Đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.dự và chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. |
Sau khi ban hành Nghị quyết 21 về Chương trình hành động ngoại giao kinh tế giai đoạn 2022 – 2026, công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn. Trong hơn 60 hoạt động đối ngoại Cấp cao từ đầu năm 2023 đến nay, nội dung kinh tế trở thành trọng tâm, mang lại kết quả cụ thể, thực chất và nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế với các đối tác được xác lập. Trong đó, nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, tăng cường thu hút nguồn lực trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động... được lồng ghép trong mọi hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác. Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta cả năm 2023 đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, nhiều nhất từ trước tới nay; thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024. Ảnh: Nhật Bắc/VGP |
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn các bộ ngành TW, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả 3 phát huy: phát huy thế và lực của đất nước để đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa kết hợp với giao lưu nhân dân, phát triển du lịch; phát huy tính năng động, sáng tạo, linh hoạt, thông minh của người Việt Nam để đa dạng hóa thị trường, kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong bối cảnh hiện nay… Song song với đó là thực hiện 3 cùng: cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, trên tinh thần “lợi ích hài hỏa, rủi ro chia sẻ”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, so với hội nghị lần trước, hội nghị lần này có thêm đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: Nhật Bắc/VGP |
Phân tích những thuận lợi, khó khăn của tình hình thế giới, trong nước và những tác động đến nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: lúc thuận lợi, thời cơ nhiều phải bình tĩnh để phát triển một cách bền vững; lúc khó khăn phải hết sức kiên định các nguyên tắc để vượt qua thách thức trên tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phải tập trung vào thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm lớn. Thứ nhất là chương trình đối ngoại của các cấp, có chương trình, nội dung, kế hoạch cụ thể, đầu ra cụ thể; sau đó phải vào cuộc triển khai các công việc theo cam kết, thỏa thuận với đối tác. Thứ hai, tăng cường củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, tiêu dung, đầu tư) đồng thời bổ sung đẩy mạnh động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ). Thứ 3 là phải khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước; khai thác tối đa các FTA đã ký kết. Thứ 4 là đẩy mạnh huy động và khai thác nguồn lực của 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.
Tại điểm cầu Nghệ An. |
Đi vào nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tích cực, chủ động chuyển tải thông điệp đến đối tác quốc tế về tinh thần cầu thị, lắng nghe của Đảng, Nhà nước, của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp của nước ta với các đối tác nước ngoài. Đôn đốc triển khai thực hiện các thỏa thuận đã cam kết, ký kết trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 21 của Chính phủ và phải lượng hóa các nội dung thực hiện; đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề còn vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. Tăng cường củng cố quan hệ thương mại, đầu tư đối với các thị trường lớn, chủ chốt; đa dạng hóa thị trường; chú trọng các thị trường tiềm năng như UAE, Trung Đông, Châu Phi... Tạo đột phá trong thu hút đầu tư ở lĩnh vực mới như bán dẫn, năng lượng sạch; thúc đẩy và đón tiếp chu đáo các đoàn doanh nghiệp, tập đoàn lớn từ nước ngoài vào Việt Nam. Nâng cao tính nhạy bén, kịp thời trong nghiên cứu, tham mưu chiến lược; làm việc có trọng tâm, trọng điểm để có thể nắm bắt xu thế, đáp ứng được những gì đối tác cần.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Ngoại giao kinh tế trong năm 2024 phải có đột phá với tinh thần đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và hành động; cơ hội phải nắm bắt; vướng mắc phải tháo gỡ; giải pháp phải đột phá, triển khai phải quyết liệt để có hiệu quả và bền vững./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin