Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Sớm công bố kết luận thanh tra giá điện, xử nghiêm sai phạm nếu có
Cuối phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường Quốc hội chiều 30/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giải đáp những thông tin liên quan đến việc tăng giá điện được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, từ việc rà soát tổng cơ cấu các nguồn điện từ điện than, thủy điện, điện mặt trời, điện gió... cũng như chi phí đầu vào như than, khí đều tăng giá theo thị trường, nhằm đảm bảo bù đắp chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận tối thiểu cho ngành điện là 3%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương đã đề xuất 3 kịch bản tăng giá điện là 7,31%, 8,36% và 9,26%.
"Trên cơ sở cân nhắc nhiều mặt, Thường trực Chính phủ đã họp thảo luận kỹ với nhiều Bộ ngành và EVN, đi đến kết luận chọn mức điều chỉnh tăng 8,36% và chọn thời điểm điều chỉnh là khoảng ngày 15 - 30/3", Phó Thủ tướng cho biết.
Lý do là bởi thông thường, sau khi tăng trong tháng 1 và 2, thì CPI thường giảm trong tháng 3. Thực tế trong 10 lần điều chỉnh giá điện, đã có 4 lần điều chỉnh trong tháng 3. Nếu điều chỉnh muộn hơn thì CPI có thể tăng cao hơn.
Tiền điện tăng cao trong tháng 4, theo báo cáo kiểm tra của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng, sơ bộ do 3 nguyên nhân: Giá điện tăng, số ngày ghi công tơ nhiều hơn 3 ngày và do thời tiết nắng nóng bất thường.
"Theo kết quả kiểm tra, cách tính và việc thu tiền điện của EVN chưa có sai phạm gì. Sắp tới, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan tiếp tục giảm chi phí, tiết giảm tổn thất điện năng, minh bạch các yếu tố đầu vào. Rà soát thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện phù hợp với điều kiện Việt Nam, hoàn thiện khung pháp lý", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
Chính phủ cũng chỉ đạo EVN tiếp thu ý kiến chuyên gia và người dân, sớm trình Chính phủ sửa đổi biểu giá điện bậc thang hiện hành sao cho hợp lý hơn, theo hướng vừa hỗ trợ người thu nhập thấp, vừa đảm bảo nhu cầu đời sống tăng cao hiện nay với số hộ sử dụng trên 200 kWh/tháng ngày càng tăng lên; đảm bảo hài hòa lợi ích các hộ tiêu dùng điện.
"Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm nếu có của EVN và các cơ quan liên quan. Chúng tôi cũng đề xuất Kiểm toán Nhà nước sớm nghiên cứu để đưa vào kế hoạch năm 2019 chuyên đề kiểm toán về giá điện của EVN", Phó Thủ tướng đề nghị.
Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 30/5, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội phản ánh tâm tư của cử tri cả nước về việc tăng giá điện của EVN.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết: Từ thuở khai sinh ra ngành điện Việt Nam, giá điện luôn tuân theo một quy trình bất biến là "tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi". Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng điều họ cần là sự công bằng, minh bạch và hợp lý. Kỳ tăng giá điện vừa qua có nhiều mập mờ cần phải làm rõ.
"Người dân hoàn toàn có lý khi nghi ngờ việc tăng giá điện 8,36% là không chuẩn xác bởi số tiền điện họ phải trả theo hóa đơn thực tế trong tháng đầu tiên sau khi tăng giá điện nhiều gấp đôi, gấp ba. Một số chuyên gia cho rằng, với việc chia bậc của EVN, bao gồm nguyên tắc khuyến khích tiết kiệm điện, bên có lợi vẫn là doanh nghiệp, không phải người dân", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.
Đại biểu đề nghị cho công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ để "thấy bức tranh đầy đủ về một doanh nghiệp độc quyền như EVN".
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho biết: Hiện giá điện đã được Bộ Công Thương rà soát, có sự giám sát của Chính phủ. Việc tăng giá điện mang lại tăng trưởng cho nền kinh tế, tuy nhiên những người có thu nhập thấp không đồng tình vì nó chưa đúng thời điểm.
"Đầu vào và đầu ra của ngành điện cần được xem xét kỹ để cân nhắc khi nào tăng giá và tăng ở mức nào mà người dân chấp nhận được. Ngành điện cũng không thể chủ quan nói rằng có bị lỗ hay không và việc tăng giá điện cần lựa chọn thời điểm thích hợp, đánh giá chi phí đầu vào để sản xuất ra 1 kWh điện, sau đó chuyển đổi và bán cho dân, công bằng giữa thu và chi mới tạo sự đồng thuận trong nhân dân", đại biểu Trần Tất Thế đề nghị.
Theo Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin