BTV Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 6 năm 2024

16:33, 03/07/2024
Ngày 3/7, BTV Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 6 năm 2024 để nghe và cho ý kiến đối với tình hình kinh tế - xã hội, đầu tư công, công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì phiên họp. Dự họp có các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy.

Ban thường vụ Tỉnh uỷ họp phiên thường kỳ tháng 6 năm 2024

Quang cảnh phiên họp.

6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Nghệ An ước đạt 6,76%, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 cả nước, cao hơn cùng kỳ năm 2023. Thu ngân sách đạt xấp xỉ 13 ngàn tỷ đồng. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đến ngày 15/6, toàn tỉnh cấp mới 39 dự án, điều chỉnh 77 lượt dự án, với tổng số vốn gần 17 ngàn tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng vốn đầu tư cấp mới gấp 1,14 lần. Các ý kiến tại phiên họp đánh giá: Về kinh tế 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng mặc dù chưa đạt mục tiêu nhưng tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước, 6 tháng năm 2024 cao hơn cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, có 5 điểm khá tích cực: tăng trưởng công nghiệp phục hồi; kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng; thu ngân sách tích cực về tiến độ thu và cơ cấu thu; giải ngân vốn đầu tư công cao hơn bình quân năm 2023; thu hút đầu tư đạt khá. Tuy vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại một số đơn vị, 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp, trong thời gian tới cần nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cấp huyện trong giải ngân.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới. Đó là công tác GPMB của tỉnh thời gian qua chưa đạt. Cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn lao động, nhất là cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Nếu không nhìn thẳng vào vấn đề này và có giải pháp kịp thời thì tới đây sẽ là nút thắt đối với sự phát triển của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị BTV Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo để Nghị quyết bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh sớm đi vào cuộc sống.

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nêu lên những thuận lợi, khó khăn và những tác động của tình hình thế giới, khu vực, trong nước tới việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu 6 tháng đầu năm. Ghi nhận những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tập trung quyết liệt để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra trong 6 tháng cuối năm. Trước hết, rà soát lại các chỉ tiêu khó đạt như: tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách, GDP bình quân đầu người để tập trung thực hiện. Đặc biệt, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù của Quốc hội cho tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh môi trường thu hút đầu tư; tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn về tuyển dụng lao động. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công và cần xác định rõ địa phương, cơ quan nào chậm trễ… Cùng với đó, chuẩn bị tốt các điều kiện đối với các dự án trọng điểm của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu kết luận phiên họp.

Tiếp đó, phiên họp đã bàn về việc ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển thành phố Vinh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Với các chỉ tiêu, mục tiêu của thành phố Vinh đến năm 2030, các ý kiến cho rằng cần rà soát thật kỹ. Bởi các chỉ tiêu, mục tiêu này đặt ra đối với thành phố Vinh mở rộng chứ không áp dụng với thành phố hiện hữu. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng quan tâm đến công suất xử lý nước thải của thành phố liệu có đảm bảo; tỷ lệ cây xanh thành phố chỉ 13m2/người là vẫn thấp và cần kiên quyết bảo vệ quy hoạch không gian xanh. Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị thành phố Vinh tiếp thu, tính toán thêm các vấn đề về đất giao thông, tỷ lệ cây xanh/người… Người đứng đầu Tỉnh ủy nhấn mạnh khâu triển khai thực hiện rất quan trọng để thành phố phát triển. Nghe và cho ý kiến đối với "Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2045", Bí thư Tỉnh ủy lưu ý tính phù hợp với quy hoạch chung, tầm nhìn lâu dài của đồ án. Bên cạnh đó, khi lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng phải là đơn vị có kinh nghiệm, có tầm để Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực sự nâng tầm sản phẩm gỗ của tỉnh, giúp Nghệ An có nguồn thu cao từ các hoạt động liên quan.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông và Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu tham dự phiên họp.

Cũng trong sáng nay, BTV Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến đối với danh mục dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa; Chủ trương đầu tư, điều chỉnh với 1 số dự án. Nghe kết quả thực hiện việc lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát, xử lý các vướng mắc, tồn đọng, vi phạm trong thực hiện các dự án đầu tư và công tác quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước. Cho ý kiến về chủ trương xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chế độ tặng quà, nội dung chi phục vụ hoạt động gặp mặt tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; Một số chính sách hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường THPT thực hiện mô hình phổ thông dân tộc bán trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Nghe và cho ý kiến về việc ban hành Quyết định quy định tiêu chuẩn, định mức xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng; cho ý kiến chương trình, nội dung kỳ họp thường kỳ giữa năm 2024 HĐND tỉnh khóa 18, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Tiếp tục phiên họp, chiều cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương nội dung phân cấp gồm 2 nhóm: Nhóm một là những nội dung đã phân cấp và tiếp tục thực hiện phân cấp gồm 8 lĩnh vực đã có các văn bản phân cấp gồm: Du lịch; NN&PTNT, Khoa học và công nghệ; xây dựng; Giao thông vận tải; Văn hóa và thể thao; Nội vụ và Y tế. Nhóm hai gồm những nội dung phân cấp bổ sung trên 6 lĩnh vực: Công Thương (3 nội dung), Giáo dục và Đào tạo (2 nội dung); xây dựng (6 nội dung); giao thông và vận tải (2 nội dung), LĐ - TB&XH (2 nội dung), NN&PTNT (1 nội dung).

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình tham dự phiên họp.

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý yêu cầu sau khi Đề án trình HĐND tỉnh thông qua, cần tổ chức quán triệt thường xuyên để người dân biết và thực hiện các thủ tục ở cấp được phân cấp. Đồng thời, các nội dung được phân cấp cần được quy định rõ ràng vì trong các nội dung vừa được bổ sung mới có những nội dung cấp huyện phân cấp cho cấp xã sau khi được UBND tỉnh phân cấp. Mặt khác, để thực hiện các nội dung được phân cấp sẽ gắn liền với bộ máy, tổ chức, con người, kinh phí thực hiện, do đó Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải có hướng dẫn cụ thể; gắn với đó phải tăng cường công tác giám sát, hậu kiểm nhất là trong thời gian đầu, để quán xuyến, đôn đốc, nhắc nhở cấp được phân cấp; nếu vượt quá khả năng cấp dưới phải thu hồi về, không được để sai sót trong quá trình thực hiện. Nhấn mạnh tinh thần chung của Nhà nước đẩy mạnh phân cấp, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục rà soát, nếu trong quá trình thực hiện thấy vấn đề cần phải phân cấp thì tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền, mục tiêu là tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Cũng trong chương trình làm việc chiều 3/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 88 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; bàn, ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thông qua Đề án tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án này được ban hành gắn với 9 nhiệm vụ, giải pháp nhằm mục đích tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thuận trong xã hội để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt là Nghị quyết số 39 và Chương trình hành động số 68, ngày 15/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 39.

Xuân Hướng – Cảnh Toàn

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện