Trong nước

Chủ động, đồng bộ trong công tác phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại

18:39, 15/05/2020
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Công tác phòng chống thiên tai phải được chủ động, đồng bộ, từ đó mới giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chiều nay (15/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến tòa quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các Sở, ban ngành dự hội nghị.

Năm 2019, thiên tai trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường với tổng số 600 đợt thiên tai quy mô cấp quốc gia và khu vực.  Trong nước, thiên tai còn diễn ra với mức độ dị thường, như mưa to lịch sử gần 1.200mm tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang từ ngày 01-09/8; hơn 700mm/24h tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trong tháng 10/2019, gây ngập lụt nghiêm trọng. 

Đợt mưa tháng 10/2019 gây ngập nghiêm trọng tại TP Vinh, Nghệ An.

Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường với nhiều trận dông lốc, mưa đá, đặc biệt ngay cuối tháng tư, nhiệt độ tại Hà Nội xuống còn 16,5 độ, thấp nhất 50 năm gần đây. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tính đến hết tháng 04/2020, thiên tai đã làm 11 người chết và mất tích, trên 44.000 nhà bị sập, hư hại, hơn 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng. 

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Nghệ An.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Nghệ An.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả trong công tác phòng, chống thiên tai trong năm 2019. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, công tác phòng chống thiên tai phải được chủ động, đồng bộ, từ đó mới giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra. Các cấp ủy chính quyền phải có phương án cụ thể để ứng phó, và xem việc phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên liên tục, vừa trước mắt, vừa lâu dài.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống thiên tai là chủ động, kịp thời, hiệu quả bảo vệ được sự phát triển kinh tế của đất nước. Thủ tướng đã nói đến tầm quan trọng của phương án 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai. Trong đó, các đơn vị vũ trang là lực lượng chủ công trong công tác phòng, chống và ứng cứu, cũng như đảm trách giúp dân, không để dân phải đứt bữa, chịu đói, chịu khát.

Nói đến  công tác truyền thông, báo chí, công tác dự báo, Thủ tướng Chính phủ cho rằng những lĩnh vực này có một vai trò rất quan trọng. Đưa tin nhanh, cảnh báo sớm, dự báo đúng sẽ hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì vậy, việc tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai trong cộng đồng dân cư phải được thực hiện thường xuyên.

Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ ngành, các địa phương cần nâng cao chức năng, nhiệm vụ, phân phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm cho từng thành viên, đồng thời rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực tham mưu chỉ đạo, hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật đồng bộ, hiệu quả, trong công tác phòng, chống thiên tai; Quan tâm hơn đến việc nghiên cứu khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai.

Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng rà soát phương án huy động lực lượng ứng phó thiên tai, sẵn sàng vật tư, triển khai phương án 4 tại chỗ để không để bị động, bất ngờ. 

Thủ tướng còn đề cập đến nguyên nhân sạt lở bờ sông liên tục xảy ra do việc buông lỏng quản lý của chính địa phương để hành vi khai thác cát bừa bãi, không được ngăn chặn.

Thủ tướng nhắc lại nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020 xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Vì vậy, các địa phương triển khai nâng cấp hệ thống đê điều, tránh tư tưởng chủ quan, đảm bảo an toàn cao nhất cho người dân khi có bão lũ, thiên tai./.

Nguyễn Nam - Trường Ca

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện