Thời sự - Chính trị

Bộ trưởng Tài chính: Cấm ngân hàng bán bảo hiểm kèm khoản vay

15:36, 18/03/2024
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện luật đã cấm nhà băng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày khi giải ngân khoản vay.

Thị trường bảo hiểm, nhất là kênh bán qua ngân hàng (bancassurance), vừa qua tăng trưởng nhanh, song xuất hiện nhiều mặt trái. Chẳng hạn, ngân hàng ép khách vay mua kèm bảo hiểm hoặc đánh tráo khái niệm giữa sản phẩm này với gửi tiết kiệm.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 18/3, bà Nguyễn Thị Hà (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) quan ngại về sai phạm tại các công ty bảo hiểm khi bán sản phẩm liên kết ngân hàng. Theo bà, việc này gây thiệt hại lớn cho khách mua. "Bộ Tài chính có giải pháp gì ngăn chặn tình trạng sai phạm này?", bà hỏi.

Cùng mối quan tâm, ông Nguyễn Anh Trí cũng chất vấn các quy định sửa đổi gần đây "có điểm nào giải quyết vướng mắc trong kinh doanh bảo hiểm liên kết đầu tư hay không?".

Trả lời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận thực tế phát sinh tình trạng tư vấn sai, chèo kéo khách mua bảo hiểm qua ngân hàng. Nhưng ông nói hành vi này "có thể từ phía nhân viên, chứ không phải chỉ đạo của lãnh đạo ngân hàng".

Theo ông, nhiều quy định ngăn tình trạng ép mua bảo hiểm qua ngân hàng, hoặc tư vấn không đúng sản phẩm này được Bộ Tài chính đưa ra để tăng minh bạch, bảo vệ người mua bảo hiểm. Chẳng hạn, các ngân hàng khi làm đại lý bảo hiểm phải giải thích rõ cho người mua về sản phẩm bảo hiểm không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng.

Ngân hàng không được tư vấn, chào bán sản phẩm liên kết đầu tư trong trước và sau 60 ngày giải ngân khoản vay. Việc này nhằm tránh tình trạng các nhân viên ngân hàng lợi dùng quyền xét, duyệt khoản vay để gây sức ép buộc người vay mua bảo hiểm.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn, sáng 18/3. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn, sáng 18/3. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Bên cạnh đó, đại lý bảo hiểm phải ghi âm lại quá trình tư vấn và có xác định của khách hàng về mua bảo hiểm là tự nguyện, phù hợp nhu cầu tài chính.

Ngoài xử phạt hành chính, các công ty bảo hiểm, ngân hàng lợi dụng bán sản phẩm liên kết sẽ bị rút giấy phép, đình chỉ giấy phép kinh doanh hoặc làm đại lý bảo hiểm. Cục Quản lý Bảo hiểm (Bộ Tài chính) phối hợp cùng cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, xử lý tình trạng các công ty bảo hiểm, ngân hàng lợi dụng bán sản phẩm liên kết đầu tư.

"Việc bán sản phẩm qua ngân hàng do nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng tới người tham gia bảo hiểm. Chúng tôi sẽ phối hợp thanh, kiểm tra cùng ngành ngân hàng để thực hiện công bằng trong hoạt động bảo hiểm", ông Phớc nói.

Bộ cùng Cơ quan thanh tra, giám sát (Ngân hàng Nhà nước) quản lý, giám sát việc nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm liên kết đầu tư khi giải ngân khoản vay.

Bảo hiểm liên kết đầu tư gồm hai phần riêng biệt phí bảo hiểm và đầu tư thêm có rủi ro. Đây là loại sản phẩm phức tạp nhưng được các nhà bảo hiểm triển khai một cách ồ ạt, nhất là qua kênh ngân hàng, khiến nhiều người hiểu sai về sản phẩm này. Hàng loạt vụ khiếu nại xảy ra vào năm ngoái do khách hàng cho rằng họ đã bị đánh tráo khái niệm giữa tiết kiệm và bảo hiểm đầu tư.

Các đại biểu Quốc hội theo dõi phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, sáng 18/3. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Cũng tại phiên chất vấn, ông Trần Đình Gia (Ủy viên Ủy ban Pháp luật) lo ngại tình trạng nhân viên bảo hiểm chèo kéo khách hàng, hợp đồng quá dài gây khó cho người mua, làm méo mó thị trường.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 quy định cấm cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo và dùng các thủ đoạn để bán sản phẩm. "Bộ đã kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm và chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm", ông nói.

Về hợp đồng bảo hiểm, ông Phớc thừa nhận trước đây có những hợp đồng dài chục trang, gây sơ sở trong nắm bắt thông tin, thiệt hại cho người mua. Khi sửa luật các quy định về hợp đồng đã được siết chặt, gọn và rõ ràng hơn. Luật cũng bổ sung quy định, trong 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia có quyền đòi lại tiền và công ty bảo hiểm phải hoàn trả lại cho họ.

Hiện, thị trường bảo hiểm có 19 doanh nghiệp, trong đó hai công ty bảo hiểm trong nước (Bảo Việt, Bảo Minh), còn lại là công ty nước ngoài, liên doanh. Hai năm qua, 10 đơn vị bảo hiểm nhân thọ có gần 97% doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance đã bị thanh tra, và hiện 5 kết luận được cơ quan quản lý hoàn thành.

Năm nay, Bộ Tài chính sẽ thanh tra tiếp 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có hai đơn vị bán sản phẩm liên kết đầu tư.

Theo VNE

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện