Nghe và cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách, công tác cải cách hành chính; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công; xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế đối ngoại; kết quả thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023…các ý kiến đều đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đã đạt được cho đến thời điểm này.
Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày các báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. |
Dù còn gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi nhưng bức tranh kinh tế xã hội Nghệ An trong năm 2022 vẫn có được nhiều điểm sáng so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến có 27/28 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, kinh tế có sự phục hồi và phát triển toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh(GRDP) ước đạt 9,05%; thu ngân sách ước thực hiện 20.350 tỷ đồng, vượt 35,7%. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng với tổng kim ngạch ước đạt khoảng 2,49 tỷ USD, tăng 2,55% so với năm 2021 và là năm thứ 2 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Nghệ An nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước(đến giữa tháng 11, tổng vốn FDI đạt trên 935 triệu USD).
Đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh phát biểu tại cuộc họp. |
Trên các lĩnh vực văn hoá - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. Trong năm cũng đã giải quyết việc làm cho trên 45 ngàn người, tăng gần 12% so với năm 2021. Tỉnh cũng đã cơ bản hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm, nội dung lớn, quan trọng như: hoàn thành các nội dung trình Ban Chỉ đạo Trung ương phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị; hoàn thành công tác thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự tỉnh và 5 huyện đảm bảo an toàn, đúng kế hoạch, được Quân khu 4 đánh giá cao.
Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại cuộc họp. |
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng các ý kiến cũng cho rằng: hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thu ngân sách tuy đạt cao nhưng cơ cấu thu còn nhiều bất cập. Đến cuối tháng 11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ mới đạt 52,6% kế hoạch là thấp, nhất là nguồn vốn nước ngoài; Tiến độ triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, xây dựng…còn nhiều bất cập. Các ý kiến cũng đề nghị nghiên cứu các giải pháp hiệu quả hơn trong cải cách hành chính; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ mở rộng thành phố Vinh; đánh giá thêm công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực khoáng sản, thực hiện các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu phát biểu tại cuộc họp. |
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đánh giá cao nỗ lực của các cấp ngành trong thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022. Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính đối với sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: đây là việc lớn của tỉnh, vì thế thời gian tới tỉnh sẽ nghiên cứu thành lập mô hình Ban Chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ sẽ theo nhóm, lĩnh vực để phụ trách trực tiếp. Người đứng đầu Tỉnh ủy nhấn mạnh: chỉ có làm quyết liệt như vậy thì mới đủ mạnh để công tác cải cách hành chính chuyển biến thực sự. Về mở rộng địa giới thành phố Vinh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị nghiên cứu, xem xét các phương án sáp nhập huyện Hưng Nguyên và một phần của huyện Nghi Lộc để đảm bảo theo các quy định mới của Trung ương.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận nội dung về kinh tế - xã hội. |
Cũng trong sáng nay, cuộc họp đã nghe kết quả 8 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển thị xã Hoàng Mai đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho rằng: còn 10 chỉ tiêu Thị xã chưa thể hoàn thành để đạt đô thị loại 3 đều là những chỉ tiêu khó và liên quan đến quá trình phát triển. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới Thị xã Hoàng Mai tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: giải phóng mặt bằng tốt nhằm tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các nhà đầu tư khi vào địa bàn, trọng điểm là KCN Hoàng Mai 2. Bởi công nghiệp phát triển Hoàng Mai mới có cơ hội phát triển đô thị, dịch vụ. Cùng với công nghiệp, quan tâm thu hút các nhà đầu tư dịch vụ du lịch, sản phẩm cao cấp nghỉ dưỡng, phát huy tối đa thế mạnh không gian đô thị biển. Đồng thời, Thị xã phải cố gắng duy trì quỹ đất, không gian, môi trường của sông Hoàng Mai và không gian bãi biển phục vụ không gian phát triển trong tương lai.
Phiên họp cũng đã cho ý kiến về danh mục dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Cho ý kiến về chương trình, nội dung kỳ họp thường kỳ cuối năm của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin