Sáng 26/6, tại thành phố Đại Liên (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên thảo luận với GS. Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF.
Tại phiên thảo luận, các ý kiến đánh giá cao tốc độ tăng trưởng, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện của Việt Nam, đặc biệt là kinh tế số năm 2023 đã chiếm khoảng 16% GDP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận. |
Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy phương châm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", tinh thần "3 cùng" giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân, gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.
Theo GS. Klaus Schwab, WEF rất vui mừng có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam – “ngôi sao sáng” đang phát triển nhanh của kinh tế thế giới.
Chủ tịch, Giám đốc điều hành Foxconn, ông Brand Cheng báo cáo Thủ tướng về việc đặt thêm nhà máy tại Việt Nam và nhà máy này đã sản xuất vào tháng 4 vừa qua. Đây là ví dụ cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong phát triển kinh tế.
Đến nay, các nhà máy của Foxconn đã hiện diện tại 5 tỉnh với 80.000 nhân viên và tổng đầu tư khoảng 4 tỷ USD. "Việt Nam đang phát triển nhanh và chúng tôi phát triển cùng Việt Nam", ông Brand Cheng khẳng định.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính điểm lại một số nét lớn của tình hình thế giới hiện nay, khi hậu quả đại dịch COVID-19 còn kéo dài; các yếu tố xung đột, cạnh tranh chiến lược, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới kinh tế thế giới và các quốc gia.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam lựa chọn ưu tiên cho tăng trưởng, đồng thời có biện pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chia sẻ định hướng trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng với các nhóm giải pháp lớn. Cụ thể là thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là giảm lãi suất cho vay, đồng thời Việt Nam tiếp tục miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và đẩy mạnh đầu tư công.
Cùng với đó, Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Trong đó, xác định thể chế cũng là nguồn lực, động lực cho sự phát triển.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh định hướng phát triển đồng bộ cả hạ tầng cứng (giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số…) và hạ tầng mềm.
“Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam tiếp tục lựa chọn ưu tiên cho tăng trưởng và có chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và tình hình, xu thế thế giới", Thủ tướng bày tỏ.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Cũng tại phiên thảo luận, Thủ tướng đã trực tiếp làm rõ thêm một số nội dung được nhà đầu tư quan tâm.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam lựa chọn ưu tiên tăng trưởng, đồng thời có biện pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. |
Liên quan tới việc cung ứng điện, Thủ tướng cho biết, năm 2023, Việt Nam có thiếu hụt điện cục bộ tại một số thời điểm, nhưng sang năm 2024, mặc dù sản lượng điện tiêu thụ tăng tới 15%, có những ngày vượt 1 tỷ kWh, cao nhất trong lịch sử, song cung ứng điện vẫn được bảo đảm.
Ông khẳng định, Việt Nam sẽ không thiếu điện, với các giải pháp đồng bộ về nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện và giá điện. Đơn cử như tải điện, các đường dây 500 kV trước đây phải làm trong 2 năm, thậm chí 4 năm, nhưng hiện nay chỉ mất khoảng 6 tháng.
Cùng với đó, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung chính sách với việc chuẩn bị ban hành các nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, Việt Nam đang rất tích cực giảm phát thải trong nông nghiệp, trong đó có chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL, đây là dự án đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin