Thảo luận tổ 4: Cần có sự bứt phá trong giải ngân vốn các Chương trình Mục tiêu Quốc gia

14:17, 05/12/2024
Nằm trong chương trình Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, sáng 05/12, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành thảo luận tại tổ. Tham gia thảo luận tại Tổ 4 có các đại biểu HĐND tỉnh được bầu ở các đơn vị: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong. Đại biểu Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Tương Dương điều hành phiên thảo luận.

Tham dự phiên thảo luận Tổ 4 có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Trọng Hoàng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan. 

Toàn cảnh phiên thảo luận tố số 4.

Thảo luận tại tổ, ông Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh (Đại biểu đơn vị bầu cử huyện Quỳ Hợp) nêu ý kiến về cơ cấu nguòn thu thiếu bền vững, nguồn chi tăng dần đề nghị UBND tỉnh cần tính giải pháp tiết kiệm hơn nữa. Đại biểu Nguyễn Như Khôi cho rằng diện tích trồng keo ở các huyện miền núi cao thời gian 5- 6 năm người dân thu hoạch, cây keo không được coi là cây phủ xanh rừng vì trong thời gian 5-6 năm người dân đã khai thác;lại bị “cạo trọc" dẫn đến đất trống đồi núi trọc. Đề nghị ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu lại cơ cấu giống cây trồng theo hướng "dài hơi" vừa đảm bảo vùng nguyên liệu và độ che phủ rừng.

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị cần thẩm định lại chất lượng, hàm lượng kinh tế của các sản phẩm OCOP. 

Bày tỏ vui mừng vì số lượng các xã, huyện được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi kiến nghị ngành nông nghiệp cần thẩm định chất lượng của sản phẩm này cũng như đánh giá hàm lượng đóng góp về kinh tế của các sản phẩm OCOP đồng thời có các giải pháp tiếp thị thị trường, quảng bá các sản phẩm OCOP.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận.

Bên cạnh quan tâm đến các chỉ tiêu, giải pháp của Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, Đại biểu Nguyễn Hồng  Sơn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Đại biểu Đơn vị bầu cử huyện Kỳ Sơn  đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục có giải pháp đẩy mạnh vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn cho chương trình mục tiêu Quốc gia đối với các huyện miền núi; bổ sung thêm quy hoạch Nông thôn mới giai đoạn tiếp theo; đưa ra giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa để giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi.  Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá những khó khăn vướng mắc để có giải pháp thích hợp, cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần tăng nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Bày tỏ băn khoăn khi đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, nguyên nhân cũng có từ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tệ nạn ma túy, Phó chủ tịch Hội nông dân tỉnh Nguyễn Hồng Sơn đề nghị UBND tỉnh có giải pháp cụ thể, có kế hoạch chỉ đạo, triển khai  quyết liệt.

Đại biểu Nguyễn Hồng  Sơn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Đại biểu Đơn vị bầu cử huyện Kỳ Sơn nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn phản ánh nhiều dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia có vốn bố trí lớn cho vùng miền núi. Tuy nhiên, khu vực này địa hình phức tạp, đi lại khó khăn nên nguồn vật liệu khan hiếm, giá cả cao, dẫn đến ảnh hưởng đến tới tiến độ triển khai các chương trình. Đề nghị tỉnh chỉ đạo có giải pháp khắc phục khó khăn này.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận.

Liên quan đến triển chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Vương Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh (Đơn vị bầu cử huyện Quỳ Châu) đề nghị trong giải pháp phát triển kinh tế - xã hội chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu miền núi cần nhấn mạnh: giải ngân vốn đầu tư công 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Lữ Văn May - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tương Dương đề nghị cần có hình thức hỗ trợ phù hợp đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Lữ Văn May - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương cho rằng, thời gian các cấp các ngành đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là nhiều hộ dân có tư tưởng trông chờ ỷ lại. Do đó, để khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, các cấp các ngành cần nghiên cứu hình thức hỗ trợ: giảm hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ sau đầu tư, vay vốn có lãi suất ưu đãi,...Đồng thời việc thực hiện chế độ an sinh hàng năm không cào bằng nhằm khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại hỗ trợ của Nhà nước trong nhân dân.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời ý kiến của các đại biểu thảo luận.

Liên quan đến Giải ngân vốn đầu tư công 3 chương trình mục tiêu quốc gia mà đại biểu Vương Quang Minh (đơn vị Quỳ Châu) cũng như các đại biểu tại Tổ 4 đề cập đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, khó khăn nhất là giải ngân vốn sự nghiệp không có đối tượng để giải ngân, vì vậy giải pháp mà UBND tỉnh đưa ra đó là: Tập trung đôn đốc các chủ đầu tư đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, thi công và giải ngân theo kế hoạch. Đối với giải ngân nguồn sự nghiệp: UBND 2 huyện Quế Phong, Kỳ Sơn (đơn vị chọn làm điểm theo Nghị quyết 111 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia), căn cứ Nghị Quyết 111 của Quốc hội, Nghị quyết 16 của HĐND tỉnh điều chỉnh lại nguồn vốn, xác định danh mục, nội dung để triển khai thực hiện trong năm 2025. Đối với các huyện còn lại chủ động bám sát các ngành liên quan tham mưu trình UBND tỉnh điều chỉnh nguồn vốn, trên cơ sở nguồn vốn của huyện.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận.

Ngoài ra, các Đại biểu cũng chuyển tải nhiều ý kiến của cử tri kiến nghị, phản ánh đến Hội đồng nhân dân tỉnh về: Nhiều dự án chậm tiến độ do vướng mắc liên quan đến hồ sơ, thủ tục trong đó quan tâm tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thủy điện; Sớm có phương án tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng khi triển khai Dự án mở rộng nghĩa trang Quốc tế Việt-Lào; Vấn đề xả lũ của các nhà máy thủy điện trên địa bàn; Tình trạng xâm canh, xâm cư, tranh chấp đất đai; đề nghị Ngành lâm nghiệp cần tính toán chuyển đổi một số cây trồng mới để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc...cũng như vấn đề ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân Quỳ Hợp; cần tháo gỡ các điểm giao thông thường xuyên bị ngập úng tại một số địa phương miền núi; quan tâm hỗ trợ chính sách cho người dân trong việc thực hiện việc dồn điền đổi thửa; hiện nay hành lang lòng lề đường bị lấn chiếm liên tục, cần quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm; xử lý xe quá khổ, quá tải tại QL7 để đảm bảo an toàn cho người dân.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; đề nghị giảm bớt hỗ trợ trực tiếp, cần chuyển sang hỗ trợ đầu tư có điều kiện, vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế để khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; đánh giá lại các trường nghề trên địa bàn; quan tâm giải quyết công tác dạy nghề tại các địa phương miền núi; việc cung cầu việc làm cho các doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của công ty ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và phát triển kinh tế; đánh giá, kiểm tra lại các chương trình xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp…..

Các ý kiến của các đại biểu đã được đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời, báo cáo giải trình làm rõ.


 

Hữu Đức - Hữu Hoàng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện