Trong nước

Thủ tướng: Hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân

15:40, 05/02/2020
Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV cần phải có phản ứng nhanh về kinh tế để bù đắp sự giảm sút do dịch bệnh.

Sáng nay (5/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng đầu tiên của năm 2020, phiên họp diễn ra trong bối cảnh tình hình đất nước đang phải phòng chống dịch nCoV một cách quyết liệt.

 
 Toàn cảnh cuộc họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cùng với thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì cũng phải có phản ứng nhanh về kinh tế để bù đắp sự giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Chúng ta có niềm tin mạnh mẽ về sự tiến bước của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách.

Về công tác chuẩn bị Tết và đón Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt để nhân dân đón Tết đầm ấm, vui tươi, an toàn và tiết kiệm.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu thực tế, vẫn còn tình trạng đốt pháo nổ trong dịp Tết và yêu cầu thống kê để rút kinh nghiệm vì sao tình trạng vẫn chưa giảm. Trong Tết xảy ra tình trạng mưa đá ở một số địa phương. Ngay từ mùng 1 Tết, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn công tác đến vùng bị ảnh hưởng để thăm hỏi, báo cáo về thiệt hại để yêu cầu Bộ Tài chính xuất nguồn hỗ trợ người dân.

Một điểm nóng trong dịp Tết là tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã sớm thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch và quyết liệt chỉ đạo toàn diện các giải pháp, tinh thần là “chống dịch như chống giặc”. Thủ tướng nhấn mạnh lại quan điểm là có thể hy sinh một phần tăng trưởng để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.

Thủ tướng cũng cho biết, các giải pháp phòng, chống dịch của Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), UNICEF đánh giá cao, và thực tế thời gian qua đã giúp hạn chế tối đa việc lây lan trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc. Cụ thể, cả nước phát hiện 10 trường hợp dương tính với nCoV, trong đó 3 người đã được chữa khỏi, không có ca tử vong.

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng đầu tiên của năm 2020. 

Trước thực tế dịch có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng yêu cầu, dù chống dịch như chống giặc thì vẫn phải nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Theo Thủ tướng, chúng ta không thể không có giải pháp mạnh mẽ để bảo đảm phát triển vì năm nay, chúng ta cam kết tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Trung ương, Quốc hội giao. Vì vậy, cần đặc biệt lưu ý về dịch nCoV đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu năm nay.

Dịch này sẽ tác động mạnh mẽ tới Việt Nam. Theo một số thống kê, trong 7 ngày Tết, ngành dịch vụ của Trung Quốc đã sụt giảm 144 tỷ USD, GDP có thể giảm mấy phần trăm. Với thế giới, nhiều thị trường chứng khoán giảm điểm. Với Việt Nam, các ngành hàng không, du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu giảm.

“Trong quý I/2020, chúng ta có thể giảm tăng trưởng, trước hết là tháng 1, tháng có kỳ nghỉ Tết dài ngày, mà theo nghiên cứu, ước tính ban đầu, có thể giảm tăng trưởng GDP trong quý I/2020 khoảng 1%. Nếu kinh tế Trung Quốc giảm sâu cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong bối cảnh như vậy, tinh thần và thái độ của chúng ta như thế nào, đó là câu hỏi đặt ra tại phiên họp Chính phủ hôm nay” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, lúc này chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đưa ra các giải pháp tái cơ cấu mạnh mẽ sản xuất. Các thành viên Chính phủ đưa ra các giải pháp tốt hơn với tinh thần bàn tiến không bàn lùi. Sự chậm trễ của các bộ, ngành, địa phương phải được khắc phục sớm hơn để thúc đẩy phát triển.

 
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc. 

Thủ tướng cho rằng, có thể nói, những người chống dịch là những chiến sĩ xung kích bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, những người sản xuất, kinh doanh để tăng cường bù đắp sự thiếu hụt cho nền kinh tế cũng là những người dũng cảm tiên tiến. Chúng ta cương quyết và có biện pháp mạnh mẽ không để giảm sâu tăng trưởng trong điều kiện có thể. Chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Vì vậy, phải thích ứng với tình hình hiện nay trong phát triển kinh tế để biến “bại” thành “thắng”, vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục, đưa nền kinh tế tiến bước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân là một yêu cầu để thảo luận tại phiên họp.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, cần khắc phục cho được các bất cập, tồn tại như giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các công trình xây dựng cơ bản lớn, vấn đề chuyển hướng thị trường, cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, thị trường du lịch, tái cơ cấu ngành hàng không… Thủ tướng cho biết, thực tế là nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài rất hăng hái trong phát triển kinh tế. Tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua đã có dự án đầu tư gần 1 tỷ USD. Tổng mức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt kỷ lục. Ở Hải Dương, đã có những giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn lớn. Nhiều doanh nghiệp mới tiếp tục được thành lập.

Thủ tướng nhấn mạnh, một không khí chống dịch tích cực, một phong trào phát triển sản xuất kinh doanh mạnh mẽ trong bối cảnh mới cần được thảo luận tại phiên họp. Chống dịch quyết liệt nhưng không được hoang mang, dao động.

Theo VOV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện