Thời sự - Chính trị

Nghệ An tập trung ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

19:49, 18/09/2024
Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão số 4, ngay trong chiều 18/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương ven biển từ Ninh Bình trở vào đến Bình Định. Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu Nghệ An.
Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu Nghệ An.

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa to đến rất to, vì vậy các tỉnh, thành phố tuyệt đối không được lờ là, chủ quan; Huy động tối đa các lực lượng ”4 tại chỗ” để triển khai phương án ứng phó; Nắm chắc tình hình những địa bàn có nguy cơ cao bị chia cắt, sạt lở núi, để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: internet)
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: internet)

Tại Nghệ An, từ ngày 17/9 đến sáng nay đã có mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa đo được tại các trạm Khí tượng Thủy văn phổ biến từ 50mm - 100mm, có nơi cao hơn như: Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Vinh, Cửa Hội. 

Các thành viên dự họp tại điểm cầu Nghệ An.
Các thành viên dự họp tại điểm cầu Nghệ An.

Số tàu thuyền đang neo đậu tại bến là 2.470, số phương tiện đang còn hoạt động trên biển 363. Tất cả phương tiện đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ. Các công trình hồ, đập thủy lợi, công trình thủy điện đang vận hành bình thường theo đúng quy trình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đối với vụ hè thu - mùa, các địa phương đang tập trung thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. 

Các thành viên dự họp tại điểm cầu Nghệ An.
Các thành viên dự họp tại điểm cầu Nghệ An.

Ngay sau cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ yêu cầu các Sở, ngành theo dõi sát sao diễn biến đường đi của ATNĐ để có phương án chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp kịp thời; Kiểm tra các tuyến đê sông yếu, các trạm bơm tiêu úng, đảm bảo an toàn hồ đập, các công trình thủy điện, tuân thủ nghiêm quy trình vận hành; Tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển. Đối với các huyện miền núi phải có phương án di dời dân khu vực nguy hiểm dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu..../.

Hoàng Hiếu - Duy Thanh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện