Kính thưa đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Kính thưa đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Kính thưa các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Thưa toàn thể các quí vị đại biểu,
Sau bốn giờ làm việc tích cực với sự chuẩn bị chu đáo của Tỉnh ủy Nghệ An và Ban tổ chức, cùng với sự tham gia tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Những vấn đề đặt ra tại Hội thảo liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới. Do vậy, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và tham dự trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các Bộ ngành và nhiều chuyên gia, nhà khoa học am hiểu sâu về vùng đất, con người Nghệ An.
Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW phát biểu tổng kết hội thảo. |
Thưa các đồng chí!
Nghệ An có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với vùng và cả nước; nơi được mệnh danh là “vùng đất địa linh, nhân kiệt”, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, nhiều tiềm năng, lợi thế với biển, rừng, biên giới, hệ thống giao thông đa dạng, kết nối quốc tế và nhiều tài nguyên văn hóa và du lịch, quê hương của dân ca Ví, Giặm; là tỉnh giàu truyền thống văn hóa, cách mạng và tinh thần hiếu học, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà cách mạng tiền bối; là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với hơn 16.486 km2, dân số trên 3,4 triệu người, đứng thứ 4 cả nước, bờ biển dài 82 km, đường biên giới 468,281 km. Để phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 30/07/2013 về “phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020” với mục tiêu “phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp”. Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đạt được nhiều kết quả nhưng cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.
Nhằm phát huy các thành tựu đã đạt được, khắc phục các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục phát triển tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tới; Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An triển khai Đề án “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”. Nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra sau tổng kết là tham mưu, đề xuất được với Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới với những chủ trương, định hướng phù hợp để phát triển nhanh và bền vững tỉnh Nghệ An trong thời gian tới. Nghị quyết mới phải bám sát các nhiệm vụ phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; phải cụ thể hóa được các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trên địa bàn Nghệ An theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị và cũng phải phù hợp với thực tiễn phát triển và bối cảnh, tình hình mới và vai trò của Tỉnh với vùng và cả nước.
Toàn cảnh hội thảo. |
Thưa các đồng chí!
Để có những nhận định, đánh giá khách quan, toàn diện và tham mưu cho Bộ Chính trị các chủ trương định hướng có căn cứ khoa học nhằm phát triển nhanh và bền vững tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tới: Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Hội đồng lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An đồng tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ". Hội thảo hôm nay có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp Ban Chỉ đạo củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết số 26- NQ/TW và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An trong tổng thể vùng, góp phần đưa Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 03/11/2022 vào cuộc sống.
Từ ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội thảo nên Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các Bộ ngành, lãnh đạo của tỉnh Nghệ An và nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Hội thảo đã nhận được 43 bài tham luận của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và các nhà khoa học, trong đó có 06 tham luận đã được trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Nội dung các tham luận khá toàn diện, đề cập đến mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội của tỉnh Nghệ An trong 10 năm qua và đề xuất các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển tỉnh Nghệ An trong thời gian tới, tập trung vào: (i) việc ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách của các Bộ, ngành và Tỉnh Nghệ An nhằm thể chế hóa Nghị quyết 26-NQ/TW; (ii) thực trạng và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu của tỉnh Nghệ An; (iii) thực trạng và các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả hơn một số tiềm năng, lợi thế của Nghệ An; (iv) thực trạng và giải pháp phát triển một số huyện thị, một số vùng kinh tế động lực của tỉnh Nghệ An; (v) đề xuất các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp để có những cơ chế, chính sách quyết liệt, đột phá nhằm thu hút vốn từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn FDI nhằm phát triển tỉnh Nghệ An thời gian tới.
Căn cứ vào thực tiễn phát triển của Tỉnh Nghệ An thời gian qua, từ kinh nghiệm quản lý, điều hành và các kết quả nghiên cứu: Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia tích cực vào phiên thảo luận mở với nhiều nội dung trực diện, bình luận sâu sắc đi sâu vào các cơ chế, chính sách, nguồn lực và tổ chức thực hiện các quy hoạch, dự án, đề án lớn; làm sáng tỏ thêm nhiều nguyên nhân tồn tại, hạn chế và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm phục vụ cho định hướng phát triển tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.
Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội dự hội thảo. |
Thưa các đồng chí và toàn thể quý vị đại biểu!
Các tham luận và nội dung trao đổi, thảo luận tại Hội thảo ngày hôm nay rất sâu sắc, chất lượng, toàn diện, có tính thực tiễn cao, bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Đảng tại Đại hội Đảng XIII, mạnh dạn đề xuất nhiều ý tưởng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm phát triển nhanh, bền vững tỉnh Nghệ An thời gian tới. Thay mặt Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW và chủ trì Hội thảo, Tôi xin tổng kết những nội dung cơ bản đã trao đổi, thảo luận tại Hội thảo như sau:
Một là, Các đại biểu thống nhất Nghị quyết số 26-NQ/TW là chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng; là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành và Tỉnh Nghệ An ban hành các cơ chế, chính sách và bổ sung nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An. Sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết, cùng với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An: Phát triển tỉnh Nghệ An đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, ngày càng hoàn thiện; các đô thị có diện mạo khang trang, sạch sẽ hơn; phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Tây Nghệ An đạt được nhiều kết quả, đời sống của nhân dân được nâng cao.
Hai là, các đại biểu đã làm sâu sắc hơn một số kết quả đạt được phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An thời gian qua dù còn khiêm tốn nhưng tạo lập các điều kiện nền tảng để đột phá, tiền đề cho phát triển tỉnh Nghệ An trong dài hạn; làm rõ hơn những hạn chế, bất cập và nguy cơ Nghệ An sẽ “tụt hậu” về kinh tế so với một số tỉnh Bắc Trung Bộ; chỉ ra các nguyên nhân cản trở phát triển tỉnh Nghệ An từ nhận thức đến hành động trong triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW; từ quan tâm, phối hợp giữa Bộ, ngành đến triển khai thực hiện của Tỉnh; từ ban hành cơ chế chính sách đến bố trí và tích hợp các nguồn lực; từ vai trò của hệ thống chính trị đến thực hiện của doanh nghiệp, người dân trong tỉnh. Trên cơ sở đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu cụ thể nhằm tiếp tục phát huy các thành tựu đã đạt được; ban hành và điều chỉnh các cơ chế, chính sách (hỗ trợ, ưu đãi) và bổ sung nguồn lực thông qua các Chương trình, dự án để khai thông các nguồn nội lực của tỉnh, tích hợp được các tiềm năng chung của vùng; tăng cường nhận thức và quyết tâm hành động để tiếp tục xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.
Ba là, các đại biểu đã phân tích thuận lợi, khó khăn tác động đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An thời gian tới. Các thuận lợi, cơ hội phải kể đến là sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ và nhất là cách mạng công nghiệp 4.0; các Hiệp định thương mại tự do ; các xu thế kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...; thế và lực của vùng, đất nước tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An. Bên cạnh đó, các khó khăn, thách thức mà tỉnh phải tiếp tục đối mặt như: Dân số đông, điều kiện tự nhiên khó khăn; quy mô kinh tế nhỏ, xuất phát điểm thấp; khoa học công nghệ phát triển chậm; năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh thấp; chất lượng lao động chưa cao; tốc độ đô thị hóa chậm và thiếu liên kết; doanh nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp; khu công nghiệp, các đô thị phát triển chậm, chưa tạo động lực lan tỏa; vùng phía Tây Nghệ An còn nhiều khó khăn; tình trạng biến đổi khí hậu, tai biến thiên nhiên với tần suất và cường độ ngày càng tăng. Trên cơ sở đó, đề xuất nhiều định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khai thác hiệu quả các thời cơ, thuận lợi và chuyển hóa các khó khăn thách thức thành cơ hội phục vụ cho phát triển Tỉnh Nghệ An thời gian tới.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An dự hội thảo. |
Bốn là, các đại biểu đã đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp nhằm cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh căn cứ vào các tiềm năng, lợi thế đặc thù của tỉnh Nghệ An, nhất là các lợi thế để phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo; phát triển kinh tế rừng, kinh tế biển; khai thác bản sắc văn hóa xứ Nghệ và các loại hình du lịch đặc thù; phát triển hệ thống đô thị, cảng biển, dịch vụ thương mại, logicstics... Trến cơ sở đó định hướng và đề ra các giải pháp để: (i) Phát triển nhanh các ngành công nghiệp, như: Điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, lắp ráp, sản xuất các loại vật liệu mới, dược liệu, hoá chất; chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm; công nghiệp năng lượng gắn với bảo vệ môi trường; công nghiệp hỗ trợ; (ii) Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch, sinh thái, ứng dụng các quy trình, công nghệ mới, thông minh, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên; chú trọng phát triển kinh tế rừng gắn với các vùng dược liệu; (iii) Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền tài nguyên du lịch văn hóa; phát triển du lịch trải nghiệm không gian văn hóa sông Lam và nghệ thuật dân ca Ví Giặm và các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử và tâm linh tại các di tích văn hóa, lịch sử đặc biệt là Khu di tích lịch sử Kim Liên; (iv) Phát triển kinh tế biển đa dạng, cả kinh tế biển truyền thống và kinh tế biển mới, như: phát triển kinh tế đô thị ven biển, nuôi thủy sản trên biển (nuôi biển), năng lượng tái tạo trên biển, nghề cá giải trí gắn với khu bảo tồn biển và có thể là dược liệu biển; (v) Phát triển khu KTCK với những cơ chế ưu đãi dành cho các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, thương mại hàng hóa, du lịch, dịch vụ; đầu tư cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu bằng nguồn vốn ngân sách của trung ương; tiếp tục nâng cấp cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy thành cửa khẩu quốc tế.
Năm là, môt số tham luận và đại biểu cho rằng triển khai các đột phá chiến lược trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn nhiều bất cập như: Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực vẫn còn phức tạp, cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn hình thức, tỷ lệ hồ sơ, thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp; cơ sở hạ tầng phát triển nhanh nhưng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn; lực lượng lao động đang ở trong thời kỳ “dân số vàng” nhưng chất lượng nguồn lao động thấp gây khó khăn lớn trong việc thực hiện các định hướng lớn của tỉnh. Trên cơ sở đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh 03 đột phá chiến lược về cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tiếp tục đầu tư hạ tầng kinh tế- xã hội nhất là hạ tầng giao thông (Cảng hàng không quốc tế Vinh, Cảng nước sâu Cửa Lò, tuyến cao tốc Cửa Lò – Vinh-Nam Đàn); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy cao hơn nữa tiềm năng con người để phục vụ cho các mục tiêu phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Sáu là, một số đại biểu đã phân tích về thực trạng và đóng góp của các động lực tăng trưởng đối với phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Nghệ An thời gian qua về phát triển khoa học- công nghệ, về phát triển kinh tế tư nhân, về phát triển hệ thống đô thị và về liên kết với các địa phương trong vùng. Trên cơ sở đó đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy các động lực tăng trưởng thời gian tới như: (i) Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, ưu tiên đầu tư chuỗi giá trị nông nghiệp, dược liệu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ vi sinh; dược liệu, công nghiệp dược; công nghiệp chế biến; phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Nghệ An; (ii) Ban hành chương trình phát triển doanh nghiệp với các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ và nâng đỡ thành lập doanh nghiệp mới, tăng chất lượng doanh nghiệp mới thành lập, nhất là du lịch, các ngành nghề mới thể hiện xu thế phát triển trong thời đại 4,0..v.v.; (iii) Tổ chức hệ thống đô thị, làm rõ vị thế của tửng đô thị của tỉnh và tăng cường liên kết các đô thị, liên kết đô thị với công nghiệp, liên kết đô thị với kinh tế biển…; phát triển thành phố Vinh thực sự trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ; (iv) Tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh liên kết phát triển vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh gắn với phát triển KKT Đông Nam Nghệ An; liên kết phát triển vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An gắn với phát triển vùng Hoàng Mai – Đông Hồi.
Bảy là, các đại biểu thống nhất cho rằng, phát triển tỉnh Nghệ An phải được đặt trong tổng thể phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ. Chiến lược, quy hoạch Nghệ An phải phù hợp với các chủ trương, định hướng tại Nghị quyết 26-NQ/TW vừa được ban hành; tích hợp được với quy hoạch, phát triển vùng; định hướng rõ vai trò, chức năng của các vùng động lực như Thành phố Vinh, Khu Kinh tế Đông Nam, Vùng Hoàng Mai Đông Hồi, các Hành lang kinh tế và phát triển bền vững vùng Tây Nghệ An. Từ đó đề xuất cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tổ chức không gian phát triển hợp lý và tiếp tục rà soát, cập nhật danh mục dự án kêu gọi đầu tư, đặc biệt là thu hút các dự án trọng điểm vào các khu vực kinh tế động lực, khai thác lợi thế về các khu kinh tế, cảng biển để phát triển các hành lang kinh tế, kết nối vùng. Kiến nghị với Trung ương, ban hành, hoàn thiện một số chủ trương, chính sách lớn về liên kết vùng; điều chỉnh, cân đối, bổ sung các công trình dự án của Trung ương trên địa bàn Tỉnh.
Cuối cùng, các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất cao về việc đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Nghệ An đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước; là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và bổ sung nguồn lực để phát triển bền vững tỉnh Nghệ An xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thưa các qúy vị đại biểu
Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW trân trọng các góp ý của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học vì sự phát triển của tỉnh Nghệ An, đóng góp vào thành công của Hội thảo và coi đây là cơ sở để Ban Chỉ đạo hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW.
Ban Chỉ đạo giao Tổ Biên tập chắt lọc, tổng hợp đưa vào trong Báo cáo tổng kết Nghị quyết đảm bảo phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ tổng kết đề ra, báo cáo Ban Chỉ đạo trước khi trình Bộ Chính trị.
Cuối cùng, thay mặt Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW, Ban tổ chức Hội thảo xin trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Hội đồng lý luận Trung ương, sự hỗ trợ của Tỉnh ủy Nghệ An, sự tham gia đưa tin của các cơ quan thông tấn báo chí và đặc biệt là sự tham dự, tham gia viết bài, đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học cho Hội thảo.
Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin bế mạc Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Chúc các đồng chí mạnh khỏe và thành công!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin