với báo cáo của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, kế hoạch 06 tháng cuối năm 2022. Các đại biểu đề nghị một số vấn đề cụ thể liên quan đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận các giải pháp tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế; thu ngân sách trên địa bàn; Các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; giải pháp đảm bảo an sinh xã hội; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Đề nghị quan tâm những giải pháp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả các nguồn lực; tháo gỡ những vấn đề khó khăn trong sản xuất kinh doanh; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Tiến độ bàn giao đất nông, lâm nghiệp còn chậm
Đại biểu Lục Thị Liên (Con Cuông) kiến nghị tiến độ thực hiện việc bàn giao đất của các nông, lâm trường còn chậm. |
Chuyển tải ý kiến, kiến nghị của cử tri, bà Lục Thị Liên - Đại biểu huyện Con Cuông cho biết, hiện tại một số xã miền núi như Bình Chuẩn, huyện Con Cuông còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp, đại biểu đề nghị tỉnh cần có chính sách, bổ sung giải pháp để có lộ trình hỗ trợ ngân sách xây dựng, tôn tạo hệ thống kênh mương tại các xã huyện miền núi nói chung cũng như tại xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông nói riêng. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị tỉnh cần có chính sách hỗ trợ xi măng đặc thù riêng cho các thôn bản miền núi trong chương trình NTM cho các địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi. Theo đại biểu Liên, hiện nay tiến độ thực hiện việc bàn giao đất của các lâm trường còn chậm, trong khi người dân miền núi còn thiếu đất sản xuất.
Đại biểu Quế Trâm Ngọc (huyện Quỳ Châu) cho rằng hiện đang có tình trạng người dân miền núi thiếu tư liệu sản xuất. |
Cũng liên quan đến vấn đề thu hồi đất nông lâm trường, các đại biểu Mong Văn Tình (Quế Phong) và đại biểu Quế Trâm Ngọc (huyện Quỳ Châu) cho rằng hiện nay đang có tình trạng đồng bào dân tộc thiếu số đang thiếu tư liệu sản xuất. Việc thu hồi đất lâm trường, thời gian thực hiện quá lâu, dẫn đến chậm bàn giao đất cho người dân. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo mạnh mẽ cấp huyện giải quyết vấn đề đất nông lâm trường cho bà con.
Ông Hoàng Quốc Việt – GĐ Sở TNMT giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu nêu. |
Về tiến độ thu hồi đất nông lâm trường chậm, ông Hoàng Quốc Việt – GĐ Sở TNMT lý giải: UBND tỉnh đã có dự kiến thu hồi hơn 10.090,2ha của 11 công ty nông lâm trường trong toàn tỉnh để bàn giao cho các địa phương. Riêng huyện Con Cuông dự kiến sẽ thu hồi hơn 200ha. Vì vậy, ông Việt đề nghị, các UBND huyện sớm có phương án giao đất cho bà con nhân dân. Tuy nhiên, số diện tích đất rừng thu hồi về, phần chưa đo đạc còn nhiều. Ngành TNMT cũng mong muốn các địa phương chia sẻ và cùng sát cánh để thực hiện tốt các biện pháp quản lý đất nông lâm trường. Quan điểm của cơ quan chức năng là bảo vệ quyền lợi của nhân dân, muốn lấy đất rừng về bàn giao cho địa phương quản lý, để địa phương giao cho người dân sản xuất, nhưng cũng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Đối với ý kiến của đại biểu về tận thu khoáng sản để thực hiện các công trình dân sinh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thời gian qua, nhiều địa phương đề xuất uỷ quyền cho cấp huyện cấp phép khai thác khoáng sản theo kiểu tận thu. Tuy nhiên, theo quy định thì thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản là của Trung ương và của tỉnh, không uỷ quyền cho cấp huyện. Hiện Sở đã báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Khoáng sản.
Cần có chế tài mạnh xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải
Đại biểu Vi Văn Quý (Quỳ Hợp) kiến nghị cần có các chế tài xử lý, mang tính răn đe cao đối với tình trạng xe quá tải, quá khổ. |
Liên quan đến vấn đề xử lý xe quá khổ, quá tải, đại biểu Vi Văn Quý (Quỳ Hợp) cho rằng, hiện nay, hiện tượng xe quá tải tham gia giao thông xuất hiện trên một số tuyến đường bộ, nhất là các tuyến đường huyện, đường dân sinh, đặc biệt là các tuyến đường gần mỏ khai thác khoáng sản, mỏ vật liệu, khu vực tập kết hàng hóa, vật liệu… gây bức xúc cho người dân.
Các đại biểu tham dự. |
Theo đại biểu Quý, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt nẻ nghiêm trọng nhà cửa của người dân và hàng loạt “hố tử thần” trên địa bàn xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp. Công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông, vỉa hè đô thị đạt hiệu quả chưa cao, tình trạng tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông còn diễn ra ở nhiều nơi. Việc xử lý tình trạng xe quá khổ quá tải, cơi nới thùng vận chuyển khoáng sản, nhất là tại các huyện có khai thác khoáng sản, như huyện Quỳ Hợp chưa triệt để, do đó cần có các chế tài xử lý, mang tính răn đe cao.. Đại biểu Quý cũng đề nghị tỉnh quan tâm, đầu tư nâng cấp tuyến đường tỉnh lộ 532 đi qua địa bàn 4 xã: Châu Lộc, Liên Hợp, Châu Hồng, Châu Tiến, đặc biệt là sau sự việc sụt lở tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp để đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân.
Cùng quan điểm với đại biểu Quý, đại biểu Quế Trâm Ngọc (huyện Quỳ Châu) cũng nêu thực trạng tình trạng xe quá khổ, quá tải hiện đang diễn ra tại quốc lộ 48 gây nên tình trạng hư hỏng đường giao thông.
Đại biểu Nguyễn Văn Hải (Tương Dương) cho rằng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống do công tác tuyên truyền vận động chưa đủ sức thuyết phục |
Các đại biểu còn quan tâm tham gia làm rõ thêm đào tạo nghề, GQVL, vay vốn, các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc, phát triển làng nghề, TTCN, đầu ra cho sản phẩm TTCN của đồng bào; Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao; Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại tình dục, bạo lực học đường vẫn xảy ra; thực trạng dạy học ngoại ngữ trên địa bàn các huyện miền núi còn thiếu thốn, rất thiệt thòi. Đại biểu đề nghị tỉnh cần có cơ chế thu hút giáo viên, đặc biệt là giáo viên ngoại ngữ, hỗ trợ cơ chế chính sách cho trung tâm dạy ngoại ngữ trên địa bàn miền núi.
Việc chi trả chế độ phụ cấp phòng, chống dịch Covid-19 cho nhân viên y tế; tình trạng vi phạm ATGT, xe quá khổ, quá tải, công tác Giải quyết khiếu nại tổ cáo vẫn còn nhiều vụ việc phức tạp kéo dài..
Các đại biểu tham dự. |
Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận các dự thảo Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai để thực hiện công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết thông qua Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An Khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Đại diện Sở NN&PTNT làm rõ vấn đề đại biểu nêu. |
Tại phần thảo luận tổ, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính... đã trao đổi, làm rõ hơn ý kiến của các đại biểu.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải đáp một số nội dung đại biểu quan tâm. |
Tại phiên thảo luận tổ số 4, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giải đáp một số nội dung đại biểu quan tâm như: vấn đề đầu tư công, thu hồi đất lâm nghiệp, dự án chậm tiến độ, chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới…
Liên quan đến vấn đề đất sản xuất cho người dân miền núi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng, vấn đề này đã được đưa ra thảo luận, giải quyết qua nhiều kỳ họp HĐND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả cao.
Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì vấn đề này cần nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Bởi từ khi có Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, Nghị định 118 của Chính phủ, đến nay UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi gần 24.000 ha đất của các các nông, lâm trường, giao về cho chính quyền địa phương. Đến nay, các địa phương đã giao cho người dân gần 14.000 ha; hiện còn 10.000 ha đang được chính quyền địa phương quản lý.
"Việc giao đất cho người dân đang vướng 2 lý do. Thứ nhất là thiếu nguồn lực để trích đo, sau đó chia cho hộ dân thiếu đất. Thứ hai là việc xử lý tài sản trên đất đang còn vướng, mà nguyên nhân sâu xa cũng là thiếu nguồn lực. Sắp tới, tỉnh sẽ cố gắng bố trí kinh phí để thực hiện công tác này", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu nói và cho biết, tỉnh cũng đang tích cực giao rừng cho các địa phương để giao cho người dân quản lý, giúp người dân có sinh kế bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cũng đã thay mặt UBND tỉnh tiếp thu một số ý kiến của các đại biểu và khẳng định sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành giải quyết theo đúng quy định, đạt hiệu quả cao trong thực tiễn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin