Quán triệt Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ

14:17, 16/11/2022
Sáng 16/11, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, đầu cầu trực tiếp tại Trụ sở Trung ương Đảng kết nối từ Thủ đô Hà Nội đến các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở. 
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Chủ trì hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư.

Tại Nghệ An, hội nghị được tổ chức trực tuyến với 22 điểm cầu. Đồng chí Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu chính.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị.

Nghị quyết 26 ra đời trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 25 của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Nghị quyết 26 nhìn nhận vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là 1 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước; gồm 14 tỉnh, thành phố từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận; là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước với thềm lục địa rộng lớn, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Về mục tiêu đến năm 2030, Nghị quyết xác định Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hoá, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Về một số chỉ tiêu cụ thể, Nghị quyết số 26 nêu rõ, giai đoạn 2021 – 2030 tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7 - 7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/người/năm, kinh tế số trong GRDP vùng đạt khoảng 30%; Phấn đấu tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 47 – 48%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn Nông thôn mới trên 90%; Thu ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 20 - 25% cả nước.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An.

Để thực hiện các chỉ tiêu này, Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh liên kết vùng; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; Bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; Nâng cao khả năng ứng phó thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển toàn diện văn hoá - xã hội vùng.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An.

Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị đề cập trên nhiều nội dung quan trọng liên quan đến Nghệ An như: Rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách và nguồn lực để nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển các quy hoạch liên tỉnh Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; kêu gọi và thúc đẩy đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (đoạn qua Nghệ An).

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu chính tỉnh Nghệ An.

Nghệ An cũng được xác định để tập trung nguồn lực phát triển các cảng biển có tiềm năng thành cảng biển đặc biệt cùng với Thanh Hóa, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Thành phố Vinh cũng được Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị xác định là “tọa độ” được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn, đồng thời, trở thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu cùng với các thành phố là Đà Nẵng và TP. Huế. Thành phố Vinh cũng được định hướng phát triển thành trung tâm văn hóa phía Bắc của vùng.

Xuân Hướng - Cảnh Toàn

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện