Thời sự - Chính trị

Tuyên ngôn Độc lập và những giá trị về chủ quyền, nhân quyền

07:42, 01/09/2022
 Chính những người luôn đi rao rảng về nhân quyền lại vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn. Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam là lời tuyên bố với thế giới: Dân tộc Việt Nam cũng có quyền độc lập, tự do, bình đẳng như mọi quốc gia trên thế giới.

“Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do, độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập”. Đó là lời khẳng định đanh thép của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc trước quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945. Thế nhưng quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của toàn thể dân tộc Việt Nam lại bị các nước thực dân, đế quốc xâm phạm và tước đoạt. Chính những người luôn đi rao rảng về nhân quyền lại vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn. Chính vì vậy, bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam là lời tuyên bố với thế giới: dân tộc Việt Nam cũng có quyền độc lập, tự do, bình đẳng như mọi quốc gia trên thế giới, không ai có quyền xâm phạm.

Phóng viên trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học, Đại học Quốc gia Hà Nội về nội dung này.   

 

PV: Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ đã nói về nhân quyền, cụ thể là quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Đây là những quyền cơ bản mọi người dân đều có quyền được hưởng. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của bản Tuyên ngôn, thưa Giáo sư?

GS Phạm Hồng Tung: Đây không chỉ là tư tưởng của Hồ Chí Minh mà thực chất đấy là chân lý của thời đại. Tại Hội nghị hòa bình Versailles năm 1919, Hội nghị đã thừa nhận nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết, tức là thừa nhận quyền của các dân tộc được tự định đoạt vận mệnh chính trị và thể chế chính trị của mình. Nhưng sau đó, các nước đế quốc đã chà đạp lên quyền dân tộc tự quyết và cuối cùng thế giới đã rơi vào vòng binh lửa của chiến tranh thế giới thứ hai.

Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, một loạt các nước giành được độc lập, trong đó có Việt Nam. Luận cứ cơ bản nhất để bảo vệ các quyền được sống trong độc lập, tự do, được mưu cầu hạnh phúc, được đối xử bình đẳng như các dân tộc khác chính là những căn cứ được tuyên bố trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, trong Tuyên ngôn Dân quyền, Nhân quyền của nước Pháp và đặc biệt được tuyên bố trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, đã được tất cả các nước cam kết thừa nhận.

PV: Bản Tuyên ngôn cũng lời tố cáo các nước luôn đi rao giảng về nhân quyền nhưng lại vi phạm nhân quyền? Và chính vì họ chà đạp lên quyền sống của dân tộc nên chúng ta buộc phải đứng lên đấu tranh để giành lấy quyền sống, một quyền rất căn bản mà ai cũng có như một lẽ tự nhiên?

GS Phạm Hồng Tung: Đây cũng là phần nội dung thứ hai trong lập luận của Tuyên ngôn Độc lập để phủ nhận tư cách quay trở lại thuộc địa của thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: Hơn 80 năm trời, thực dân Pháp nhân danh những ngọn cờ tự do, bình đẳng, bác ái, nhân danh lẽ phải của nhân loại nhưng lại đi thống trị, chà đạp lên quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam và nhân dân Đông Dương, đấy là nội dung lập luận thứ nhất.

Thứ hai là, khi Đông Dương và Việt Nam bị phát xít Nhật tấn công, thực dân Pháp đã không thực hiện bổn phận của mình như họ tự tuyên bố là bảo hộ nhân dân Đông Dương và nhân dân Việt Nam. Hơn thế nữa, chỉ trong vòng 5 năm, họ đã 2 lần dâng nước ta cho phát xít Nhật. Tuyên ngôn độc lập còn có một tuyên bố đanh thép là sự thực nhân dân Việt Nam đã giành lại đất nước từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Pháp đã đánh mất Việt Nam vào tay phát xít Nhật và việc nhân dân Việt Nam giành lại độc lập bằng cách đánh bại phát xít Nhật, tức là đứng về phe đồng minh chống phát xít, để giành lấy quyền độc lập tự do của mình. Người Pháp không có tư cách quay trở lại tái chiếm thuộc địa ở Đông Dương và Việt Nam. 

PGS-TS Phạm Hồng Tung (Ảnh: Vietnamnet)

PV: Như vậy là chúng ta đấu tranh chống các thế lực ngoại bang xâm lược cũng chính là để cho nhân dân Việt Nam được sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc phải không, thưa ông?

GS Phạm Hồng Tung: Đúng vậy, chúng ta phải nhìn trở lại xuyên suốt trong tất cả các thời kỳ đấu tranh và đặc biệt là trong văn bản của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, tháng 5/1941 có những câu như thế này, quyền lợi của giai cấp, của bộ phận phải đặt dưới quyền sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc.

Chúng ta nhớ rằng, trước đó Bác đã nói cái câu rất quan trọng, nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, sung sướng thì nền độc lập đó không có nghĩa lý gì hết. Tức là độc lập, tự do là để giải phóng con người, mang lại hạnh phúc đích thực cho con người, mà con người đó là quảng đại quần chúng nhân dân lao động ở nước Việt Nam thì đều được hưởng quyền bình đẳng, tự do, mưu cầu hạnh phúc như nhau.

Đại hội Đảng lần thứ XIII, truyền tải lại thông điệp đó một cách rất mạnh mẽ, đó là khẩu hiệu của chúng ta bây giờ là gì, là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Cuộc đấu tranh để chống đói nghèo, lạc hậu ngày hôm qua, chống giặc ngoại xâm, nội phản ngày hôm qua thì bây giờ, chính là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, chống suy thoái, vượt qua khoảng cách tụt hậu về về trình độ phát triển, mang lại cái quyền độc lập, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Đấy chính là lý tưởng cách mạng của chúng ta.

PV: Đất nước đã hòa bình, nhân dân chúng ta đã và đang được thừa hưởng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Nhưng vẫn còn các thế lực, các đối tượng luôn lợi dụng vào các vấn đề liên quan đến nhân quyền, chủ quyền để chống phá đất nước ta. Họ đưa ra quan điểm cho rằng, nhân quyền cao hơn chủ quyền. Giáo sư có suy nghĩ như thế nào về quan điểm này?

GS Phạm Hồng Tung: Lập luận "nhân quyền cao hơn chủ quyền" là do họ chưa hiểu đúng chữ "nhân quyền" và càng không hiểu đúng chữ "chủ quyền". Ở tất cả các nền văn hóa chính trị trên thế giới, nhất là ở phương Tây thì không bao giờ người ta đặt chủ quyền dưới nhân quyền. Chủ quyền ở đây còn mang nghĩa là chủ quyền của cá nhân, chủ quyền của hộ gia đình, chủ quyền của cộng đồng, chủ quyền của quốc gia dân tộc. Cá nhân chỉ có thể khẳng định được chủ quyền của mình trong xã hội và nhờ xã hội.

Trong điều kiện thế giới đang đối chọi với nhiều nguy cơ có tính chất cộng đồng, đại dịch Covid-19 là một ví dụ, cá nhân dù tự do đến đâu cũng không thể vượt qua được chế định của cộng đồng. Covid đã cho thấy là như thế nào, trước khi chúng ta có vaccine hiệu quả thì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang người ta tranh cãi với nhau trên toàn thế giới là có vi phạm nhân quyền không, nhưng rồi cuối cùng thì quốc gia nào cũng phải chấp nhận đeo khẩu trang.

Mặc dù đeo khẩu trang là một ví dụ điển hình của việc "xâm phạm" ự do cá nhân có đúng không? Cái bản mặt của anh mà anh cũng không được quyền tự do phơi bày ra trước thiên hạ đúng không? Thế mà cuối cùng thì chỉ một con virus thôi mà buộc anh phải đeo khẩu trang, không đeo thì tốt nhất là anh không được đi ra khỏi nhà riêng của anh, không được tham gia giao thông công cộng, không được đến nơi công cộng… 

PV: Những thế lực cổ xúy cho quan điểm này cũng không nằm ngoài mục đích là lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp và công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, thưa giáo sư?

GS Phạm Hồng Tung: Chúng ta thấy nhãn tiền liên tục xảy ra trên thế giới. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, các nước cường quốc đều tự cho mình áp đặt một chiến lược, cách ứng phó theo kiểu của siêu cường, tự bác bỏ quyền dân tộc tự quyết. Đây là những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, trong thế giới hiện đại ngày nay, mà trước sau gì cũng phải lên án, trước sau gì cũng phải đấu tranh để bảo vệ quyền dân tộc tự quyết, quyền sống, quyền được bình đẳng, tự do, mưu cầu hạnh phúc, không bị áp đặt bởi bất kỳ thế lực nào thì thế giới mới có hòa bình, mới có sự hợp tác và phát triển bền vững.

PV: Xin cảm ơn giáo sư./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện