Cùng dự có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 63 tỉnh thành phố trong cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phải chỉ rõ nguyên nhân do đâu
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó đoán định. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Trước tình hình đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; kiên định, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2023 đã đề ra. Trong đó, các nhiệm vụ chính trị quan trọng là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).
Các nhiệm vụ này có vai trò đặc biệt quan trọng về cả kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, tháo gỡ các nút thắt, tạo nền tảng kết cấu hạ tầng KTXH, dẫn dắt đầu tư tư, mở ra không gian phát triển mới, tăng cường tính kết nối, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, xóa đói giảm nghèo, tăng nội lực của đất nước, tạo động lực cho phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; nhờ rút kinh nghiệm, phân cấp cho các địa phương nên giải phóng mặt bằng mới nhanh như vậy - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, sâu sát.
Năm 2022, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, cuộc họp; thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công và gần đây đã ban hành Nghị quyết số 124/NĐ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng và nhiều lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành khi đi công tác địa phương đã dành nhiều thời gian đi thị sát, kiểm tra các dự án đầu tư công trọng điểm quốc gia, của tỉnh, thành phố.
Ngay từ 1/1/2023, tại lễ khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Bộ KHĐT cũng đã phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công. Ngày mùng 4 Tết, Thủ tướng đã đi thị sát, kiểm tra tình hình triển khai các dự án, công trình trọng điểm ngành giao thông.
Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm trong giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhiều bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai, thực hiện tốt; có những công trường vẫn triển khai “3 ca, 4 kíp” xuyên Tết; có những dự án hoàn thành vượt tiến độ đề ra.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và triển khai một số chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH nhìn chung còn chậm; giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 đạt gần 93,5% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ là 95,11%; ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN tháng 1/2023 đạt 1,81%, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 là 2,5%.
Công việc giải ngân vốn đầu tư công và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH ngày càng nặng nề. Tổng kế hoạch vốn NSNN năm 2023 là gần 711,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 130 nghìn tỷ đồng so với 2022. Trong khi đó, phải vừa bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, vừa bảo đảm đúng chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án.
Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương, phải thấy rõ trách nhiệm của mình, nhất là người đứng đầu, bởi có nguồn lực mà không triển khai được thì tại sao, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn ở đâu? Những vướng mắc đã được chỉ ra rồi thì được giải quyết đến đâu?
Các bên cần chia sẻ những mô hình, các làm hay, sáng tạo, giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện, lãnh đạo chỉ đạo (tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin…trong giải ngân đầu tư công).
Cạnh đó, đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2023 bảo đảm tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình giải ngân; cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm tốt và chưa tốt; nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì; nguyên nhân thuộc về thể chế, pháp luật hay công tác điều hành, tổ chức thực hiện; các giải pháp khắc phục thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương báo cáo, tham luận ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, nêu rõ thực trạng tình hình của đơn vị mình; kinh nghiệm hay và những khó khăn, vướng mắc là gì? Chỉ rõ là do Trung ương hay do địa phương, do công tác lãnh đạo, chỉ đạo hay do công tác triển khai thực hiện, do năng lực của cán bộ; có tham nhũng, lợi ích nhóm hay không?
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Vẫn còn chậm
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 551.378,271 tỷ đồng, đạt 95,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn trong nước đạt 94,8% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 99,9% kế hoạch).
Số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ là 28.668,563 tỷ đồng (bằng 4,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP).
Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/01/2023 là 541.857,52 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn số liệu đã báo cáo tại Phiên họp Chính phủ tháng 01/2023 do đã cập nhật số liệu của các tỉnh: Hà Tĩnh, Hòa Bình; thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) và một số năm gần đây nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021.
Trong đó có 8 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và 40/51 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (93,42%).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ KHĐT thẳng thắn chỉ rõ còn một số hạn chế, trong đó có những hạn chế đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được khắc phục. Đó là vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ; năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; cấp mỏ và khai thác vật liệu xây dựng; nhiều dự án gặp khó khăn trong việc tìm bãi đổ thải trong quá trình thi công; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh.
Về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 hiện đã giao kế hoạch vốn 707.044,198 tỷ đồng, bằng 100% số vốn Quốc hội quyết nghị.
Về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, báo cáo cho biết, kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỷ đồng. Trong đó, số vốn chưa phân bổ chi tiết là 4.640,188 tỷ đồng vốn NSTW.
Căn cứ số vốn 707.044,198 tỷ đồng đã được Quốc hội phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn là 707.044,198 tỷ đồng, bằng 100% số vốn Quốc hội quyết nghị.
Đại diện các bộ, ngành báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đến hết ngày 17/02/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ đạt 84,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn NSNN còn lại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là khoảng 15,8% kế hoạch được giao.
Về tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển KTXH, báo cáo cho biết, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ, giải ngân các chính sách hỗ trợ đến tháng 1 ước đạt 80,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó: cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.036 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 878 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.744 tỷ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất đạt hơn 134 tỷ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí 52.623 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng.
Đối với số vốn 14.151 tỷ đồng còn lại thì các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang lấy ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ là 9.605 tỷ đồng, các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư là 1.214 tỷ đồng, các dự án chưa được thông báo vốn là 3.332 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: Triển khai hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm so với yêu cầu đề ra, mới đạt 0,2% tổng nguồn lực, khả năng không giải ngân hết trong năm 2023.
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển KTXH. Phân tích và chỉ rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, Thủ tướng nghiêm khắc phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công; yêu cầu các cơ quan, địa phương nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, địa phương mình nhanh và hiệu quả.
Thủ tướng chỉ rõ, việc khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và 3 CTMTQG có vai trò hết sức quan trọng cho sự phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Chính vì vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành năm 2023.
Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp trên trực tiếp. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý công việc.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong mọi mặt hoạt động đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.
ãnh đạo các địa phương báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Thủ tướng, để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2023 đòi hỏi tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, trong đó, tập trung khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của TTg, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc.
Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý; Nâng cao hơn nữa tính chủ động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong giải quyết các vướng mắc phát sinh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, thúc đẩy đầu tư công trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án; Nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; xác định rõ và công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện lựa chọn nhà thầu để lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, uy tín, kinh nghiệm. Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân chậm trễ.
Về 3 CTMTQG, Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện còn lại. Cần đổi mới cách nghĩ, cách làm, xây dựng chính sách, dự án có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và phù hợp đặc thù riêng của địa phương./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin