Trời Hà Nội đã vào thu, không khó để bắt gặp những đoàn khách rạng rỡ chụp ảnh bên bờ hồ, góc phố… dòng người và các phương tiện giao thông đi lại tấp nập trên các cung đường của Thủ đô trên nền cờ hoa, biểu ngữ kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2/9 của dân tộc Việt Nam.
Thời gian như nhắc nhở mỗi người cùng nhìn lại lịch sử cách đây 78 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã làm nên một cuộc cách mạng long trời, lở đất, khai sinh ra một mô hình Nhà nước kiểu mới trên dải đất hình chữ S.
Thực hiện trọn vẹn lời thề độc lập
Cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 nhanh chóng thành công trên cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào về Hà Nội nhanh chóng soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, công bố với quốc dân đồng bào và toàn thể thế giới về việc ra đời một quốc gia theo chính thể cộng hòa, một Nhà nước dân chủ kiểu mới ở khu vực Đông Nam Á.
Và chính từ thời khắc Người từ Tân Trào trở về Hà Nội thì cũng là lúc bản đồ thế giới phải sửa lại tại bán đảo Đông Dương hiện diện một Nhà nước với nền dân chủ theo chế độ cộng hòa đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình, là thời khắc cả muôn triệu người như một. Tất cả cùng chăm chú dõi theo vị lãnh tụ của dân tộc với vóc người cao gầy và vẫn còn xanh sao khi vừa trải qua trận ốm nặng từ căn cứ cách mạng Khu giải phóng trở về nhưng ánh lên đôi mắt sáng ngời và giọng nói trầm ấm, rõ ràng.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Ảnh: Tư liệu |
Luồng gió cách mạng thổi đến như vũ bão đã vực dậy cả dân tộc, mang lại hơi thở và sức sống mới cho biết bao người dân mà mới đây đang còn là phận đời nô lệ, cả đất nước đã hồi sinh từ mùa thu năm ấy.
Những lời thề của hàng triệu người dân cùng với Đảng, Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyết liệt giữ vững độc lập dân tộc âm vang cả Quảng Trường Ba Đình rộng lớn. Ý chí làm chủ, tinh thần làm chủ đất nước sôi sục, đầy hào hứng trong lòng mỗi người dân đất Việt.
Hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có trích đoạn: “Một buổi sáng, Bác và Anh Nhân gọi anh em chúng tôi tới. Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, Bác mang đọc để thông qua tập thể. Như Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người”.
Tác phẩm “Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh có viết: “Sau khi đọc bản dự thảo Tuyên ngôn cho nhiều người nghe và hỏi ý kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh không giấu nổi sự xúc động nói rằng trong đời, Người đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy” và bài báo của Bác Hồ với bút danh C.B “Lễ mừng Quốc khánh 2/9/1955” (mít tinh kỷ niệm 10 năm lập nước) “trông thấy Bác vui vẻ hồng hào, các lãnh tụ mạnh khỏe đồng bào hoan hô càng to” cho thấy tình cảm, niềm vui giấu kín của Người về sự kiện lập quốc đầy thiêng liêng này.
Năm 1945, đất nước ta đứng trước tình thế hết sức ngặt nghèo với thù trong, giặc ngoài (quân Nhật, Pháp, quân Tưởng và quân Anh) mưu toan phá hoại thành quả cách mạng của ta.
Nạn đói năm 1943-1944, do chính sách khai thác của thực dân Pháp và phát xít Nhật khiến 2 triệu người dân chết đói. Nạn dốt hiện hữu trong phần đông dân chúng, tình hình trật tự trị an đầy bất ổn, lũ lụt vỡ đê sông Hồng xảy ra ở các tỉnh miền Bắc khiến cho vựa lúa của 6 tỉnh đồng bằng chìm trong biển nước…
Đối diện với một thực tế đầy khó khăn như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương bằng tất cả bản lĩnh, tài năng đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những con sóng gập ghềnh, trắc trở.
Trước bối cảnh khoảng trống quyền lực ở bán đảo Đông Dương đang bị bỏ ngỏ và nước Việt Nam đang trong tình trạng hỗn mang (các nước lớn đang dàn xếp trật tự sau chiến tranh thế giới lần 2, tình hình an ninh- trật tự trong nước vô cùng nhiễu nhương), nhất thiết phải có một lực lượng thay thế, khỏa lấp không gian chính trị đó.
Những người cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối đấu tranh đúng đắn, tính chính danh và tinh thần đoàn kết (Mặt trận Việt Minh) đã được lịch sử chọn lựa.
Chân lý hiển nhiên ấy đúng cho đến tận ngày nay như cách nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua khó mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang”.
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, với sự chèo lái tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương, sau này đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam (có giai đoạn Đảng giải tán rút vào hoạt động bí mật), nhân dân ta đã làm nên những chiến thắng thần thánh, đánh bại đế quốc Pháp và Mỹ, thực hiện trọn vẹn lời thề độc lập cho Tổ quốc như những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nêu trong Bản Tuyên ngôn Độc lập, làm tròn trách nhiệm chính trị và yêu cầu lịch sử của thế kỷ XX.
Nhiệm vụ vô cùng vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề
Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, trước những khó khăn thách thức mới nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống, cùng với tiến trình phát triển chính trị, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã vượt qua 10 năm trăn trở tìm đường đổi mới.
Thành công của sự nghiệp Đổi Mới được Đảng ta khởi xướng vào Đại hội VI năm 1986 cho thấy tính đúng đắn và sáng suốt của Đảng cũng như tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật.
Tiếp bước những thành quả cách mạng hết sức đáng tự hào đó, nhiệm vụ của các thế hệ tương lai vô cùng vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề. |
Sự chung tay của bộ máy Nhà nước, của Quốc hội, Chính phủ trong việc phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình tập kinh tế kế hoạch, tập trung, quan liêu bao cấp lập tức chuyển mình, thay đổi sang quản lý, điều hành mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phá bỏ thế bao vây cấm vận của quốc tế và đưa đất nước vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Ngày nay, trên nền tảng của tư tưởng Nhà nước pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong “Việt Nam yêu cầu ca”(1922)“Bảy xin Hiến pháp ban hành/ trăm điều phải có thần linh pháp quyền” cũng như tinh thần, nội dung của Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trong đó, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước; bước đầu sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế.
Ngày càng đề cao vai trò của pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rành mạch hơn và có chuyển biến tích cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định “Với tất cả sự khiêm tốn của mình, có thể tự hào rằng chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.
Tiếp bước những thành quả cách mạng hết sức đáng tự hào đó, nhiệm vụ của các thế hệ tương lai vô cùng vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề. Đó là phải làm sao cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện thành công được khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta đề ra mục tiêu cụ thể với 3 mốc quan trọng.
Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn miền Nam, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Chúng ta hy vọng rằng trong dịp kỷ niệm thành lập nước 100 năm vào ngày 2/9/2045, thế hệ người Việt của thế kỷ XXI có thể hãnh diện, tự tin báo công lên Người những thành tựu rực rỡ của đất nước Việt Nam đầy yêu dấu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin