Tham dự phiên thảo luận Tổ 2 có các đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Đức Cường - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ.
Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 2. |
Nội dung được các đại biểu tổ 2 tập trung thảo luận đó là: việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chính sách phát triển công nghiệp.
Đại biểu Dương Đình Chỉnh - Bí thư Huyện uỷ Nghi Lộc nêu ý kiến. |
Theo đại biểu Dương Đình Chỉnh - Bí thư Huyện uỷ Nghi Lộc cần phải quan tâm để giải quyết tình trạng ruộng đất bỏ hoang; xem xét lại chính sách trong hỗ trợ đối với lĩnh vực nông nghiệp. Trên cơ sở đó, đại biểu Chỉnh đề nghị xem xét, điều chỉnh các chính sách phát triển nông nghiệp vì nhiều chính sách còn manh mún, hiệu quả chưa cao; đề nghị UBND tỉnh xem xét phân cấp cho cấp huyện trong việc giao, cho thuê đất nông nghiệp; điều chỉnh quy hoạch sản xuất 2 bên vùng sông Cấm; quan tâm đầu tư hệ thống thuỷ lợi xung quanh các khu công nghiệp...
Về vấn đề xây dựng nông thôn mới nâng cao, đại biểu Dương Đình Chỉnh cho rằng, các chính sách hỗ trợ còn nhiều tiêu chí bất cập và cần điều chỉnh cách thức, tiêu chí hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.
Đại biểu Lê Đức Cường - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ nêu ý kiến. |
Đại biểu Lê Đức Cường - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ cho rằng, ngành nông nghiệp trong thời gian qua tăng trưởng ổn định và cao. Tuy nhiên, cơ cấu mùa vụ cây trồng "đang có vấn đề" vì tại nhiều địa phương người dân cơ bản không sản xuất vụ Hè thu và vụ Mùa. Vì thế, có thể tính toán chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, có thể kéo dài vụ Đông Xuân để phòng tránh thiên tai.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Chu Đức Thái - Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng việc sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị tạo điều kiện về mặt pháp lý, quỹ đất để các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh Làm rõ những vấn đề đại biểu nêu. |
Làm rõ những vấn đề đại biểu nêu, người đứng đầu Sở NN&PTNT cho biết, trong 3 năm qua, tỉnh đã bố trí gần 1.000 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó gần 500 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sản xuất, phải có các giải pháp căn cơ, bền vững, kể cả nông nghiệp CNC. Theo đó, Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh đề nghị các địa phương bám sát Đề án sản xuất đầu thời vụ để thực hiện hiệu quả; tăng cường kiểm tra, thu hồi đất bỏ hoang quá 6 tháng... Quy hoạch diện tích đất sản xuất nông nghiệp lại để đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường liên kết theo hộ gia đình, liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng cơ giới hoá, công nghệ vào sản xuất, qua đó giải quyết tình trạng sản xuất manh mún.
Một số nội dung khác cũng được các đại biểu quan tâm, đó là vấn đề kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi; bất cập trong đào tạo nghề và nhu cầu thị trường lao động; tình trạng ô nhiễm làm ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người lao động; tháo gỡ những khó khăn cho lĩnh vực kinh doanh. Những vấn đề đặt ra đối với sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã.
Thảo luận tại tổ 2, đại biểu cho rằng: ngành giáo dục và chính quyền cấp huyện cần phải tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện chủ trương liên quan đến xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều địa phương, trường học đang thực hiện chủ trương này một cách tràn lan, méo mó cách nhìn của xã hội đối với ngành giáo dục.
Theo đại biểu Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, qua khảo sát công tác xã hội hoá trong lĩnh vực Giáo dục còn thấy nhiều bất cập, việc phê duyệt kế hoạch xã hội hoá "còn tràn lan" tại nhiều địa phương, tạo gánh nặng cho phụ huynh. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh cần kiểm tra, đánh giá, chấn chỉnh tình trạng này và cần rà soát các quyết định chủ trương đầu tư để điều chỉnh đưa ra mức đối ứng phù hợp, tăng cường quản lý tài sản xã hội hoá.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại phiên thảo luận tổ. |
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã trao đổi những kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và cho rằng, năm 2023 là năm hết sức khó khăn, nhiều hơn các năm trước. Trong điều kiện như thế nhưng kết quả phát triển của tỉnh hết sức tích cực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,14%, đứng thứ 26/63 tỉnh, thành cả nước, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. Trong đó, khu vực nông nghiệp và dịch vụ cơ bản đạt theo kịch bản tăng trưởng. Riêng khu vực công nghiệp - xây dựng không đạt kịch bản, mục tiêu đề ra, do ảnh hưởng suy giảm trong sản xuất công nghiệp và xây dựng.
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao đổi các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.
Quy mô GRDP của tỉnh đứng thứ 10 của cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao nhưng vẫn đang đứng tốp cuối cả nước. Nguyên nhân là do dân số đông, địa bàn rộng, đời sống người dân miền núi còn nhiều khó khăn và cần phải nỗ lực nhiều.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh những kết quả nổi bật của năm 2023, trong đó có thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng khi lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD, xấp xỉ đạt ngưỡng 1,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Đây là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Công tác an sinh xã hội được tỉnh quan tâm, tập trung chỉ đạo, đặc biệt là Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở với 5.332 căn trong năm 2023. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến ở các cấp, các ngành.
Tuy nhiên, năm 2023 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Thu ngân sách mặc dù đạt và vượt dự toán HĐND tỉnh giao nhưng thấp hơn năm 2022, ảnh hưởng đến mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Giải ngân đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt mục tiêu đề ra; 2 dự án hạ tầng giao thông chiến lược chưa hoàn thành...
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng cho rằng, nếu không nỗ lực, không phấn đấu thì khó hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị đề ra.
Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh tập trung thực hiện tốt, có hiệu quả Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, đặc biệt là đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh; Thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung tháo gỡ, vướng mắc khó khăn trong thực hiện các dự án, đặc biệt khó khăn về giải phóng mặt bằng.
Tập trung thực hiện các Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam, Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị TP. Vinh, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thông tin trong điều kiện ngân sách khó khăn nhưng tỉnh đã quan tâm đến các chính sách phát triển nông nghiệp. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành Nông nghiệp rà soát các chính sách theo hướng trọng tâm, trọng điểm và chọn lựa những lĩnh vực có hiệu quả. Việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp là vấn đề khó khăn, cần cả một quá trình, tổng hợp đầy đủ các yếu tố, huy động được sự tham gia của thành phần. UBND tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến và có giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Liên quan đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, hiện toàn tỉnh có 319 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 88 xã nông thôn mới nâng cao, 12 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ngành Nông nghiệp quan tâm tham mưu UBND tỉnh, Tỉnh uỷ điều chỉnh cách hỗ trợ phù hợp hơn. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ quan tâm giải quyết các vấn đề điều chỉnh quy hoạch các vùng sản xuất; đầu tư hệ thống thuỷ lợi; đầu tư thiết chế văn hoá tại các xã nông thôn mới; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; gắn sản xuất với tiêu thụ trong lĩnh vực nông nghiệp; chỉ đạo tăng cường đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục.
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung ghi nhận, tiếp thu đầy đủ những nội dung các đại biểu HĐND tỉnh trao đổi và tiếp tục chỉ đạo các ngành đề ra các giải pháp giải quyết các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh nêu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin