Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Ảnh: QH |
Tham gia thảo luận các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Nhà giáo là cần thiết, vừa đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo, vừa phù hợp với điều kiện thực tế về xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: QH |
Quan tâm đến thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, một số đại biểu chỉ rõ, hiện trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ngày càng trầm trọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, trong dự án luật cần có quy định bảo vệ nhà giáo để họ an tâm công tác, cống hiến hiệu quả trong giảng dạy. Điều này cũng góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường và những yếu tố khác... Theo đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, nhà giáo cần được đảm bảo môi trường an toàn trong hoạt động nghề nghiệp.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. |
"Bên cạnh những quy định của dự thảo Luật về quyền nhà giáo được thể hiện trong hoạt động nghề nghiệp, tại báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Luật phân tích các quy định hiện hành đối với nhà giáo chỉ đề cập đến việc cấm nhà giáo thực hiện mà chưa có những quy định về việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức ngoài nhà trường không được làm đối với giáo viên", đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền nói.
Tại phiên thảo luận, về chính sách tiền lương đãi ngộ đối với nhà giáo, các đại biểu đề nghị đánh giá khách quan thu nhập bình quân của nhà giáo hiện nay so với lĩnh vực khác trong xã hội... nhằm tránh tối đa việc bất bình đẳng trong thu nhập cũng như tạo kẽ hở, tạo đặc quyền đặc lợi, từ đó sinh ra tiêu cực trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục".
Một số đại biểu tán thành cao với việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp; đề nghị việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin