44 lượt ý kiến tham gia thảo luận tại tổ

16:25, 06/12/2023

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 17, sáng 6/12, HĐND tỉnh đã tổ chức buổi thảo luận tổ. Với không khí sôi nổi, tập trung, dân chủ, thẳng thắn, đã có 48 lượt ý kiến của các đại biểu tham gia thảo luận ở 4 tổ.

Các đồng chí chủ trì kỳ họp.
Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì kỳ họp.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả đạt được, một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp đã nêu trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiệm vụ năm 2024.

Toàn cảnh buổi thảo luận tại hội trường chiều 6/12.
Toàn cảnh buổi thảo luận tại hội trường chiều 6/12.

Mặc dù có nhiều khó khăn và khó khăn nhiều hơn năm trước nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng; hoàn thành đạt và vượt 25/28 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra.

Ông Nguyễn Hữu An - Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai đại diện báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ 1.
Ông Nguyễn Hữu An - Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai đại diện báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ 1.

Đại biểu đồng tình, nhất trí với đánh giá về một số tồn tại, hạn chế trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023; Đồng thời đề nghị bổ sung làm rõ thêm những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trên các lĩnh vực như: Thu ngân sách nhà nước mặc dù vượt 12,07% so với dự toán HĐND tỉnh giao nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (chỉ bằng 79,02% so với thực hiện năm 2022), trong đó thu tiền sử dụng đất chỉ bằng 63% so với cùng kỳ; Tình trạng thiếu đội ngũ nhân lực có trình độ cao nhất là thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở; tình trạng thiếu giáo viên tại nhiều cấp học chưa được khắc phục; tình trạng bỏ việc, chuyển ra khỏi khu vực công tiếp tục tăng; Hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ, công chức nhưng không được tuyển dụng, sắp xếp, bố trí kịp thời vì phải chờ phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã;

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự kỳ họp.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự kỳ họp.

Cải cách hành chính dù được quan tâm nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có nhiều chỉ số thành phần thấp (trực tiếp tác động đến người dân, doanh nghiệp); một số thủ tục hành chính còn rườm rà, gây phiền hà, nhất là lĩnh vực đất đai;

Chuyển đổi số chậm, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ: Chỉ số chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đứng thứ 52/63 tỉnh, thành; việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025, tính đến 2030 và Kế hoạch số 586/KH-UBND ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh về Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, còn 3/11 mục tiêu chính quyền số, 4/6 mục tiêu kinh tế số, 2/3 mục tiêu xã hội số chưa hoàn thành. Và nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là con người, nguồn nhân lực.

Các đại biểu dự kỳ họp
Các đại biểu dự kỳ họp

Nhiều đại biểu ở Tổ thảo luận số 1 cho rằng các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể nhiều, số doanh nghiệp được thành lập giảm so với cùng kỳ, vì vậy đề nghị tỉnh quan tâm, có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hoạt động khởi sắc, mạnh mẽ hơn, góp phần vào sự phát triển của tỉnh.

Đại biểu cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm xây dựng tour, tuyến du lịch và tổ chức các hoạt động, hình thức du lịch đa dạng, đặc trưng; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực du lịch…

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn đại diện báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ 2
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn đại diện báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ 2

Tại tổ thảo luận số 2, các đại biểu tập trung thảo luận chuyên sâu về các nhóm nội dung: Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Theo đó, đại biểu đề nghị đầu tư ngân sách thích đáng hơn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể hóa các cơ chế chính sách về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đặc biệt là công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch sản xuất nông nghiệp.

Các đại biểu dự kỳ họp.
Các đại biểu dự kỳ họp.

Đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu mùa vụ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nhằm tăng sản lượng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần hạn chế tình trạng người nông dân không mặn mà với sản xuất lúa, ruộng bỏ hoang nhiều; Rà soát lại các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh để đảm bảo nguồn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán; Quan tâm và chú trọng hơn trong việc phát triển mô hình trang trại gắn với mô hình du lịch nông thôn; kết nối đầu ra các sản phẩm nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh với thị trường cả nước.

Trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu cần quan tâm đến vấn đề văn hóa nông thôn. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, bố trí nguồn lực thỏa đáng trong việc xây dựng thiết chế văn hóa, nhất là đối với các đơn vị sau sáp nhập; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa tại các vùng nông thôn mới nhằm đáp ứng hài hòa nguồn lực giữa xây dựng nông thôn mới và xây dựng văn hóa nông thôn.

Hiện nay, một số chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu không còn phù hợp, các đại biểu ề nghị UBND tỉnh rà soát lại để điều chỉnh các chính sách hỗ trợ phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương đại diện báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ 3.
Ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương đại diện báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ 3.

Tại tổ thảo luận số 3, các đại biểu tập trung thảo luận về nội dung: Công tác quản lý nhà nước đối với đất đai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Việc khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ nhất là ở tuyến xã, thừa thiếu cục bộ giáo viên và thực hiện chế độ đối với giáo viên.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị Báo cáo cần đánh giá rõ hơn nguyên nhân chủ quan trong việc một số chỉ tiêu chưa đạt, nhất là về trách nhiệm quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như đất đai, môi trường. Cụ thể là về tham mưu cấp quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, vấn đề quản lý đất nông lâm trường, đất ở các Tổng đội Thanh niên xung phong...; Đồng thời, đề nghị xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần chỉ đạo quyết liệt hơn trong năm 2024.

Qua báo cáo cho thấy, tỷ lệ giảm nghèo ở khu vực miền núi còn thấp. Đại biểu đề nghị trong nhiệm vụ 2024, cần quan tâm thúc đẩy các giải pháp như tổ chức sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm trong nông nghiệp và nên có sự so sánh về số liệu giữa các vùng miền để thấy được tương quan giữa các vùng, từ đó, có sự cân đối nguồn lực phù hợp.

Về lĩnh vực nội chính, trong phần kết quả có nêu những kết quả rất tích cực của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, tuy nhiên, ở phần hạn chế, báo cáo đánh giá còn hơi nặng nề so với thực tế và mâu thuẫn với phần kết quả đạt được.

Các đại biểu dự kỳ họp.
Các đại biểu dự kỳ họp.

Đại biểu đề nghị bổ sung thêm nguyên nhân của hạn chế về công tác chuyển đổi số để có các giải pháp khắc phục trong năm 2024. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với người dân còn gặp nhiều khó khăn, gây áp lực lên đội ngũ công chức trong quá trình thực hiện, vì vậy đề nghị giao chỉ tiêu thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính phù hợp hơn cho các địa phương;

Cần làm rõ nguyên nhân của hạn chế trong báo cáo, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan để có giải pháp chỉ đạo và giám sát hiệu quả.

Ông Vương Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh đại diện báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ 4.
Ông Vương Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh đại diện báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ 4.

Ở tổ số 4, các đại biểu tập trung thảo luận việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhất là giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung mục 1 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 24/6/2022 của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số Nghị quyết của HĐND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, đại biểu ở các tổ thảo luận cũng góp ý về hoạt động của HĐND tỉnh, công tác điều hành của UBND tỉnh, các dự thảo nghị quyết,...

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện