Quốc tế

Philippines: Trung Quốc “hoàn toàn coi thường” luật pháp quốc tế ở Biển Đông

07:30, 10/04/2021
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana mô tả sự coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông là “kinh khủng”.

Philippines và Trung Quốc vẫn đang mắc kẹt trong những tranh cãi liên quan đến điều mà Manila gọi là “sự hiện diện tràn ngập và đe dọa” của hơn 200 tàu Trung Quốc quanh một bãi đá ngầm ở Biển Đông kể từ đầu tháng 3/2021 đến nay. 

Tàu Trung Quốc neo đậu trái phép ở Đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: AFP.
Tàu Trung Quốc neo đậu trái phép ở Đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: AFP.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên cáo buộc Philippines “thổi phồng” vấn đề và tiếp tục nói rằng các tàu của họ đang neo đậu trong khu vực đơn thuần chỉ là để “tránh gió”.

Phản bác lại, Chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte chỉ ra rằng thời tiết trong khu vực hoàn toàn thuận lợi trong những ngày gần đây. Về phía các nhà phân tích, họ không ngại chỉ ra rằng những động thái tương tự trên biển thường xảy ra trước khi Trung Quốc xây dựng các công trình kiên cố trên các rạn san hô sau khi bồi lấp và cải tạo trái phép chúng, để thông qua đó củng cố yêu sách phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Theo các bức ảnh vệ tinh được công bố trên truyền thông, đội tàu hơn 200 chiếc của Trung Quốc đã tập trung trái phép xung quanh Đá Ba Đầu [thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam – ND] từ hôm 7/3.

Hôm qua (8/4), Bộ Quốc phòng Philippines cho biết đang giữ “tất cả các lựa chọn được để ngỏ” trong bối cảnh tranh cãi ngoại giao giữa Manila với Bắc Kinh ngày càng gia tăng.

Philippines và Mỹ nhắc đến hiệp ước phòng thủ chung

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong nói: “Khi tình hình (ở Biển Đông) leo thang, chúng tôi luôn để ngỏ mọi lựa chọn của mình trong việc quản lý tình hình, bao gồm cả việc thúc đẩy quan hệ đối tác của chúng tôi với các quốc gia khác như Mỹ”.

"Cả hai phía cam kết thực hiện nghĩa vụ được quy định trong Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Mỹ-Philippines (MDT)", ông Andolong nói.

Cùng ngày, Thượng nghị sĩ Philippines Panfilo Lacson thông qua mạng xã hội Twitter thể hiện sự ủng hộ dành cho ý tưởng sử dụng MDT, gọi đây là "một vũ khí chưa được triển khai".

Về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, ông Ned Price khẳng định: “Mỹ sát cánh với đồng minh của chúng tôi, Philippines, đối mặt với lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đang tăng cường hoạt động ở Biển Đông. Chúng tôi sẽ luôn đứng về phía các đồng minh của mình, và đứng lên bảo đảm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

“Một cuộc tấn công chống lại lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm cả ở Biển Đông, sẽ kích hoạt các nghĩa vụ của chúng tôi theo Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Mỹ-Philippines”, ông Price nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm qua cũng đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế với vụ kiện Biển Đông hồi năm 2016.

Tổng thống Philippines Duterte – người vốn đã xoay trục chính sách, lạnh nhạt hơn với Mỹ để mở ra quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016 cũng đã phải có cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc tại Philippines vào tháng trước để bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Đá Ba Đầu.

Tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đang thể hiện sự “hoàn toàn coi thường” luật pháp quốc tế mà ông mô tả là “kinh khủng”.

“Tuyên bố về Đường 9 đoạn của Trung Quốc không hề có bất kỳ sơ sở thực tế hoặc pháp lý nào”, ông Lorenzana khẳng định.

Đại sứ quán Trung Quốc sau đó đã có phản ứng bằng luận điệu quen thuộc khi nói rằng khu vực này là ngư trường truyền thống của Trung Quốc, cáo buộc ông Lorenzana đưa ra “những nhận xét thiếu chuyên nghiệp có thể làm tăng thêm những cảm xúc sai trái”.

Các nhà phân tích thì chỉ ra rằng, những gì đang diễn ra ở Đá Ba Đầu có gì đó giống với những gì Trung Quốc từng làm năm 1994 ở Đá Vành Khăn – một rạn san hô khác ở quần đảo Trường Sa [thuộc chủ quyền của Việt Nam – ND]. Ở đây, ban đầu Trung Quốc xây dựng những gì họ nói là nơi trú ẩn cho ngư dân, nhưng sau này đã bị phát triển thành căn cứ quân sự.

Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, có trụ sở ở Washington D.C., Mỹ) nhận xét: “Đây là sự tiếp nối chiến lược kéo dài nhiều năm qua của Trung Quốc trong việc sử dụng lực lượng dân quân biển với số lượng lớn để thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế đối với các vùng biển và rạn san hô ở Biển Đông”.

“Thực tế là Chính phủ Philippines không chỉ nói về nó mà còn văn bản hóa và tuyên bố với công chúng rằng nó là một vấn đề lớn”, ông Poling nói./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện