Toàn cảnh hội nghị. |
Sau hơn 2 tháng phát động, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa được 1.200 nhà(gồm xây mới 1.194 nhà, sửa chữa 6 nhà) cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở. Cấp tỉnh và 100% đơn vị cấp huyện đã thành lập BCĐ, nhiều đơn vị đã bắt tay triển khai thực hiện chương trình rất quyết liệt, hiệu quả, tiêu biểu như Công an tỉnh, các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong…
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thị Minh Sinh phát biểu tại hội nghị. |
Tuy nhiên một số đơn vị vào cuộc còn chậm, nhiều đơn vị chưa Chỉ đạo thành lập BCĐ cấp xã(toàn tỉnh mới có 173/460 xã); 563/3801 khối, xóm, bản. Tại hội nghị, sau khi nghe quán triệt Chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của Ban chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, đại biểu cấp xã, thôn, bản, cấp huyện đã phát biểu nêu lên những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra đối với những đơn vị đã triển khai; những vướng mắc cần tập trung chỉ đạo tháo gỡ từ thực tiễn.
Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng BCĐ chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Thái Thanh Quý kết luận hội nghị. |
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng BCĐ chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh: đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị trong tỉnh trong giai đoạn 2023 – 2025. Bởi nếu chỉ giải quyết nhà ở cho người nghèo theo bình quân của các giai đoạn trước, Nghệ An sẽ phải mất thời gian hơn 10 năm. Việc giải quyết nhanh, hiệu quả chương trình sẽ giúp người nghèo sớm an cư lạc nghiệp, góp phần thực hiện thành công chính sách giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Vì vậy để thực hiện chương trình nhân văn sâu sắc này, Trưởng BCĐ tỉnh yêu cầu phải có quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc tích cực, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của các địa phương từ huyện, xã, thôn, bản. Tất cả vì hướng tới mục tiêu đã xác định là đến năm 2025, toàn bộ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh đều có nhà ở kiên cố. Cũng theo Bí thư Tỉnh uỷ, chương trình này phải thực hiện trên cơ sở hợp lòng dân. Phải hướng đến mục tiêu cốt lõi là phục vụ nhân dân, vì cuộc sống nhân dân tốt đẹp hơn, do vậy tuyệt đối không chạy theo thành tích; không tạo thêm gánh nặng cho dân khi triển khai xây dựng nhà. Tuyệt đối tránh nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các hộ gia đình trong việc được nhận hỗ trợ, giải ngân; tuyệt đối không để trục lợi, tư lợi cá nhân, làm thất thoát, gây mất niềm tin trong nhân dân, nhà hảo tâm. Đặc biệt chú trọng phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong rà soát danh sách, đánh giá tiêu chuẩn, bình xét các hộ được nhận hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Bí thư Tỉnh uỷ nêu rõ: Kinh phí được hỗ trợ 50 triệu đồng là nền tảng cơ sở ban đầu quan trọng, nhưng để làm được một ngôi nhà thì nhất thiết phải có sự góp công, góp của thêm từ nhân dân, các lực lượng, tổ chức, đoàn thể. Vì vậy, phải huy động sức mạnh toàn dân tham gia thực hiện. Đồng thời, giữa các bộ phận, lực lượng tham gia thực hiện chương trình phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Chương trình cũng thống nhất một đầu mối vận động, hỗ trợ là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và nguồn kinh phí tiếp nhận, phân bổ qua Quỹ “vì người nghèo” các cấp. Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh đồng thời yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị lưu ý một số mốc thời gian thực hiện nhiệm vụ như: Trong tháng 4/2023 hoàn thành việc thành lập BCĐ, tổ công tác, ban hành Quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch thực hiện; trong tháng 5/2023: hoàn thành việc điều tra, rà soát tổng thể số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở cần phải kêu gọi vận động hỗ trợ và nhu cầu cần hỗ trợ của địa phương giai đoạn 2023 – 2025.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin