Gìn giữ, phát huy giá trị di sản, tư tưởng của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong xây dựng con người văn hóa Nghệ An (*)

23:30, 03/12/2022
Tối 3/12, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trọng thể tổ chức Lễ vinh danh, kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 - 2022), 200 năm năm mất (1822 - 2022) Nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Ý thức, trách nhiệm cao hơn trong nhiệm vụ gìn giữ, phát huy những giá trị di sản, tư tưởng của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương

 

Thái Thanh Quý (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh)

Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Lễ vinh danh, kỷ niệm là dịp để chúng ta tôn vinh, tự hào và trân quý hơn những di sản mà danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương để lại cho hậu thế, qua đó thấm thía hơn cội nguồn sức mạnh của văn hóa, văn hóa là hồn cốt của dân tộc; chúng ta ý thức, trách nhiệm cao hơn trong nhiệm vụ gìn giữ, phát huy những giá trị di sản, tư tưởng của nữ sỹ Hồ Xuân Hương trong việc xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. NTV trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

- Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam;

- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Quân khu 4; các thành phố và tỉnh bạn; lãnh đạo tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ;

- Thưa ngài Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam;

- Thưa các vị đại biểu, khách quý; Thưa đồng bào, đồng chí! 

Toàn cảnh Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất Nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Toàn cảnh Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất Nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Căn cứ Nghị quyết kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41, trong niềm phấn khởi và tự hào, hôm nay tỉnh Nghệ An và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trọng thể tổ chức Lễ vinh danh, kỷ niệm 250 năm năm sinh và 200 năm năm mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tôi trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị khách quốc tế, cùng toàn thể quý vị đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí những lời chúc tốt đẹp nhất.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa đồng bào, đồng chí!

Theo các tư liệu đã được công bố, nữ sĩ Hồ Xuân Hương sinh năm 1772, mất năm 1822. Bà là con gái cụ đồ Hồ Phi Diễn, người làng Quỳnh Đôi, nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Mang trong mình dòng máu xứ Nghệ, nhưng Hồ Xuân Hương lớn lên ở đất Thăng Long nên trong con người bà có sự hội tụ nét tinh hoa của hai vùng văn hóa lớn là xứ Nghệ và Kinh Bắc. Chất khảng khái, cương trực của xứ Nghệ hòa thiệp với chất mềm mại, tinh tế của Kinh Bắc, để rồi kết lại, tỏa sáng một Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đầy cá tính, sâu sắc và nhân văn.

Các đồng chí lãnh đạo, Đảng, Nhà nước, bộ, ngành Trung ương, địa phương tham dự Lễ. 

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sinh ra và lớn lên trong bối cảnh chế độ phong kiến đương thời bước vào thời kỳ suy thoái trầm trọng, xã hội đầy nhiễu nhương bất ổn, cuộc sống người dân vô cùng ngột ngạt. Mang thân phận là nữ nhi, “dải lụa đào”, “miếng cau khô”, Hồ Xuân Hương trở thành nạn nhân của chế độ ấy, cuộc đời phải chịu đựng nhiều truân chuyên, “bảy nổi ba chìm với nước non”. Đau đớn, căm phẫn xã hội bất công và khao khát tình yêu, tha thiết tình đời, xót xa cho mình và đồng cảm với thân phận những người phụ nữ bị áp bức, đè nén trong xã hội, Hồ Xuân Hương đã chuyển vào những tác phẩm thơ của mình, tạo nên một hiện tượng thi ca độc đáo, hiếm có không chỉ ở Việt Nam mà mang tầm thế giới.

Thơ Hồ Xuân Hương, đặc biệt là thơ Nôm truyền tụng của bà, không chỉ cất lên tiếng nói về một số phận riêng nhiều đau khổ mà cao hơn là tư tưởng nhân văn mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống, quyền bình đẳng cho con người; đề cao khát vọng về một cuộc sống tự do, hạnh phúc, vượt ra ngoài khuôn khổ cứng nhắc và hà khắc của xã hội cũ, nhất là đối với người phụ nữ. 

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành Trung ương tham dự Lễ. 

Sống trong xã hội phong kiến đương thời với những quy chuẩn ràng buộc khắt khe về “tam tòng, tứ đức”, với “trung trinh tiết hạnh”, với sự rẻ rúng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”… nhưng với tư tưởng nhân văn vượt thời đại của Hồ Xuân Hương đã xé toang những rào cản vô lý mà xã hội đương thời áp đặt lên người phụ nữ. Qua những vần thơ sắc sảo mà tình tứ; phẫn uất, sâu cay mà giàu chất trữ tình; tài hoa mà hết sức dân dã, Hồ Xuân Hương đã lần đầu tiên đưa vào lịch sử văn học dân tộc tiếng nói sâu đậm màu sắc nữ quyền,đó là quyền được hạnh phúc, quyền được yêu thương, quyền được công khai hiện diện trong cuộc sống với tất cả những gì mà tạo hóa ban cho người phụ nữ và cho con người. “Ví đây đổi phận làm trai được; Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”, cho đến hôm nay, những khát vọng về nữ quyền, bình đẳng giới ấy tiếp tục truyền cảm hứng mạnh mẽ đến hậu thế, trở thành một trong những mục tiêu phát triển cao cả của nhân loại.

Dấu ấn văn hóa Hồ Xuân Hương còn được thể hiện qua sự khẳng định con người cá nhân, khẳng định “cái tôi” độc đáo. Cái “tôi” ấy không cam chịu bị đè nén, không buông xuôi trước thời thế mà can đảm đấu tranh bảo vệ mình, chống lại những xấu xa, trái đạo đức, trái tự nhiên, bảo vệ những giá trị tiến bộ và tốt đẹp. Cái tôi ấy khát khao cháy bỏng trong tình yêu lứa đôi, tình cảm gia đình. Cái tôi ấy tha thiết yêu thiên nhiên, tràn đầy sức sống, âm thanh và màu sắc. Bởi vậy, tròn 200 năm sau khi tạ thế, UNESCO đã trao cho Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sứ mệnh vinh quang: truyền cảm hứng và lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến mọi con người trên trái đất. 

Các đồng chí lãnh đạo, Đảng, Nhà nước, bộ, ngành Trung ương, địa phương tham dự Lễ.

Tương ứng với tinh thần, ý thức, tư tưởng nhân văn ấy, là hệ thống các phương thức, phương tiện nghệ thuật về bút pháp, thể loại, giọng điệu, ngôn ngữ, biểu tượng… được nữ sĩ vận dụng và thực thi đầy linh hoạt, sáng tạo, biến hóa trong sáng tác. Hồ Xuân Hương đã phá bỏ những nguyên tắc cứng nhắc, dân tộc hóa cao độ thể thơ Đường luật, đưa cuộc sống đời thường, trần tục vào một thể thơ đài các, quý phái; đã khai thác triệt để khả năng tu từ phong phú của ngôn ngữ dân tộc, có nhiều sáng tạo và thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ hàng ngày và đưa ca dao, thành ngữ, tục ngữ vào thơ, làm cho tác phẩm vừa đạt độ tinh hoa, vừa đại chúng, vừa truyền thống, vừa hiện đại, có sức lan toả sâu rộng và tính cộng hưởng mạnh mẽ, tạo nên hiện tượng “đồng sáng tạo” hiếm có.

Hồ Xuân Hương thể hiện một phong cách sáng tạo thi ca rõ nét ở sự kết hợp đồng thời nhiều thái cực: Đó là niềm xót xa và sự thách thức, nỗi đau đớn và sự nổi loạn, cảm thương và tranh đấu, dịu dàng và mạnh mẽ, tủi hổ và giễu cợt, thanh và tục, ý thức và bản năng… Đặt trong bối cảnh xã hội và văn học đương thời, bà thực sự đã tạo nên một cá tính, một Hồ Xuân Hương độc nhất vô nhị, một thứ ánh sáng cháy hết mình, một “giọng riêng biệt” không thể tìm thấy ở bất cứ ai khác.

Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Nghị quyết vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương cho tỉnh Nghệ An.

Bởi thế, trải qua hơn 200 năm xuất hiện trên văn đàn, Hồ Xuân Hương luôn mang đến sự cuốn hút mạnh mẽ cho độc giả, các nhà nghiên cứu, nhà phê bình danh tiếng trong nước và quốc tế. Thơ của Hồ Xuân Hương đã được dịch ra hơn 10 thứ tiếng khác nhau trên thế giới, được đưa vào giảng dạy, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài. Con người và thơ Hồ Xuân Hương đã đi vào văn thơ, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, hội họa, được dân gian hóa, được nhân dân gìn giữ và lưu truyền. Tên của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được đặt cho các ngôi trường, tuyến phố trang trọng, danh lam, thắng cảnh đẹp, giải thưởng văn học, nghệ thuật ở tỉnh Nghệ An và một số địa phương trong cả nước.

Vượt qua lớp bụi mờ của thời gian, thơ Hồ Xuân Hương đã và đang đi ra thế giới, hòa nhập vào giá trị tinh thần nhân loại, cùng mẫu số chung về con người với khát vọng tự do, bình đẳng, bác ái, qua đó thế giới hiểu thêm con người, dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa đồng bào, đồng chí!

Năm 2022, cùng với dấu mốc tròn 35 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, tỉnh Nghệ An hết sức tự hào có thêm một người con của quê hương là Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được UNESCO ban hành Nghị quyết vinh danh và cùng tham gia kỷ niệm. Vinh dự lớn lao này cũng là niềm vui chung của cả nước, mang lại sự ghi nhận toàn cầu đối với những lý tưởng về hòa bình, bình đẳng xã hội, học tập suốt đời mà Việt Nam cùng chia sẻ với thế giới, phù hợp với những mục tiêu chung của tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc và những nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ của con người Việt Nam. Khẳng định sức ảnh hưởng, cốt cách, giá trị những tác phẩm của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đã vươn tầm thế giới, được quốc tế thừa nhận và tôn vinh.

Văn đàn thế giới đã ghi thêm tên một Danh nhân văn hóa của Việt Nam là Hồ Xuân Hương bằng tất cả sự trọng thị và mến mộ. Đây cũng là sự khẳng định về tiếp nối mạch nguồn văn hóa, truyền thống, vị thế của đất và người Nghệ An hơn 990 năm qua. Minh chứng sinh động cho một vùng đất“địa linh nhân kiệt”, nơi có những con người “biết làm thơ và đánh giặc”, “thời nào cũng có danh nhân, vùng nào cũng có nhiều bậc anh hào chí lớn”có nhiều đóng góp, cống hiến vẻ vang cho Tổ quốc và làm rạng rỡ quê hương.

Đại biểu dự Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất Nữ sĩ Hồ Xuân Hương.  

 Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa đồng bào, đồng chí!

Năm 2022, sau 200 năm Hồ Xuân Hương đi xa, Nghệ An - quê hương nữ sĩ đã có nhiều thay đổi lớn lao. Những gì thi nhân khao khát, mơ ước về quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của con người đã trở thành hiện thực tươi sáng.

Thực hiện công cuộc đổi mới, được sự quan tâm của Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An đã tận dụng cơ hội, tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, làm ngời sáng diện mạo quê hương. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát thấp, đến nay quy mô nền kinh tế của tỉnh đứng thứ 12 cả nước. Một số lĩnh vực từng bước định hình là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, như y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính - ngân hàng... Diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, là một trong những điểm sáng của cả nước về xây dựng nông thôn mới. Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được gìn giữ, bồi đắp những giá trị mới, được thế giới biết đến và ghi nhận.

Đời sống của nhân dân ở các vùng, các miền từng bước được nâng lên rõ rệt; công tác bình đẳng giới đạt được nhiều kết quả thực chất và tích cực. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đối ngoại được tăng cường, mở rộng. Khối đại đoàn kết toàn dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố. 

Chương trình nghệ thuật nhạc kịch tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp văn thơ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

Lễ vinh danh, kỷ niệm hôm nay, là dịp để chúng ta tôn vinh, tự hào và trân quý hơn những di sản mà danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương để lại cho hậu thế, qua đó thấm thía hơn cội nguồn sức mạnh của văn hóa, văn hóa là hồn cốt của dân tộc; chúng ta ý thức, trách nhiệm cao hơn trong nhiệm vụ gìn giữ, phát huy những giá trị di sản, tư tưởng của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong việc xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; đóng góp thiết thực, cụ thể vào nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tiếp nối truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, tôi tha thiết kêu gọi các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục đoàn kết, phát huy mạnh mẽ ý chí, bản lĩnh kiên cường, tinh thần cách mạng, khát vọng vươn lên; tích cực đổi mới sáng tạo, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để xây dựng tỉnh Nghệ An giàu về kinh tế; mạnh về chính trị và quốc phòng an ninh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thỏa nguyện ước mong của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương và các bậc tiền nhân.

Nhân dịp này, thay mặt Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh, tôi trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, đơn vị đã dành tình cảm, sự quan tâm, giúp đỡ quý báu cho Nghệ An trong suốt chặng đường phát triển đã qua, cũng như trong quá trình hoàn thành hồ sơ trình UNESCO vinh danh Nữ sĩ Hồ Xuân Hương; mong muốn, trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các đồng chí. 

Trân trọng cảm ơn tổ chức UNESCO đã vinh danh danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương; cảm ơn các quốc gia đã ủng hộ Việt Nam trong quá trình tôn vinh này, cảm ơn các vị đại diện Đại sứ quán các quốc gia tại Việt Nam và tổ chức quốc tế đã đến dự và dành những lời chúc tốt đẹp, nhân sự kiện này.

Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, toàn thể các quý vị đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thắng lợi.

Xin trân trọng cảm ơn!

(*) Tiêu đề do BBT đặt

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện