Tham dự phiên giải trình có đồng chí Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương.
Toàn cảnh phiên họp. |
Giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh đã có gần 23.000 hộ gia đình và cộng đồng dân cư được giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, diện tích này xấp xỉ 100 ngàn ha. Tuy vậy, kết quả này vẫn được cho là thấp khi đạt chưa đến 60% đề án đã được duyện.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Thành Vinh báo cáo giải trình tại phiên họp. Ảnh: Báo Nghệ An |
Nguyên nhân dẫn đến kết quả đạt thấp có liên quan đến công tác thẩm định hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thiếu kinh phí để thực hiện theo tiến độ đề án đã được duyệt. Thậm chí, theo báo cáo của UBND tỉnh, có đến 10 đơn vị cấp huyện hiện không thể khắc phục được khó khăn để tiếp tục triển khai được đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng đang tồn tại những bất cập. Đó là tình trạng người dân được giao quản lý rừng tự nhiên nghèo, không được hưởng lợi từ rừng nên tự ý đốt rừng nghèo để lấy đất trồng rừng; thực trạng tranh chấp, lấn chiếm, chồng lấn đất lâm nghiệp giữa các chủ rừng và người dân vẫn diễn ra tương đối phức tạp, chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến khiếu kiện kéo dài; việc thu hồi đất của các công ty lâm, nông nghiệp bàn giao cho người dân vẫn còn gặp nhiều vướng mắc; thiếu biên chế và cả kinh phí trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng…
Đồng chí Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Báo Nghệ An |
Giải trình với Thường trực HĐND tỉnh, đại diện ngành Nông, lâm nghiệp tỉnh đề xuất giải pháp để giải quyết những vướng mắc hiện nay: Tăng cường phối hợp giữa các ngành, địa phương; quan tâm hơn trong việc bố trí kinh phí thực hiện. Bản thân người dân cũng cần chủ động đề xuất các nguyện vọng…
Cũng tại buổi giải trình, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã nghe và thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Kết luận các phiên giải trình từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: Báo Nghệ An |
Tiếp thu các nội dung, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: Nghệ An có diện tích rừng quy hoạch lớn nhất cả nước nhưng để phát huy lợi thế này vẫn còn nhiều hạn chế. UBND tỉnh cũng nhận thấy có 5 vấn đề liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp cần phải thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, cần thiết phải tiếp tục rà soát lại quy hoạch rừng và đất rừng; tăng cường thu hút đầu tư để phát triển tốt hơn lâm nghiệp và kinh tế rừng; kiện toàn bộ máy quản lý, bảo vệ rừng.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên giải trình. Ảnh: Báo Nghệ An |
Kết luận phiên giải trình, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý ghi nhận những nỗ lực của lực lượng quản lý, bảo vệ, phát triển rừng toàn tỉnh trong thời gian qua. Từ thực tế của tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu triển khai rà soát lại, cắm mốc quy hoạch 3 loại rừng; đánh giá lại đề án giao đất, giao rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Quan tâm kêu gọi, xã hội hoá để phát triển rừng. Đặc biệt quan tâm trong công công tác phát triển bộ giống cây lâm nghiệp chất lượng, hiệu quả cao; Đồng thời quan tâm, chăm lo đội ngũ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; Tăng cường tuần tra, kiểm soát để giảm thiểu tối đa các vụ việc vi phạm. Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chỉ thực sự hiệu quả khi có sự chung tay của nhiều thành phần, nhất là người dân sống gần rừng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin