Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII tiến hành phiên thảo luận tại hội trường

19:19, 05/12/2024
Chiều 5/12, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiến hành phiên thảo luận tại hội trường.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu điều hành phiên thảo luận.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu điều hành phiên thảo luận.

Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

Các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường.

Mở đầu phiên họp, thư ký kỳ họp đã báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận, góp ý trong phiên thảo luận tại tổ sáng nay. Theo đó, tổng hợp từ 4 Tổ trong sáng 5/12 đã có 35 lượt ý kiến phát biểu của các đại biểu HĐND tỉnh và đại diện các cơ quan, đơn vị tham gia thảo luận. Các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, nhiệm vụ năm 2025; các Báo cáo của Thường trực HĐND, UBND tỉnh, các ngành liên quan và dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp.

Trong chiều 5/12, thảo luận tại hội trường đã có 15 lượt ý kiến phát biểu và đặc biệt, kỳ họp được nghe ý kiến phát biểu của đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Bùi Duy Sơn -  Thư ký kỳ họp báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận.

Ô nhiễm môi trường, khó khăn trong khai thác khoáng sản

Đại biểu Trần Đình Toàn (Đô Lương) đã chỉ ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu vực như bãi rác Đông Vĩnh, bệnh viện Ung bướu, bãi rác Cửa Lò, bãi rác Tân Kỳ và cơ sở trại lợn Thái Dương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Đại biểu Toàn đề nghị UBND tỉnh cần xử lý dứt điểm các điểm ô nhiễm này, bố trí nguồn kinh phí hợp lý, và đẩy mạnh kiểm tra, giám sát.

Đại biểu Trần Đình Toàn (Đô Lương) phát biểu thảo luận.
Đại biểu Trần Đình Toàn (Đô Lương) phát biểu thảo luận.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Hoàng Quốc Việt, giải trình hiện toàn tỉnh có 5 cơ sở ô nhiễm chưa được xử lý triệt để. Các điểm nóng mà đại biểu Toàn nêu ra đang được xử lý tích cực. Ông Việt cho biết, trong năm 2024, tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ sở công ích và địa phương triển khai các biện pháp giải quyết các điểm ô nhiễm. Sở đã chỉ đạo xử lý các cơ sở ô nhiễm như bệnh viện Ung bướu, các bãi rác và trại lợn Thái Dương. Đặc biệt, trại lợn đã ngừng hoạt động từ 2019 nhưng vẫn chưa hoàn thành thủ tục xử lý.

Đại biểu Nguyễn Công Văn (Nghi Lộc) phát biểu thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Công Văn (Nghi Lộc) phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Công Văn (Nghi Lộc) nêu vấn đề thiếu vật liệu xây dựng tại các khu vực miền núi, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình. Đại biểu Văn đề xuất cần xây dựng hệ thống đánh giá tác động môi trường để chủ động trong phòng chống thiên tai như sạt lở đất, lũ quét. Ông cũng cho rằng các cơ quan cần huy động lực lượng để đánh giá tác động môi trường và có kế hoạch phòng chống hiệu quả.

Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hoàng Quốc Việt giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu.
Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hoàng Quốc Việt giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt cho biết việc khai thác vật liệu xây dựng ở miền núi gặp khó khăn do yêu cầu đấu giá mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng vật liệu của doanh nghiệp khu vực này không cao. Sở phối hợp với Sở Xây dựng quy hoạch mỏ đất, đá, cát nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung cho các công trình xây dựng. Một số huyện như Anh Sơn và Con Cuông thực hiện tốt việc khai thác vật liệu trong phạm vi công trình. Tuy nhiên, khai thác cát ở các khu vực miền núi gặp khó khăn về địa hình, lượng cát ít và các thủ tục pháp lý liên quan đến thủy điện.

Sở cũng báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định 32 để thuận lợi hơn trong việc khai thác cát ở lòng hồ thủy điện. Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch mỏ và đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Khoáng sản để đơn giản hóa thủ tục đấu giá mỏ vật liệu.

Các đại biểu tham dự.

Liên quan đến vấn đề quản lý đất nông lâm trường, đặc biệt là thu hồi và giao đất cho các địa phương, đã được các đại biểu đưa ra tại kỳ họp. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết tỉnh đã ban hành kế hoạch thu hồi 107,3 ha đất nông lâm trường để giao cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, nhiều diện tích đất có cây trồng hoặc dân cư vẫn sản xuất, gây khó khăn trong việc giao đất cho người dân. Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương để rà soát diện tích đất nông lâm trường, thu hồi và giao cho dân quản lý. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo nâng cao hiệu suất sử dụng đất nông lâm trường, đặc biệt là những diện tích không hiệu quả.

Đại biểu Trần Ngọc Sơn (Tân Kỳ) phát biểu thảo luận.
Đại biểu Trần Ngọc Sơn (Tân Kỳ) phát biểu thảo luận.

Về công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu Trần Ngọc Sơn (Tân Kỳ) bày tỏ lo ngại về tình trạng chậm trễ trong công tác chi trả đền bù, giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, đặc biệt là nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình rằng công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn chủ yếu ở các khu vực như Quỳnh Xuân, Cầu Giát, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP Vinh. Tuy nhiên, Sở đã đôn đốc các địa phương và ngành Giao thông Vận tải để khẩn trương hoàn thiện thủ tục chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu điều hành phiên thảo luận.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu điều hành phiên thảo luận.

Chất vấn thêm Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu, yêu cầu Sở phối hợp các cơ quan chức năng để giải quyết tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, đặc biệt tại các khu vực miền núi. Các doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải mua đất của dân hoặc đền bù vật liệu trên đất, ảnh hưởng đến động lực khai thác. Đề nghị có giải pháp phù hợp để doanh nghiệp tham gia đấu thầu mà không phải bỏ thêm chi phí.

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chia sẻ về những khó khăn trong thực hiện vấn đề này, bởi cần sự vào cuộc chỉ đạo tập trung từ tỉnh đến địa phương để thống nhất diện tích trả lại. Sau trả lại, địa phương cũng cần kinh phí để đo và chia lại đất cho người dân. Thực tế một số địa phương chưa kịp chia lại có cá nhân lên lấn chiếm bất hợp pháp, dẫn đến giải quyết tranh chấp khiếu kiện mất thời gian… Cần có căn cơ từ tỉnh đến cơ sở, dành thời gian và nguồn lực để giải quyết dứt điểm. Sở có báo cáo tổng hợp để giải trình lời hứa từ kỳ họp trước.

Chất lượng đào tạo nghề và thị trường lao động

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn Hồng Vũ, cho rằng chất lượng đào tạo nghề hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là khu vực nông thôn và miền núi. Mạng lưới đào tạo nghề có 43 cơ sở, trong đó các trường Cao đẳng và Trung cấp chỉ đào tạo hơn 21% quy mô toàn tỉnh. Chương trình đào tạo hiện chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, do đó, sinh viên tốt nghiệp cần thêm thời gian để vững vàng tay nghề, đặc biệt đối với doanh nghiệp FDI với trang thiết bị hiện đại.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đoàn Hồng Vũ giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đoàn Hồng Vũ giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu.

Mặc dù tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và giáo viên cho các trường nghề, nhưng các trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) vẫn chưa được hưởng đầy đủ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Tỉnh đã đề xuất Trung ương nghiên cứu và hỗ trợ trong giai đoạn tới. Trong năm qua, tỉnh đã giảm 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tiếp tục thực hiện Đề án 14 để quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh.

Các đại biểu tham dự.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng giải trình về tình trạng khó khăn trong tuyển dụng lao động, đặc biệt là tại các doanh nghiệp FDI. Tỉnh đã thu hút đầu tư mạnh mẽ, dẫn đến nhu cầu lao động tăng nhanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, đặc biệt khi mức lương tối thiểu tại khu vực còn thấp.
 Hiện có khoảng 700 nghìn lao động ngoài tỉnh và 80 nghìn lao động làm việc ở nước ngoài. Trong khi nhu cầu tuyển lao động hàng năm của doanh nghiệp trong tỉnh là 40-50 nghìn người. Tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch đồng bộ để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội và các phúc lợi xã hội để thu hút và giữ chân lao động.

Các đại biểu tham dự.
Các đại biểu tham dự.

Về giải ngân vốn đầu tư phát triển, tỉnh đã thực hiện tốt các chương trình MTQG, với tỷ lệ giải ngân đạt 85% tính đến ngày 31/10. Tuy nhiên, do tiến độ giải ngân dồn vào cuối năm, một số địa phương gặp khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu giải ngân. Năm 2024, tỉnh dự kiến giải ngân khoảng 60-80% nguồn vốn, tùy theo từng địa phương, và sẽ xin Trung ương kéo dài sang năm 2025. Vốn sự nghiệp của năm 2024 đã được điều chỉnh để đảm bảo đáp ứng mục tiêu đề ra.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục triển khai các nghị quyết của Quốc hội và HĐND tỉnh để đảm bảo các chương trình đầu tư phát triển diễn ra suôn sẻ, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.

Phát huy giá trị Ngọc Xá lợi và bảo tồn di tích Nhạn Tháp

Đại biểu Trần Văn Duẩn (Thượng toạ Thích Thọ Lạc) ở TP Vinh phát biểu thảo luận.
Đại biểu Trần Văn Duẩn (Thượng toạ Thích Thọ Lạc) ở TP Vinh phát biểu thảo luận.

Đại biểu Trần Văn Duẩn (Thượng tọa Thích Thọ Lạc) phản ánh Ngọc Xá lợi - bảo vật quốc gia đang được bảo tồn tại Bảo tàng Nghệ An - chưa được phát huy giá trị đầy đủ. Ông đề nghị chuyển Ngọc Xá lợi về chùa để đáp ứng nguyện vọng người dân và phát triển du lịch tâm linh. Đồng thời, ông kiến nghị tỉnh ban hành chủ trương phục dựng di tích chùa Nhạn Tháp.

Giám đốc Sở Văn hoá - Xã hội Trần Thị Mỹ Hạnh giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu.
Giám đốc Sở Văn hoá - Xã hội Trần Thị Mỹ Hạnh giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh giải trình, Xá lợi Phật có niên đại từ thế kỷ VII, được khai quật tại Nhạn Tháp năm 1985-1986 và công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017. Hiện vật này đang được bảo quản tại kho Bảo tàng Nghệ An nhưng chưa có nơi trưng bày xứng tầm. Sở đã trình dự án xây dựng phòng bảo vật quốc gia lên UBND tỉnh, dự kiến triển khai năm 2025. Về phục dựng Nhạn Tháp, huyện Nam Đàn - đơn vị quản lý cụm di tích - đang gặp khó khăn trong việc xã hội hóa. Sở Văn hóa - Thể thao đã đề xuất UBND tỉnh đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2025-2030.

Thúc đẩy phục hồi đất nông nghiệp và phát triển rừng bền vững

Làm rõ thêm ý kiến đại biểu Nguyễn Công Văn, huyện Nghi Lộc nêu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Thành Vinh cho biết, Nghệ An là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai, với 21/22 loại hình theo Luật Phòng chống thiên tai. Sở đã xác định 449 điểm có nguy cơ sạt lở, tuy nhiên mới chỉ đánh giá bằng quan sát. Ngày 8/11/2024, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành đề cương đánh giá toàn diện nguy cơ sạt lở, bao gồm chất lượng công trình chống sạt lở, nguyên nhân và các biện pháp cảnh báo. Để xử lý 449 điểm nguy cơ, tỉnh cần khoảng 3.200 tỷ đồng.

Tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết 09/2024/NQ-HĐND ngày 7/6/2024 về hỗ trợ ổn định dân cư, bố trí 42,3 tỷ đồng trong giai đoạn 2024-2025 để giảm nguy cơ sạt lở tại các khu dân cư. Các huyện được đề nghị đánh giá, lập kế hoạch đầu tư công để khắc phục hiệu quả.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Thành Vinh  giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu.

Về phục hồi đất nông nghiệp, Sở NN&PTNT chỉ ra nhiều nguyên nhân gây thoái hóa đất, bao gồm việc lạm dụng phân bón hóa học và canh tác không bền vững. Tỉnh Nghệ An đã triển khai các đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, tăng trưởng xanh và các mô hình sản xuất tập trung. Đồng thời, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư và khuyến khích giảm vụ sản xuất để đất phục hồi tự nhiên, từ đó nâng cao chất lượng cây trồng.

Đối với miền núi, Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh, 85% diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh chủ yếu trồng keo. Tuy nhiên, chính phủ đã ban hành Nghị định 158/2024 hỗ trợ cây gỗ lớn và cây bản địa, cùng chính sách cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết 18/2021/NQ-HĐND về hỗ trợ phát triển nông nghiệp giai đoạn 2022-2025.

Liên quan đến cấp xi măng cho các xã xây dựng nông thôn mới, Sở NN&PTNT khẳng định đã đảm bảo phân bổ đúng tiến độ cho các xã đăng ký hàng năm. Những xã đăng ký bổ sung sẽ được xem xét phân bổ theo nguồn lực và kế hoạch cụ thể.

Với các giải pháp đồng bộ từ phòng chống thiên tai đến cải thiện đất và phát triển nông nghiệp, tỉnh Nghệ An đang từng bước đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ý kiến của các vị đại biểu góp phần gợi mở để UBND tỉnh có giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thay mặt UBND tỉnh cảm ơn HĐND tỉnh và các vị đại biểu HĐND tỉnh có ý kiến và cơ bản đồng tình với các báo cáo, dự thảo Nghị quyết UBND tỉnh trình tại kỳ họp lần này; thống nhất cao với kết quả đạt được trong phát triển KT XH năm 2024, đồng thời cũng đã thẳng thắn, trách nhiệm trong chỉ ra những tồn tại hạn chế, tất cả vì sự phát triển chung của tỉnh. Các ý kiến của các vị đại biểu cũng góp phần gợi mở để UBND tỉnh có giải pháp để khắc phục. Thay mặt UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh xin được tiếp thu đầy đủ và sẽ có giải pháp để giải quyết những vấn đề đã được nêu để làm sao chúng ta có điều kiện thuận lơi trong phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững hơn nữa  trong thời gian tới. Đồng chí cũng làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu quan tâm và một số tồn tại, hạn chế trong năm 2024 đồng thời nhấn mạnh, thời gian còn của năm 2024 không nhiều, nhưng vẫn còn dư địa thời gian để phấn đấu hoàn thành mục tiêu ở mức cao nhất các chỉ tiêu từ tăng trưởng, thu ngân sách, thu hút đầu tư, giai ngân vốn đầu tư công. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 1243 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Trong tháng này các ngành, các địa phương chủ động rà soát những dự án công trình, các nguồn lực;  Tập trung chăm lo cho người dân, nhất là người dân vùng sâu vùng xa, người dân yếu thế được đón năm mới đủ đầy.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại phiên thảo luận.

Khẳng định năm 2025 là một năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tập trung cao nhất và quyết tâm cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu của nhiệm kỳ. Phấn đấu năm 2025 tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số; Tháo gỡ một số điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực. 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị cần quan tâm thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, theo tinh thần của Tổng Bí thư, nêu cao tinh thần gương mẫu. Huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm; quan tâm chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là chương trình hỗ trọ cho nhà ở. Bứt phá trong thu hút đầu tư, cải thiện mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính. Ổn định địa bàn, đảm bảo an ninh quốc phòng và quan tâm nắm vững các tâm tư, nguyện vọng và vận động người dân đồng hành với chính quyền để giữ vững ổn định cho sự phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục đồng hành với UBND tỉnh để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2025. 

Đại biểu HĐND tỉnh tích cực, chủ động tham gia và có ý kiến sâu sát, phù hợp với thực tiễn

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu thay mặt chủ tọa trân trọng cảm ơn các vị đại biểu đã tích cực, chủ động tham gia và có những ý kiến sâu sát, phù hợp với thực tiễn, phản ánh đúng ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của cử tri toàn tỉnh đến với kỳ họp.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên thảo luận tại hội trường.

Chủ tịch HĐND tỉnh đã tổng hợp lại các nội dung thảo luận. Theo đó, đa số các ý kiến phát biểu đều đồng tình với các báo cáo, dự thảo nghị quyết mà UBND tỉnh trình tại kỳ họp, thống nhất với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đặc biệt là trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn tác động, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của HĐND tỉnh; chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả của UBND tỉnh; nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; nhất là được sự nỗ lực, ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực và toàn diện.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 9,01%, đứng thứ 13 cả nước, cao hơn bình quân cùng kỳ năm 2023; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, thu ngân sách đạt kết quả tích cực.

Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công được thực hiện quyết liệt; các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các hoạt động đối ngoại được quan tâm.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường.

Đặc biệt, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: Được Quốc hội thông qua Nghị quyết 137/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 625/QĐ-TTg ngày 11/7/2024 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nhiều công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đồng tình, nhất trí với đánh giá về một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu thống nhất với mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp UBND tỉnh đã đề ra. Qua thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường, các đại biểu đề nghị sau khi Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh đề ra kế hoạch cụ thể triển khai 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo lộ trình phù hợp, khoa học để tổ chức thực hiện; đầu tư nguồn lực để thực hiện, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành trong việc thực hiện các chỉ tiêu này.
 
Về hoạt động của UBND tỉnh, các ý kiến thảo luận ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể, kịp thời của UBND tỉnh. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước; trong việc giải quyết dứt điểm, trả lời kiến nghị cử tri cần phải tập trung hơn về chất lượng và hiệu quả.

Các đại biểu tham dự.

Về hoạt động của HĐND tỉnh, các ý kiến thảo luận đều thống nhất đánh giá cao kết quả, sự đổi mới về nội dung, phương pháp hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh. Đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, quan tâm nâng cao chất lượng các kỳ họp, chất lượng ban hành các nghị quyết của HĐND tỉnh và tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết đã ban hành, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực; giám sát triển khai thực hiện việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

 Đối với các dự thảo nghị quyết, báo cáo trình kỳ họp, các đại biểu thống nhất với 41 dự thảo nghị quyết, riêng qua thảo luận tại tổ có 6 ý kiến đối với dự thảo nghị quyết.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị: Sau phiên này, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nghị quyết, cơ quan thẩm tra thống nhất, nghiên cứu ý kiến của đại biểu chỉnh sửa hoàn thiện các dự thảo nghị quyết, thời gian hoàn thiện trong sáng 6/12, để phục vụ cho việc biểu quyết và thông qua tại phiên họp chiều cùng ngày.

Nhóm PV

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện