Ngày làm việc thứ 2: HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại hội trường  

12:06, 08/12/2022
Tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 11, sáng 8/12, HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại hội trường về tình hình KT-XH, QPAN, các báo cáo của UBND tỉnh, các sở ngành và xem xét, thẩm tra các dự thảo nghị quyết. Các ông Thái Thanh Quý – Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình – Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên thảo luận.
Ông Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phiên thảo luận tại hội trường.
Ông Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phiên thảo luận tại hội trường.

Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường, một trong nhiều nội dung được đại biểu Trần Ngọc Sơn đề cập, đó là tìm các giải pháp để hạn chế những thiệt hại tác động lâu dài đối với người dân ở tất cả các địa phương. Đợt mưa lũ vừa qua, nhất là lũ ống, lũ quét tại huyện Kỳ Sơn là một ví dụ.

Ông Trần Ngọc Sơn (Đại biểu Tân Kỳ) nêu kiến nghị
Ông Trần Ngọc Sơn (Đại biểu Tân Kỳ) nêu kiến nghị

“Trong các biện pháp phòng chống thiên tai liên quan đến quy hoạch, cần xây dựng quy hoạch đảm bảo lâu dài, đồng bộ. Xem xét quỹ đất dự phòng để tạo nơi ở mới, giải quyết các hậu quả thiên tai”, đại biểu Sơn nhấn mạnh.

Đại biểu Phan Thị Minh Lý (Yên Thành)  nêu ý kiến.

Liên quan đến phát triển kinh tế rừng, đại biểu Phan Thị Minh Lý cho rằng Nghệ An hiện có trên 1 triệu ha rừng, độ che phủ rừng cao nhất cả nước. Đây là lợi thế để chúng ta đón đầu thị trường tín chỉ cacbon sẽ được mở thí điểm từ năm 2025. Tuy nhiên chúng ta chưa có sự chuẩn bị cho bước đi này.

“Nếu như chúng ta đón đầu được các chủ trương này sẽ là một lợi thế để Nghệ An phát triển xanh, bền vững trong xoá đói giảm nghèo. Xin hỏi tỉnh ta đã có sự chủ động như thế nào để đón đầu chủ trương này? Và phát huy lợi thế riêng có của Nghệ An”.

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Tại hội trường, nhiều đại biểu cũng đã bày tỏ sự quan tâm đối với các nội dung liên quan đến kinh tế nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh như cây cam; các chính sách để hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC; xây dựng đường giao thông nông thôn; tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Một trong nhiều vấn đề được người dân kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri đó là yêu cầu đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nội dung này đã được UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện nhưng rõ ràng, trong quá trình triển khai đã xuất hiện một số bất cập, khó khăn cần phải được nhìn nhận để tháo gỡ.

Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nêu kiến nghị.
Ông Trình Văn Nhã, đại biểu huyện Thanh Chương nêu kiến nghị.

Ông Trình Văn Nhã – Đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Thanh Chương cho rằng: “Có 3 nhóm vướng mắc: các quy định pháp luật chưa thống nhất; tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ cơ sở; người dân thiếu hiểu biết, không cung cấp các giấy tờ liên quan."

Ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở TN-MT Nghệ An giải trình vấn đề đại biểu nêu.

Ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở TN-MT Nghệ An cho biết liên quan đến thủ tục cấp giấy, về phía Sở TNMT cũng thấy còn rườm rà. Các bộ thủ tục hành chính về đất đai đều thực hiện theo quy định của cấp trên, đặc biệt theo QĐ 255 năm 2018 của Bộ TNMT, QĐ 1868 năm 2021 của Bộ TNMT quy định bộ thủ tục hành chính về đất đai. Tiếp thu ý kiến của cử tri và các đại biểu, Sở sẽ phản ánh BộTNMT  đang soạn thảo dự thảo Luật đất đai sửa đổi năm 2013 để rút ngắn thủ tục hành chính.
 
Các đại biểu cũng đề nghị, tỉnh và các ngành liên quan quan tâm đến chính sách đối với lực lượng làm công tác bảo vệ rừng – khi gần đây tình trạng người lao động tại các Ban quản lý rừng phòng hộ, hạt kiểm lầm xin nghỉ việc ngày một tăng. Việc xây dựng trường học mầm non, nhà giữ trẻ tại các KCN vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; nhằm giữ chân người lao động ở lại quê hương lập nghiệp. Quan tâm tháo gỡ khó khăn để sớm ổn định cuộc sống của người dân ở các khu tập thể cũ.

Ông Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết những vướng mắc trong thực hiện công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế tiêu hao.

Một vấn đề cử tri quan tâm đó là tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế hiện nay ở các cơ sở khám chữa bệnh, kể cả các bệnh viện tuyến tỉnh. Về những vấn đề này, ông Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết những vướng mắc trong thực hiện công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế tiêu hao, đến thời điểm hiện tại, Nghệ An đang sử dụng thuốc đấu thầu năm 2021-2022 nên về cơ bản đang đáp ứng đủ, ngành đã có những chỉ đạo kịp thời phục vụ thuốc cho người bệnh nhất là trường hợp cấp cứu. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế chỉ là cục bộ, hiện Nghệ An đang sử dụng thuốc cũ chỉ thiếu một số thuốc chuyên khoa, do khó nhập khẩu.

Các đại biểu dự kỳ họp
Các đại biểu dự kỳ họp

"Về thiếu vật tư y tế, phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân khách quan. Khó khăn nhất trong năm 2023, sẽ là vấn đề đấu thầu vật tư, hoá chất. Ngành Y tế khó chủ động, nhất là trong thẩm định giá, vì nhiều doanh nghiệp họ từ chối tham gia đấu thầu. Trước đây Nghệ An trước có 4 doanh nghiệp tham gia đấu thầu mà giờ rất khó khăn. Thông tin về hoá chất vật tư, là câu chuyênh khó vất vả của ngành Y tế trong năm tới...", ông Chỉnh nêu.

Đại biểu Hoan (TP Vinh) nêu ý kiến
Đại biểu Phan Thị Hoan (TP Vinh) nêu ý kiến

Bà Phan Thị Hoan, tổ đại biểu TP Vinh nêu thực trạng, việc thực hiện đề án 109 năm 2007 của UBND tỉnh về giải quyết các khu tập thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đến nay, đã có 142 khu tập thể ở Thành phố Vinh được giải quyết, nhiều hộ dân đã ổn định cuộc sống, tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn TP Vinh vẫn đang còn 14 khu tập thể đang còn giải quyết dở dang vì phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, vì vậy, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo để giải quyết dứt điểm để người dân ổn định cuộc sống. Ngoài ra, theo đại biểu Hoan, thời gian qua, Tp Vinh đã tập trung chỉnh trang đô thị, bộ mặt Tp đã cải thiện rất nhiều và đặc biệt là tập trung xây dựng tuyến phố đi bộ ở tuyến đường Nguyễn Văn Cừ và Hồ Tùng Mậu. Tuy nhiên trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu, trước khu vực Quảng Trường hiện nay đang có chợ Quán Lau chưa được đầu tư, vì vậy UBND tỉnh cần quan tâm, kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng chợ này tránh sự nhếch nhác trong khu vực như hiện nay. 

Ông Lê Sỹ Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh giải trính ý kiến đại biểu nêu.

Xung quanh vấn đề này, ông Lê Sỹ Chiến, Phó Chủ tịch UBND Tp Vinh ví von, hai vấn đề nâu trên thực sự nhức nhối, “giống như người đi đường dẫm phải gia chưa nhổ ra được”. Theo ông Chiến, về khu tập thể,  theo đề án 109, TP có 156 khu nhà cần xử lý. Khi kết thúc đề án, Tp đã cơ bản giải quyết xong 142 khu tập thể với trên 3000 hộ dân, qua đó tạo sự đổi mới về cảnh quan cũng như ổn định chổ ở cho người dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 14 khu nhà chưa giải quyết xong, tuy nhiên đề án này đã kết thúc vào năm 2020, điều này đồng nghĩa với việc các văn bản trước đây hướng dẫn các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đã bãi bỏ. Việc thực hiện hiện phải thực hiện theo luật đất đai hiện hành nên gặp nhiều vướng mắc như thu hồi đất, khấu trừ nghĩa vụ tài chính cho những người mua nhà tập thể trước ngày 1/7/2004. Những khó khăn này, Tp Vinh cũng đã có văn bàn đề xuất Sở Tài Nguyên và Sở Tài Chính và các sở ngành liên quan tìm giải pháp tháo gỡ. Về nội dung liên quan đến việc nâng cấp chợ quán lau, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh Lê Sỹ Chiến cho biết phía thành phố đã hoàn thiện phương án đấu giá quyền thuê đất để thực hiện việc cải tạo chợ và trình các sở ngành liên quan.

Cũng liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận hồ sơ xin đấu giá quyền thuê đất khu chợ quán lau. Sở này đang trong quá trình thu thập hồ sơ để phối hợp với thành phố tiến hành thẩm định trong thời gian sớm nhất vào đầu năm 2023.

Đại biểu Hà Thị Phương Thảo (Nghĩa Đàn)
Đại biểu Hà Thị Phương Thảo (Nghĩa Đàn) nêu ý kiến.

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, bà Hà Thị Phương Thảo, Đại biểu huyện Nghĩa Đàn cho rằng trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn như: Phần lớn nông nghiệp phát triển theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, giá trị sản phẩm nông nghiệp thấp, eo hẹp về nguồn lực, vốn, thiếu kiến thức về thị trường, giá cả, nguyên liệu đầu vào cao trong khi giá cả sản phẩm không ổn định, thậm chí còn thấp, ví dụ như trâu bò và một số loại hoa quả tươi. Vậy giải pháp để giải quyết những khó khăn này như thế nào? Việc thực hiện một số chính sách cũng như đề án phát triển nông nghiệp, cụ thể là Quyết định 3826 của UBND tỉnh ngày 18/10/2021 về mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ các sản phẩm nông nghiệp và Quyết định 4222 ngày 9/11/2021 của UBND tỉnh về việc phát triển chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đây là 2 đề án ý nghĩa và sát thực với thực tế của người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình ý kiến đại biểu.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình ý kiến đại biểu.

Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thời gian qua, mặc dù chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh, thiên tai song nông nghiệp Nghệ An phát triển rất tốt, đặc biệt trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 4,78%, nằm trong tốp đầu cả nước (bình quân cả nước dưới 3%).

Trước băn khoăn của cử tri về đề án cây ăn quả, ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng chỉ tiêu đến 2025 là 30 ngàn ha, năm 2030 là 50 ngàn ha, hiện đang gặp khó khăn về quy hoạch theo phê duyệt của Chính phủ. Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh, thoái hoá giống đã ảnh hưởng đến cây trồng, đặc biệt là cây cam. Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ khuyến khích trồng những giống cây ăn quả khác để tăng diện tích. Về đề án chăn nuôi, mục tiêu đến năm 2025, tổng đàn lợn đạt 1,1 triệu con, song đến thời điểm này đã đạt mục tiêu này. Về đàn gia cầm mục tiêu đến năm 2025 là 32 triệu con song đến nay đã đạt 32,5 triệu con. Về tổng đàn trâu bò hiện đã đạt 785 ngàn con và chắc chắn sẽ vượt mục tiêu 795 ngàn con vào năm 2025. Về vấn đề giá cả và đầu ra đang gặp khó khăn, tỉnh và các ngành sẽ tìm giải pháp mở rộng thị trường, bao tiêu sản phẩm cho bà con trong thời gian tới.

Một số nội dung liên quan đến chỉ tiêu đội ngũ bác sỹ ở cơ sở, công tác xoá nghèo; tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2023; chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ thôn, xóm; công tác cải cách hành chính; … cũng đã được đại biểu nêu vấn đề để các sở, ngành liên quan giải trình trước kỳ họp và cử tri tỉnh nhà.

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh trong số ý kiến phát biểu của các vị đại biểu HĐND tỉnh, UBND tỉnh nhận thấy rất nhiều ý kiến trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc, sát thực tiễn, trên tinh thần xây dựng. Các ý kiến ngoài ghi nhận kết quả đạt được, đã chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế mà UBND tỉnh phải tiếp tục xem xét khắc phục trong thời gian tới. Đối với vấn đề mà cử tri kiến nghị, quan trọng là kết quả giải quyết. UBND tỉnh nhận thấy, nhiều vấn đề do nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan nên chưa được giải quyết. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo để các sở, ngành, địa phương quan tâm giải quyết, đạt được mong muốn, sự quan tâm của cử tri.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

Về kế hoạch của năm 2023, bối cảnh hết sức khó khăn. Vấn đề tỷ giá, lãi suất, lạm phát, bất ổn của thị trường dẫn đến giảm nhu cầu đơn hàng, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động. Chính vì vậy, việc đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023 là 9-10% đã được UBND tỉnh xem xét, cân nhắc các yếu tố. Đây là chỉ tiêu tương đối phù hợp, mặc dù chỉ tiêu này thấp hơn chỉ tiêu bình quân chung trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (9,5 - 10,5%).

Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Ngay sau khi kết thúc kỳ họp, UBND tỉnh sẽ triển khai ngay các Nghị quyết của HĐND tỉnh để thực hiện nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, công tác đối ngoại của năm 2023; sớm giao kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 để các ngành, địa phương thực hiện. Trong điều hành, UBND tỉnh sẽ chủ động xây dựng kịch bản, phân công việc theo dõi để thực hiện nhiệm vụ. Trong năm 2023, UBND tỉnh sẽ tập trung cho 5 nhiệm vụ trọng tâm, nội dung lớn, quan trọng.

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Người đứng đầu UBND tỉnh khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục nắm bắt kịp thời, giải quyết sớm những vấn đề mà cử tri, nhân dân quan tâm, dư luận phản ánh; phối hợp với các ngành, địa phương giải quyết ngay từ cơ sở, tránh những vấn đề phức tạp, bất ổn trên địa bàn các địa phương nói riêng, cũng như trên địa bàn tỉnh nói chung, đảm bảo ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với tinh thần phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2022 cũng như thời gian qua, tinh thần đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Tỉnh ủy; với sự phối hợp, giám sát hiệu quả của HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, của các tổ chức, đoàn thể xã hội, UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của năm 2023 với phương châm “Đổi mới - kỷ cương - hiệu quả”. Chủ tịch UBND tỉnh rất mong các cơ quan: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các ngành, các địa phương, các vị đại biểu HĐND tỉnh có sự quan tâm, đồng hành, cùng hỗ trợ UBND tỉnh đạt được mục tiêu phát triển chung của tỉnh.

Nhóm PV

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện