Ngay sau phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 với dự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN. Các nhà Lãnh đạo ASEAN nhất trí ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong nay để thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, tự do hóa thương mại và đầu tư và cũng là đóng góp quan trọng cho quá trình phục hồi sau dịch bệnh tại khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên toàn thể. |
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mặc dù không thể gặp mặt trực tiếp lãnh đạo các nước, song phiên họp trực tuyến này là dịp để ASEAN chứng tỏ cam kết mạnh mẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, đẩy lùi các thách thức của dịch bệnh, duy trì đà hợp tác và liên kết ASEAN.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Hiện nay, chúng ta đang gánh trên vai trọng trách phải tự tin, hợp tác cùng nhau vững tay chèo lái con tàu ASEAN vượt qua những khó khăn, thử thách chưa từng có trong chống đại dịch Covid-19, thể hiện bản lĩnh và sức sống vững bền của Cộng đồng ASEAN, tiến bước trên con đường phát triển. Trong khuôn khổ phiên họp toàn thể hôm nay, tôi đề nghị chúng ta cùng tập trung trao đổi 3 nội dung chính gồm: Thứ nhất, phương hướng thúc đẩy hợp tác, xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó có triển khai các ưu tiên của năm 2020 và ứng phó, khắc phục hậu quả của dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế xã hội; Thứ hai, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác vì hòa bình, phát triển bền vững và ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên; Thứ ba, các vấn đề khu vực và quốc tế mà chúng ta cần quan tâm".
Một số Lãnh đạo ASEAN cũng đề xuất các biện pháp để nới lỏng các hạn chế nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi sau dịch bệnh. Trong tiến trình này, chuyển đổi sang kinh tế số, nhất là áp dụng các thành quả của khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng. Các nhà Lãnh đạo cũng đã đề cập tới đào tạo, nâng cao kỹ năng của lao động trong thời đại mới, coi đây là nhân tố quan trọng trong phát triển của ASEAN.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các nước đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN trong đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, nhấn mạnh cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới Bộ Qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Nhiều nước cho rằng dịch bệnh đã tác động quá trình đàm phán COC, tuy nhiên ASEAN cần sớm nối lại tiến trình này, từ đó khẳng định vai trò trung tâm và đóng góp cho hòa bình, ổn định tại khu vực.
Các Lãnh đạo cũng đề cập tới tình hình bán đảo Triều tiên và bang Ra-khai, nhấn mạnh ASEAN cần đẩy mạnh hỗ trợ Mi-an-ma trong trợ giúp người dân ở bang Ra-khai sớm khôi phục ổn định cuộc sống, phòng chống dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36. |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cao gắn kết, thích ứng của ASEAN thời gian qua, nhất là đã sáng tạo đề xuất các sáng kiến, vừa phát huy vai trò của ASEAN vừa thu hút sự ủng hộ và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chung chống COVID-19. Thủ tướng khẳng định, trong khi ASEAN tập trung kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, cũng đồng thời cần thực hiện thành công các ưu tiên trong xây dựng Cộng đồng, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại.
Thủ tướng hoan nghênh quyết tâm của các nước hoàn tất Hiệp định RCEP, qua đó gửi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của ASEAN phối hợp với các đối tác thúc đẩy xây dựng hệ thống thương mại quốc tế tự do, rộng mở. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các nước sẽ hoàn tất và ký kết Hiệp định này trong 2020.
Thủ tướng cũng đề nghị các nước nâng cao và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối ngoại của ASEAN. Cùng với việc cả Indonesia và Việt Nam cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ASEAN sẽ có cơ hội đóng góp cho các công việc chung của cộng đồng quốc tế. Thay mặt các nước, Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao sự ủng hộ của các đối tác, cộng đồng quốc tế với ASEAN trong đấu tranh chống COVID-19 và xây dựng Cộng đồng.
Thủ tướng lưu ý để xây dựng thành công Cộng đồng, cải tiến phương thức, bộ máy làm việc của ASEAN có ý nghĩa quan trọng. Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các nước rà soát công tác triển khai Hiến Chương ASEAN, đề xuất các kiến nghị tại Cấp cao ASEAN 37.
Đề cập đến tình hình quốc tế và khu vực, trong khi cả thế giới đang căng mình đối phó với đại dịch COVID-19,Việt Nam bày tỏ quan ngại, ở một số khu vực vẫn tồn tại những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, gây mất ổn định, làm phức tạp tình hình, xói mòn lòng tin. Việt Nam nhấn mạnh mọi quốc gia cần đề cao tinh thần trách nhiệm, thượng tôn pháp luật, nhất là UNCLOS 1982, đẩy mạnh xây dựng lòng tin, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển UNCLOS 1982.
Kết thúc Hội nghị, các Nhà Lãnh đạo đã công bố Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay và ghi nhận 9 văn kiện khác./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin