Video: Cơ chế, chính sách đặc thù cần phù hợp với thế mạnh của địa phương
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ chiều 31/5. |
Chính sách đặc thù cho Nghệ An rất đúng và kịp thời
Phát biểu thảo luận tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh "Cái thứ nhất là những cái chính sách mà tương tự như các cái địa phương đã chọn thì bây giờ đưa thêm 1 địa phương nữa thí điểm cũng là 1 cách để chúng ta tổng kết, đánh giá nó có cơ sở thực tiễn cao hơn. Cái thứ 2 nó cũng phù hợp với cái đặc thù của Nghệ An cũng trên cơ sở tính toán nhiều mặt thì Chính phủ rồi Tỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất rồi cho nên là rất mong các vị đại biểu Quốc hội ủng hộ"
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại tổ. |
Góp ý vào Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù của Nghệ An, các đại biểu đóng góp thêm một số ý kiến, đề nghị ban soạn thảo rà soát, đánh giá, làm rõ thêm một số nội dung và kiến nghị một số chính sách cụ thể, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất sau khi Nghị quyết được ban hành. Đồng chí Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An cho rằng: "Khi phân bổ nguồn vốn đầu tư công, là vốn đầu tư công bổ sung sẽ tăng thêm 50%, chúng tôi cũng đề nghị là khoảng 80% thôi, bởi vì còn có giai đoạn 4 năm từ 2026 -2030, tức là giai đoạn sau giai đoạn này đã phân bổ hết rồi.Vì vậy, không được thụ hưởng ngay từ giờ, ngay khi Nghị quyết có hiệu lực, mà Nghị quyết có hiệu lực là cái giai đoạn đầu tư công của giai đoạn sau, nhưng mà cũng rất khó khăn chỉ được khoảng 50%. Và 50% tính ra 1 năm như vậy tính sơ bộ theo 2 Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư tính thì được khoảng 700 tỷ đồng. Với địa bàn rất rộng lớn như tỉnh Nghệ An thì chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, do còn phải cân đối chung của cả nước. Nghệ An chúng tôi chia sẻ điều này nhưng quan điểm của Nghị quyết 39 rất mạnh, xây dựng Nghệ An và trong đó cả thành phố Vinh trở thành Trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ và 1 số lĩnh vực của cả nước. Chính giải pháp trong Nghị quyết 39 Bộ Chính trị tập trung đầu tư nguồn lực và có chính sách vượt trội để cụ thể hóa Nghị quyết này".
Đồng chí Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận tại tổ. |
Đại biểu Thái Thị An Chung – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An có ý kiến: "Tại cái Khoản 3 của Điều 3 có quy định là cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thì không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa, và từ hoạt động khai thác khoáng sản, không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn của Miền Tây. Khi mà chúng tôi trao đổi với các cơ quan soạn thảo, Bộ kế hoạch đầu tư và Sở Kế hoạch Đầu tư thì mọi người cũng nói rằng là cái bản chất ở đây đó là cái không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp là chỉ đối với hoạt động khai thác khoáng sản thôi. Còn cái cơ sở sản xuất thủy điện thì nó là vẫn có cho nên tôi đề nghị là phải có cách diễn đạt lại thì trong quá trình thực hiện mới dễ".
Đại biểu Thái Thị An Chung – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận tại tổ. |
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn) cho rằng, Quốc hội cũng như các cơ quan Trung ương đã thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của các địa phương. Quốc hội đã ban hành những chính sách để các địa phương bứt phá lên, nhưng đối với những địa phương khó khăn cũng cần cơ chế, chính sách đặc thù hơn.
"Chính sách lần này cho Nghệ An, tôi cho rằng rất đúng và rất kịp thời. Mặc dù trong nhiều năm qua Trung ương rất quan tâm, có những nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An, nhưng còn thiếu cơ chế, chính sách, nên dẫn đến chủ trương có, quyết tâm chính trị có, nhưng cơ sở pháp lý để địa phương thực hiện thì rất khó, Nghệ An chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình", ông nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Duy Chinh thảo luận tại tổ. |
Theo đại biểu, Nghệ An về thời tiết, khí hậu khắc nghiệt hơn ở các địa phương khác. "Mùa này thì lo bão lũ, mùa khô thì lo cháy rừng, cách đây mấy năm sau Tết còn lo thiếu đói giáp hạt, nhất là khu vực miền Tây của tỉnh Nghệ An", đại biểu dẫn chứng và cho rằng, về tiềm năng, nguồn lực, nhân lực ở Nghệ An không phải thiếu, nhưng cơ chế, chính sách không khuyến khích địa phương phát huy được; cho nên ban hành nghị quyết này rất phù hợp.
Qua đọc đi đọc lại nội dung được thiết kế trong nghị quyết, ĐBQH Hoàng Duy Chinh đánh giá nghị quyết cởi mở hơn, giao quyền nhiều hơn cho địa phương. Đây là chủ trương đúng, bấy lâu nay một trong những điểm nghẽn mà kỳ họp nào Quốc hội cũng đề nghị là vấn đề phân cấp, phân quyền cho địa phương. Nghị quyết lần này đã gắn trách nhiệm, giao cho các địa phương được quyền dùng ngân sách của mình hỗ trợ cho miền Tây Nghệ An.
Đại biểu Quốc hội Trần Đức Thuận thảo luận tại tổ. |
"Các tỉnh khó khăn thực hiện các chương trình an sinh xã hội, khi vận động các tỉnh, các tỉnh bảo "chúng tôi sẵn sàng, nhưng luật không cho phép". Lần này nghị quyết có một câu tôi cho rằng rất hay, các địa phương có điều kiện sẵn sàng hỗ trợ, chi một cách rất hợp pháp, công khai, minh bạch. Rất linh hoạt, hay hơn trước đây là thông qua cơ chế hợp tác doanh nghiệp", đại biểu phân tích và cũng thông qua đây đề nghị Chính phủ sớm tổng kết các cơ chế, chính sách đặc thù để nhân rộng, phân cấp, phân quyền cho các địa phương.
Đồng quan điểm, ĐBQH Trần Đức Thuận (Nghệ An) thấy việc Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung chính sách đặc thù cho Nghệ An là cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Nghệ An. Theo ông, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39 để phát triển Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và xứ Nghệ... "Sinh thời, Bác Hồ cũng mong muốn Đảng bộ và nhân dân Nghệ An quyết tâm xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của khu vực. Điều này kế tục tâm nguyện của Bác, cũng như căn cứ tình hình thực tế khi Nghệ An là vùng đất diện tích lớn nhất cả nước, dân số đông xếp thứ 4, chỉ sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thanh Hoá; tiềm năng nhiều, nhưng vì nhiều vướng mắc, bất cập nên còn khó khăn", ông lý giải.
Các ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận tổ. |
Bày tỏ phấn khởi với chính sách liên quan đến việc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trích ngân sách hỗ trợ cho Nam Đàn và các huyện khó khăn ở miền Tây Nghệ An, đại biểu cho biết, năm 2023, phát biểu tại nghị trường Quốc hội, ông từng đưa ra giải pháp đề nghị nghiên cứu "tỉnh giàu giúp cho tỉnh nghèo, huyện giàu giúp cho huyện nghèo, xã giàu giúp cho xã nghèo" - cơ chế cho các tỉnh có điều kiện đi giúp những tỉnh khó khăn, và giúp "có cơ chế đàng hoàng" chứ không phải tính chất từ thiện.
Tuy nhiên, ở Nghệ An ngoài các huyện được nêu, tỷ lệ nghèo còn cao, nên ĐBQH Trần Đức Thuận đề nghị nghiên cứu để tạo điều kiện cho các địa phương khác của Nghệ An có thể huy động được nguồn đóng góp của các địa phương khác, vì dù ở đồng bằng nhưng không phải xã nào cũng khá giả; việc huy động ngân sách của địa phương, nhiều tỉnh cũng sẵn sàng hỗ trợ, nhất là các công trình thiết yếu...
Trong phiên thảo luận tại tổ chiều nay, các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với các nội dung được nêu trong dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An; qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy dự thảo nghị quyết đã bảo đảm đầy đủ cả về căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn cũng như tính cấp thiết cần phải ban hành. Do đó, các đại biểu đồng tình với đề nghị của Chính phủ là trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết ngay tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình một kỳ họp.
Đề xuất chính sách ưu đãi phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng
Liên quan cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) cho rằng, hiện dư địa phát triển của Đà Nẵng không còn nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển và xung lực để bứt phá. Trong khi đây là "đầu tàu" của miền Trung và Tây nguyên. Do đó, nghị quyết là quyết sách kịp thời tạo dư địa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để Đà Nẵng phát triển hơn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh thảo luận tại tổ. |
Về thành lập khu thương mại tự do, ông đánh giá đây là mô hình mới ở Việt Nam, nhưng ở các nước đã thành lập từ lâu, mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, thúc đẩy hệ sinh thái cảng biển, logistics, hoạt động chế xuất... "Với quy mô, tiềm năng phát triển và tầm nhìn của Nghị quyết số 43 thì mô hình này hoàn toàn phù hợp với TP Đà Nẵng. Tích hợp 3 khu sản xuất, hậu cần cảng biển logistics và thương mại dịch vụ, qua đó tạo đà phát triển thuận lợi hơn. Do đó, cần thiết có chính sách ưu đãi phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng", đại biểu nhận định.
ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) đề xuất thí điểm thành lập "Khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng" thay vì chỉ là "Khu thương mại tự do", bởi việc kết hợp giữa thương mại và tài chính trong cùng một khu vực tự do sẽ tạo ra môi trường giao dịch linh hoạt và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này giúp giảm thiểu chi phí giao dịch và thời gian xử lý, từ đó thúc đẩy luồng vốn đầu tư chảy vào Đà Nẵng. Đồng thời, khu vực tài chính tự do có thể cung cấp các dịch vụ tài chính tiên tiến, như: dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, từ đó thu hút các tập đoàn tài chính lớn và các nhà đầu tư quốc tế đến với Đà Nẵng.
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại tổ. |
Ngoài ra, việc thí điểm khu tài chính tự do sẽ tạo ra môi trường thử nghiệm cho các chính sách tài chính mới, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, sẽ tạo điều kiện để hình thành các chính sách ưu đãi về thuế và các quy định tài chính, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững hơn.
"Thực tế trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam chọn thành lập doanh nghiệp tại Singapore thay vì Việt Nam do Singapore có các chính sách ưu đãi tài chính và thuế vượt trội. Ngoài ra, các quỹ đầu tư mạo hiểm gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam do các quy định phức tạp và hạn chế", ông dẫn chứng và cho rằng, khu thương mại, tài chính tự do sẽ giúp Đà Nẵng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các trung tâm kinh tế lớn khác trong khu vực như Singapore và Hồng Kông, những nơi có các khu vực tài chính phát triển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại tổ. |
Phát biểu thảo luận tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, trước sự phát triển của nền kinh tế nước ta có độ mở rộng, "cái áo cơ chế" đang bị "chật" so với "cơ thể cường tráng" của đất nước đang ở tuổi mười tám - đôi mươi, nên cần có "cái áo" khác để tập trung phát huy nguồn lực, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Quốc hội, các địa phương bắt đầu bàn nhiều đến vấn đề thí điểm, đặc thù, vượt trội; đầu tiên là các địa phương có thế mạnh, đóng góp nguồn thu cho đất nước, các "ông lớn", "đầu tàu" trung tâm kinh tế - xã hội của đất nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh...
"Nhiều lần, khi Chính phủ trình sang thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều đặt ra câu hỏi: "Đã đặc thù hay chưa?", tức là khác gì so với địa phương khác, phát huy thế mạnh của địa phương ấy, mới là đặc thù. "Thứ hai là vượt trội hay chưa?". Đặc thù phải bảo đảm 3 yếu tố: chưa có quy định trong luật; phát triển cao hơn các nghị định, thông tư của Chính phủ; đang khác với luật hiện này. Vượt trội là phải như thế, phải phân biệt được đặc thù - cái riêng trong cái chung, ông này có thế mạnh gì để thiết kế chính sách cho họ, vượt trội phải bảo đảm như thế nào?", Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Theo đó, thiết kế nghị quyết làm sao có tính khả thi mà không phá vỡ hệ thống pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đặc biệt liên quan nhiều đến cơ chế phân cấp, phân quyền và thủ tục hành chính. "Cho anh chính sách mới để phát triển kèm theo phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính thì mới khả thi, đi vào cuộc sống được", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin