- Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!
- Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ!
- Thưa các vị khách quốc tế, quý vị đại biểu cùng toàn thể đồng bào, đồng chí!
Hôm nay chúng ta có mặt ở đây, với tất cả tấm lòng tôn kính và ngưỡng mộ, long trọng tổ chức kỷ niệm 250 năm năm sinh và 200 năm năm mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam được UNESCO vinh danh. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí về tham dự sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước phát biểu tại Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-2022), 200 năm năm mất (1822-2022) Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. |
Kính thưa quý đại biểu, thưa đồng bào, đồng chí!
Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Làng Quỳnh - quê hương bà là nơi sản sinh ra những ông nghè, ông cống lừng danh thiên hạ. Còn Thăng Long - nơi bà sinh ra, lớn lên, là đế đô lâu đời của nhiều triều đại, nơi hội tụ tinh hoa của muôn phương. Chính những điều đó, đã hun đúc trong bà những tư chất đặc biệt, những lớp phù sa văn hoá liên tục được bồi đắp.
Bà lớn lên trong một bối cảnh lịch sử đất nước đầy biến động, sự thay ngôi đổi triều, những can qua, nội chiến và chiến tranh chống ngoại xâm đã tác động mạnh mẽ đến mọi tầng lớp xã hội, làm thay đổi số phận biết bao người, trong đó có bà. Đương thời, nữ giới ít được học hành, chủ yếu chú trọng “nữ công gia chánh” với “tam tòng tứ đức”. Nhưng chúng ta thấy một Hồ Xuân Hương hoàn toàn khác. Xuất thân dòng dõi con nhà Nho khoa bảng, bà được học hành bài bản, và tự mình đi theo một con đường riêng, dám đứng lên chống lại những bất công trong xã hội mà người khác cam chịu.
Cách đây gần một thế kỷ, trong Việt Nam văn học sử yếu, nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm đã xác định: Bà là một nữ sĩ có thiên tài và giàu về tình cảm, nhưng vì số phận hẩm hiu, thân thế long đong, nên trong tập thơ của bà (Xuân Hương thi tập) bài nào cũng chứa chan tình tứ, mà tả cảnh, tả tình, dùng chữ, hiệp vần rất khéo, thật là một nhà thơ viết thơ Nôm thuần tuý thoát hẳn ảnh hưởng của thơ văn chữ Hán. Còn Lưu Trọng Lư nhận xét: Hồ Xuân Hương đã diễn tả được một cái gì rất sâu sắc, rất tráng kiện, rất táo bạo, rất Việt Nam, một cái chất Việt Nam không kim cổ, không phân biệt đàn ông hay đàn bà.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đều thống nhất khẳng định rằng, trong số các nữ nhà thơ tài danh thời Trung đại như Lê Ngọc Hân, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan,… thì Hồ Xuân Hương vẫn là trường hợp thu hút mạnh mẽ, hấp dẫn nhất. Chính cái độc dị, sắc sảo giúp thơ bà có sức sống bền bỉ, lan toả sâu rộng và tính cộng hưởng mạnh mẽ. Không phải ngẫu nhiên, thi sĩ Xuân Diệu gọi Hồ Xuân Hương với danh xưng “Bà chúa thơ Nôm”, bởi sức sống kiên cường và tầm ảnh hưởng của những sáng tác thơ, những giai thoại và vị trí đặc biệt của bà.
Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Nghị quyết số 41C/15 của UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-1822) Nữ sĩ Hồ Xuân Hương của Việt Nam cho lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, tỉnh Nghệ An. |
Hồ Xuân Hương là bậc nữ sĩ kỳ tài, là một hiện tượng đặc sắc của nền văn học trung đại Việt Nam. Thơ của bà ẩn chứa nhiều vấn đề sâu sắc, phức tạp, nhiều đột phá và rất mới mẻ; vừa đậm chất phong tình, vừa mang tinh thần phản kháng mạnh mẽ, thể hiện một tư tưởng nhân văn, nhân bản mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống, quyền yêu đương, hạnh phúc cho con người, trước hết là người phụ nữ.
Con người trong thơ bà là con người với mọi nhu cầu trần thế, nhu cầu hiện sinh chính đáng. Có thể nói tiếng nói vang dội nhất trong thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói đấu tranh đòi nữ quyền: quyền bình đẳng, quyền được yêu thương, hạnh phúc, quyền được công khai hiện diện trong cuộc sống với tất cả những gì mà tạo hóa ban cho người phụ nữ và cho con người.
Hồ Xuân Hương dám trực diện đấu tranh cho quyền của phụ nữ, phản kháng quyết liệt và chia sẻ tận cùng với những số phận bất hạnh của nữ giới trong xã hội cũ. Sự độc đáo của thơ Hồ Xuân Hương còn thể hiện qua cách xưng hô rất khác lạ của bà, vừa có chút mời chào, vừa có chút tinh nghịch, thách thức… Khi thì bà xưng “em”, khi thì xưng “chị”, khi lại xưng “thiếp”: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn, Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Bài thơ Vịnh bánh trôi nước nhưng ở đó là khí phách và bản lĩnh của một con người, mọi thăng trầm, mọi trắng đen của cuộc đời cũng không thể thay đổi được một tấm lòng son. Thông điệp thơ ca ấy của bà mang tính vĩnh hằng, với tinh thần lẽ sống ấy, chính là lẽ sống của con người trong mọi thời đại.
Song song với tiếng nói đánh thức, khơi gợi diệu kỳ, khó ai có thể làm được ấy là tiếng nói phê phán mạnh mẽ các thế lực đã tạo ra những ràng buộc vô lý đối với con người, gây ra sự bất bình đẳng giới, tạo ra những lề thói, hủ tục cản trở sự tiến bộ của xã hội. "Ví đây đổi phận làm trai được/Thì sự anh hùng há bấy nhiêu", đấy là tiếng kêu của một người muốn thay xã hội phong kiến có tham nhũng, giả dối, lọc lừa của mọi hạng người, vô liêm sỉ trong xã hội. Nhưng chính trong tiếng kêu ấy nói riêng và trong thơ ca của bà nói chung, ẩn chứa bên trong sự dịu dàng, đoan trang, tinh tế, nhưng mạnh mẽ và kiên cường của người phụ nữ Việt Nam truyền thống.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành Trung ương tham dự buổi lễ. |
Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa đặc biệt. Nhận ra một Hồ Xuân Hương như vậy là đã có cả một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu nghiêm túc, công phu, không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn cả ở phạm vi khu vực và quốc tế. Với UNESCO, cứ liệu tham khảo có vai trò quan trọng hàng đầu là giá trị văn hóa do một nhân vật nào đó tạo ra phải có ý nghĩa nhân loại và được thừa nhận rộng rãi trên phạm vi quốc tế.
Từ góc nhìn này, người ta thấy gì về đóng góp của nữ sĩ Hồ Xuân Hương? Người ta nhận thấy Hồ Xuân Hương là “một người phụ nữ, gây kinh ngạc với tính cách tự do và vượt ra ngoài chính thống”. Tất cả đã làm nên sức sống mạnh mẽ, tạo thành dòng chảy liên tục, được lưu truyền và lan tỏa sâu rộng trong tâm thức người đọc cả trong nước và ngoài nước suốt mấy trăm năm qua và chắc chắn sẽ còn tiếp diễn bền lâu trong tương lai. Hồ Xuân Hương xứng đáng trở thành Danh nhân văn hóa, một tác giả lớn của Việt Nam và thế giới.
Ngày 23/11/2021, Đại Hội đồng UNESCO đã chính thức thông qua Nghị quyết Vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất của một số danh nhân văn hóa tầm nhân loại, trong đó có 2 nhân vật nổi tiếng của Việt Nam: nữ sĩ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Trong sáu nhân tài đất Việt đã được UNESCO vinh danh (1980: Nguyễn Trãi; 1990: Hồ Chí Minh; 2015: Nguyễn Du; 2019: Chu Văn An; 2021: Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu), duy nhất có Hồ Xuân Hương là nữ giới.
Và giờ đây, đã hiển hiện một xác tín: Hồ Xuân Hương - nữ sĩ, một người con trác việt, uyên bác của dân tộc, xuất phát từ xứ Nghệ, một hiện tượng văn hóa độc đáo, là “Bà chúa thơ Nôm”. Hơn thế, Hồ Xuân Hương - một Danh nhân văn hóa mang tầm vóc nhân loại, là nhà thơ mang tầm vóc một Thi hào. UNESCO đã tỏ ra rất tinh tưởng khi trao sứ mệnh vinh quang cho nữ sĩ Hồ Xuân Hương: sứ mệnh truyền cảm hứng và lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến mọi con người trên Trái Đất.
Ông Christian Manhart - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam dự Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. |
Thưa quý đại biểu, khách quý, thưa đồng bào, đồng chí!
Uống nước nhớ nguồn, trọng hiền tài luôn là truyền thống quý báu của dân tộc chúng ta. Với Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, chúng ta đã thực hiện nhiều công việc đầy ý nghĩa như sưu tầm, nghiên cứu các tác phẩm, thân thế, sự nghiệp của bà, dịch các tác phẩm của bà ra tiếng nước ngoài để giới thiệu, quảng bá với bạn bè thế giới, dựng tượng, bia kỷ niệm tại làng Quỳnh quê hương bà, tổ chức trao giải thưởng Hồ Xuân Hương về văn học nghệ thuật, xây dựng hồ sơ quốc gia trình UNESCO vinh danh, cùng kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm mất của bà, tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản”, tên của bà được đặt cho nhiều công trình văn hóa, giáo dục, đường phố của nước ta.
Hôm nay, về lại quê hương của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, quê hương của Bác Hồ kính yêu, một xứ Nghệ anh hùng, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, chúng ta vui mừng nhận thấy sự đổi thay, phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội. Nhất là thời gian gần đây, Đảng bộ có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nhiều công trình, dự án đang được đầu tư xây dựng, góp phần vào những thành tựu chung của cả nước.
Kết quả đó là sự minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà, mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy triển vọng, xây dựng quê hương Nghệ An không chỉ là “tỉnh khá” mà là “tỉnh tốt” của cả nước, là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ.
Chúng ta hôm nay cùng nhau về đây kỷ niệm 250 năm năm sinh và 200 năm năm mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương để bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của bà đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại, nhưng cũng để tìm trong di sản của bà những kinh nghiệm và bài học quý báu cho sự phát triển của địa phương và đất nước trong tương lai. “Ôn cố tri tân”, đó là cách tiếp nối và phát huy truyền thống văn hóa lịch sử dân tộc, học hỏi từ những di sản văn hóa của các bậc tiền nhân và cũng là thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hoá toàn quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì vào tháng 11/2021 vừa qua.
Tôi đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn nữa tầm cao tư tưởng, giá trị nghệ thuật trước tác của Hồ Xuân Hương, nghiên cứu sâu hơn nữa thân thế và sự nghiệp của bà, tiếp tục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của Bà chúa thơ Nôm đến rộng rãi công chúng trong và ngoài nước, phát huy giá trị văn hóa Hồ Xuân Hương trong giai đoạn mới, chú trọng ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin vào nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá tác phẩm, sáng tác văn hóa nghệ thuật và thực hiện số hóa di sản liên quan đến con người và sự nghiệp Hồ Xuân Hương.
Các đồng chí lãnh đạo, Đảng, Nhà nước, bộ, ngành Trung ương, địa phương tham dự buổi lễ. |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin trân trọng ghi nhận và cảm ơn UNESCO đã thông qua nghị quyết và cùng tổ chức tôn vinh Danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương. Đây là niềm vinh dự, tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Chúng ta tôn vinh Nữ sĩ Hồ Xuân Hương chính là tôn vinh phẩm hạnh và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời chúng ta cũng nhận thấy những nỗ lực, phấn đấu của Đảng và Nhà nước ta cho quyền lợi và sự công bằng đối với phụ nữ thông qua việc phát huy sự đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước cũng như những vị trí quan trọng đội ngũ các nhà lãnh đạo đất nước, cơ quan, tổ chức ở mọi thế hệ.
Việc UNESCO công nhận, tôn vinh những giá trị và ý nghĩa nhân văn cao đẹp, trường tồn trong tư tưởng, nhân cách Hồ Xuân Hương cũng chính là tôn vinh nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ, nhân văn, bác ái của con người Việt Nam. Điều này thêm lần nữa khẳng định, những giá trị tốt đẹp trong cốt cách con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam đã và đang hoà chung dòng chảy văn hoá nhân loại, cũng như làm giàu hơn, phong phú hơn cho văn hoá thế giới.
Cuối cùng, xin chúc quý vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công. Tôi mong tỉnh Nghệ An và các địa phương có liên quan đến Nữ sĩ Hồ Xuân Hương hãy kết nối khăng khít để tối ưu các lợi thế, phát huy những giá trị, di sản văn hoá mà bà để lại, cùng nhau phát triển.
Trân trọng cảm ơn!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin