Thời sự - Chính trị

Cán bộ chưa biết sợ hay lòng tham không đáy?

17:13, 10/01/2024

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp.

Ngày 10/1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai dự và phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh nhiều kết quả nổi bật.

Năm 2023, ngành Nội chính Đảng và các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ; góp phần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố thêm niềm tin của nhân dân.

Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đi vào nề nếp, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Năm 2023, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã nỗ lực, đôn đốc để các cơ quan chức năng ở địa phương khởi tố mới 763 vụ án về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm 2022).

Một số vụ án lớn kéo dài nhiều năm đã được chỉ đạo khẩn trương xem xét, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, cán bộ, đảng viên. 

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị.
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị.

Với chức năng nhiệm vụ được giao, Ban Nội chính Trung ương đã luôn chủ động trong công tác tham mưu các chủ trương, chính sách lớn mang tính chiến lược.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Nội chính Trung ương đề xuất 18 đề án lớn với Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương.

Các đề xuất không chỉ dừng lại ở công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà còn tham mưu cơ chế kiểm soát quyền lực; cơ chế chỉ đạo, phối hợp, phát hiện, xử lý tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng; cơ chế phân hóa xử lý hình sự một số vụ án lớn, vụ việc lớn được dư luận xã hội quan tâm.

Từ đó, góp phần tăng cường sự đồng bộ, thống nhất, phối hợp xử lý kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, vừa nghiêm minh, vừa nhân văn.

Tại sao vẫn còn cán bộ vi phạm?

Về tổ chức bộ máy, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đánh giá, cán bộ ngành nội chính đã tiếp tục được kiện toàn, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu.

Bên cạnh những kết quả nổi bật, bà Mai lưu ý cần tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc đã chỉ ra. Thực tiễn cho thấy, kết quả đạt được chưa thực sự đồng bộ; một số nơi chất lượng, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu.

“Nơi này, nơi kia việc thực hiện nhiệm vụ nội chính, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế, chưa thật quyết liệt, quyết tâm cao. Có nơi còn e ngại, sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến thành tích…”, theo nhận xét của Thường trực Ban Bí thư.

Nhắc lại phát biểu tại hội nghị ngành Kiểm tra Đảng, bà Trương Thị Mai nói, trong 83 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý, có 59 cán bộ vi phạm do các nhiệm kỳ trước đây, 24 cán bộ vi phạm trong nhiệm kỳ này. Các nhiệm kỳ gần đây đã đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng. Chỉ số minh bạch của Việt Nam thăng hạng rất đáng kể.

“Tại sao vẫn còn cán bộ vi phạm?”, bà Mai đặt vấn đề, “cán bộ chưa biết sợ hay lòng tham không đáy, nên vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, có những vụ việc liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, liên quan cả Trung ương, cả cán bộ địa phương…”.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trước đây khiếu kiện phức tạp chủ yếu liên quan đến đất đai, nhưng giờ không chỉ liên quan đến đất đai, mà còn liên quan đến đấu thầu, sử dụng tài sản công, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…

Trước thực trạng đó, bà Trương Thị Mai đề nghị ngành Nội chính Đảng, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục nghiên cứu đánh giá, phân tích đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan việc vi phạm của cán bộ trong nhiệm kỳ này, để có biện pháp khắc phục tốt hơn.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật trong các lĩnh vực có vi phạm phổ biến thời gian qua, làm sao tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng; làm sao để cán bộ dám làm vì lợi ích chung mà không phải “e sợ”.

Bà Trương Thị Mai lưu ý đến việc tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, gương mẫu, nói phải đi đôi với làm, cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ quản lý; cán bộ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

Theo đánh giá của Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh tuy mới được thành lập nhưng đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện quy chế, quy trình làm việc, hoạt động ngày càng nề nếp, bài bản, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.

Năm 2023, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 212 cuộc kiểm tra, giám sát; chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kiểm tra các chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan chức năng ở Trung ương; đã đưa 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo; các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm 2022).

 

Theo Vietnamnet

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện