Thường vụ Quốc hội đồng ý sắp xếp đơn vị hành chính của Nghệ An
Sáng 17/12, tại phiên họp 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 11 tỉnh gồm: Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và việc thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông.
Trình bày báo cáo thẩm tra về các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 11 tỉnh, thành phố, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, căn cứ vào hồ sơ của 11 tỉnh trình, có 3 đơn vị hành chính cấp huyện và 24 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng Chính phủ và địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp.
Ủy ban pháp luật đề nghị ghi nhận để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với 2 trường hợp cấp huyện (huyện đảo Cô Tô và Cồn Cỏ), 16 trường hợp cấp xã. Trong số 11 tỉnh đề nghị sắp xếp lần này, số lượng các đơn vị hành chính sau sắp xếp mà chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định là khá lớn (76 đơn vị). Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ lưu ý, quán triệt trong quá trình chuẩn bị Đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải hướng dẫn địa phương xây dựng phương án bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định, tránh trường hợp phải sắp xếp tiếp trong giai đoạn sau, gây ảnh hưởng, xáo trộn, mất ổn định của đơn vị hành chính.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình Đề án của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật; đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi, với việc sáp nhập các xã thì trung tâm xã đặt ở đâu? Những tài sản liên quan tới các xã sẽ được sắp xếp như thế nào, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới ra sao? Một vấn đề nữa là tên gọi, những tên gọi cũ gắn với văn hóa lịch sử, vậy sau sáp nhập có thay đổi không?
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: “Cần phải đánh giá rõ hiệu quả của việc sáp nhập này, những tác động của việc sáp nhập tới các địa phương. Chúng ta không hợp nhất một cách cơ học và cần phải có đánh giá tác động cụ thể”.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng đặt vấn đề về việc sắp tới chuẩn bị cho Đại hội Đảng cơ sở thì các địa phương có làm kịp việc sắp xếp không? Ai là người làm báo cáo chính trị? Việc bố trí và sắp xếp cán bộ dôi dư như thế nào?
Giải trình những vấn đề đặt ra, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, theo lộ trình, Bộ đã trình Chính phủ đề án sắp xếp của 38 tỉnh, đang tiếp tục thẩm định các đề án, riêng TP. HCM và Hà Nội chưa gửi đề án về cho Bộ Nội vụ. Đối với những đơn vị chưa sắp xếp lần này, Bộ Nội vụ và liên ngành đã làm việc với địa phương để lắng nghe chính quyền giải trình thêm. Ở những huyện có sáp nhập một phần huyện kế bên mà vẫn chưa đủ thì cần xem xét.
Về giải pháp, theo ông Lê Vĩnh Tân, việc sắp xếp tối đa chỉ nên dừng lại ở 3 đơn vị hành chính, nếu vẫn không đủ tiêu chí thì thôi, bởi nếu mở rộng sắp xếp thêm cho đủ thì sẽ gây xáo trộn lớn. Đơn cử như Hà Giang, nếu nhập 3 xã làm một thì quá rộng, không thể đi được, nên chỉ sắp xếp 2 xã là tối đa.
Về cơ sở vật chất, các trụ sở cũ sau sắp xếp vẫn được sử dụng chứ không xây mới. Trong 2 - 3 xã sáp nhập vào 1 thì chọn xã nào có truyền thống văn hóa, lịch sử, có cơ sở vật chất tốt thì lấy làm trung tâm xã.
Về giải quyết cán bộ dôi dư, quá trình sắp xếp cũng được áp dụng 4 chính sách: Giải quyết chế độ thôi việc, không tái cử với cán bộ cấp xã, tinh giản biên chế, số còn lại vẫn thừa thì các địa phương tự cân đối ngân sách để trả lương sử dụng cán bộ.
“Theo quy định việc sắp xếp cán bộ công chức trong thời gian 5 năm, nhưng các địa phương chỉ đề nghị đến năm 2022 là hoàn thành. Chúng tôi sẽ khảo sát một số nơi, xem những thuận lợi khó khăn trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính” - Bộ trưởng Nội vụ cho hay.
Cuối buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với tờ trình và báo cáo thẩm tra, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, về cơ bản, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Đề án do Chính phủ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với đơn vị hành chính mà địa phương và Chính phủ đề nghị chưa sắp xếp, cần chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật. Đối với các đơn vị hành chính thành lập sau sắp xếp mà chưa đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn thì cần đảm bảo hoàn thiện đúng quy định, tránh gây xáo trộn, mất ổn định cho thời gian sau.
Kết thúc phiên họp sáng nay, UBTVQH đã tiến hành biểu quyết với tỷ lệ 100% Ủy viên UBTVQH đồng ý về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở 11 tỉnh, thành phố./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin