Thảo luận tổ 2: Tập trung giải quyết những vấn đề nóng: Đất đai, đào tạo nghề và hạ tầng chợ nông thôn

12:50, 05/12/2024
Tiếp tục nội dung kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khóa XVIII, ngay sau phiên khai mạc sáng 5i12, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tổ. Tại tổ 2 có sự tham gia của 21 đại biểu HĐND thuộc các đơn vị Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu và Hưng Nguyên. Đại biểu Hà Xuân Quang  – Bí thư huyện ủy Diễn Châu, Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận.

Dự phiên thảo luận tổ 2 có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh; Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành.

Toàn cảnh tại tổ thảo luận số 2.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu đánh giá cao những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực trong năm 2024, nhất là các chỉ tiêu KT-XH. Công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh đã linh hoạt, hiệu quả và có trọng tâm, trọng điểm; những kết quả mà tỉnh chưa đạt được đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành chức năng liên quan làm rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ đại biểu Nam Đàn dự thảo luận tại Tổ 2.

Đại biểu Hoàng Lân, Ban VHXH HĐND tỉnh đề nghị điều chỉnh về số liệu báo cáo kết quả KT-XH trình bày tại kỳ họp: tỉnh đã hoàn thành 27/28 chỉ tiêu thay vì 26 chỉ tiêu. Ông Phạm Hồng Quang – Giám đốc Sở KH-ĐT Nghệ An cũng đã giải trình và làm rõ thêm. UBND tỉnh đã có báo cáo giải trình về nội dung xử lý nước sạch trong hoạt động Khu Công nghiệp. Theo đó, chỉ tiêu về nước thải tập trung chưa đạt, nhưng sau khi rà soát thì chỉ tiêu này đã đạt 100%, vì trước đó báo cáo đưa Khu CN Thọ Lộc vào, nhưng do Khu CN Thọ Lộc chưa đi vào hoạt động, nên hiện chỉ tiêu này đã đạt.

Thực trạng đất đai: Bỏ hoang, lãng phí nguồn lực

Vấn đề sử dụng đất đai hiệu quả là trọng tâm được các đại biểu thảo luận. Đại biểu Nguyễn Công Văn (đoàn Nghi Lộc) chỉ ra tình trạng đất sản xuất ở một số nông, lâm trường bị bỏ hoang, không được khai thác đúng tiềm năng. Đại biểu Văn nêu rõ:

Đại biểu Nguyễn Công Văn, Tổ đại biểu huyện Nghi Lộc nêu ý kiến.

"Tình trạng hoang hóa đất sản xuất của một số nông lâm trường, đất của một số dự án do chậm triển khai hoặc không triển khai..  Một số dự án hàng chục năm chưa có người ở, lãng phí đất đai, nguồn lực, đề nghị UBND tỉnh cân đối để cho cơ sở có nguồn lực nhưng cũng đừng để lãng phí đất đai, trong khi các dự án hầu hết là đất “bờ xôi, ruộng mật”.

Ngoài ra, đại biểu Văn cũng phản ánh việc nhiều khu đất đã được quy hoạch và đầu tư hạ tầng, nhưng không thu hút được người dân đến sinh sống. Thực trạng này không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển đồng bộ của các khu vực. Theo đại biểu Văn, sản xuất nông nghiệp hiện nay còn đơn thuần, giá trị sản xuất đạt thấp do đó người dân không mặn mà với ruộng đồng, UBND tỉnh, các ngành liên quan có giải pháp nào hiệu quả để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả hạn chế tình trạng bỏ hoang đất ruộng. Đồng thời, tỉnh cần có chủ trương tích tụ ruộng đất để kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. 

Các đại biểu tham dự.

Giải trình về nội dung này, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, tỉnh đang thực hiện các biện pháp mạnh tay với các dự án "treo". Các tổ công tác đã được thành lập để rà soát từng dự án chậm tiến độ, từ đó xử lý theo hướng thu hồi đất hoặc thúc đẩy đầu tư. Đại diện Sở cũng thông tin thêm rằng Luật Đất đai 2024 sẽ có những quy định mới, mở ra cơ hội cho việc tích tụ đất đai và thu hút doanh nghiệp.

Chất lượng nguồn nhân lực: Mấu chốt cho phát triển kinh tế

Đại biểu Nguyễn Thị Anh Hoa, ĐB huyện Diễn Châu bày tỏ lo ngại về chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh các ngành nghề mới ngày càng phát triển. ĐB Hoa nhận định, lao động nông thôn đang thiếu kỹ năng, khiến việc chuyển đổi nghề gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Anh Hoa, ĐB huyện Diễn Châu nêu ý kiến.

"Các chương trình đào tạo nghề hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Chúng ta cần chú trọng hơn đến công tác đào tạo nghề chất lượng cao. Chúng ta cần có chính sách thu hút giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cáo, nhất là nhà giáo, vậy các ngành có định hướng tham mưu cho UBND tỉnh về vấn đề này như thế nào? Đại biểu Hoa đặt câu hỏi.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hồ Thị Châu Loan giải trình ý kiến đại biểu nêu.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hồ Thị Châu Loan thừa nhận thực tế này. Theo bà Loan tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có đào tạo nghề và Văn bằng chứng chỉ, thực tế việc đào tạo nghề cho những ngành nghề mới, nghề có trình độ cao còn hạn chế. 

Ông Hồ Văn Đàm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc nêu ý kiến.

Ông Hồ Văn Đàm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, đưa ra đề xuất: "Chúng ta cần phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và gia đình để định hướng nghề nghiệp. Đặc biệt, cần hỗ trợ thêm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng lao động tại chỗ."

Hạ tầng chợ nông thôn: Xuống cấp và bất cập trong quản lý

Đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt (Quỳnh Lưu) nêu ý kiến.

Đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt (Quỳnh Lưu) phản ánh “Tình trạng họp chợ truyền thống, chợ tự phát, gây mấy ATGT, ATVSTP và nguy cơ cháy nổ. Đề nghị quan tâm có cơ chế, chính sách xây dựng hạ tầng chợ nông thôn, đề dân có điểm buôn bán phù hợp. Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh khảo sát khắc phục những điểm sạt lở đê biển khi thi công thực hiện tuyến đường ven biển.

Các đại biểu tham dự.

Đại diện Sở Công Thương thừa nhận, trong tổng số 370 chợ trên địa bàn tỉnh, phần lớn đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều chợ được xây dựng không còn đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Sở đang phối hợp với các địa phương để trình phương án nâng cấp, cải tạo hệ thống chợ nông thôn. Dự kiến, giai đoạn 2025-2030 sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thương mại.

Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh giải trình ý kiến của đại biểu

Làm rõ thêm việc thi công tuyến đường ven biển, đê biển xuống cấp, ông Phùng Thành Vinh – Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời đề điều đã phân cấp quản lý. Trong đó, 69km do ngành nông nghiệp quản lý, còn lại địa phương quan lý, nguồn vốn duy tu bao dưỡng thì địa phương bỏ ra, còn về phía tỉnh hàng năm đều đầu tư duy tu, bảo dưỡng.     

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại phiên thảo luận.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024 nhìn tổng thể có nhiều điểm sáng, nổi bật là về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư FDI, kim ngạch xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công. Ở lĩnh vực văn hóa, giáo dục đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác an sinh xã hội, nhất là chính sách cho người có công với cách mạng, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế được quan tâm. An ninh trật tự được giữ vững, tạo bình yên, ổn định để toàn tỉnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động đối ngoại diễn ra sôi nổi, hiệu quả với nhiều chuyến công tác của các đồng chí lãnh đạo tỉnh tìm hiểu, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài. 

Trong bức tranh chung của nền kinh tế vẫn có những khó khăn: tỷ lệ doanh nghiệp dừng hoạt động tăng 35%  cơ cấu thu chưa bền vững, thu không đủ chi, hiệu quả sử dụng đất đai còn hạn chế. Công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của các dự án chậm triển khai gặp nhiều khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công về tổng thể là đạt kết quả tích cực, tuy nhiên ở một số nội dung, chương trình, dự án tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp.

Các đại biểu tham dự.

Công tác cải cách hành chính được quan tâm, quyết liệt song thực tế ở một số ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đẩy mạnh, tình trạng một số cán bộ ở một số đơn vị còn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân. Năng lực chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự gần dân, sát dân để có sự ủng hộ, đồng thuận từ người dân. Công tác chuyển đổi số có những hạn chế nhất định. 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, năm 2025 Nghệ An phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng: “tăng tốc, bứt phá” để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, trong đó về kinh tế sẽ phấn đấu tăng trưởng ở 2 con số; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp; thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đặt niềm tin trong năm 2025 Nghệ An, có thể đạt tốc độ phát triển tốt hơn khi tận dụng được các cơ chế, chính sách thí điểm do Quốc hội ban hành. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu đạt từ 9,5 – 10,5%. Đồng thời giải trình thêm một số vấn đề mà các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.

PV

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện