Trước khi thảo luận, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em".
Toàn cảnh phiên họp ngày 27/5 tại điểm cầu Trung ương. (Ảnh cắt clip) |
Theo đó, từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, Đoàn giám sát đã yêu cầu Chính phủ, 14 Bộ, ngành và các địa phương báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Kết quả giám sát cho thấy, tất cả trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí; gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng mở rộng; 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo, và khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
Tuy nhiên, qua giám sát còn một số bất cập, cụ thể: Trong 2 năm 2017-2018 có đến 5.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó 80% bị xâm hại tình dục. Thủ phạm của những vụ việc này đa số vẫn là người thân, người quen, hàng xóm… Theo nhận định, số lượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn đang còn rất lớn với thủ đoạn tinh vi, phức tạp và khó lường. Trong khi đó, việc ban hành văn bản pháp luật chưa kịp thời, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em còn nhiều hạn chế.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền phát biểu ý kiến. |
Phần thảo luận đã có nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập, thậm chí ngay tại gia đình, nhưng không bị tố giác. Đặc biệt, nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác vì một số lý do nào đó.
Toàn cảnh phiên họp tại điểm cầu Nghệ An. |
Để nâng thực thi chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đúng hướng, đạt yêu cầu, các đại biểu đã kiến nghị Quốc hội nên có giải pháp tổng thể, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, đảm bảo an toàn cao nhất cho trẻ em.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh cắt clip) |
Kết thúc phần thảo luận, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp thu và phân tích thêm một số đề được Quốc hội quan tâm. Đồng thời cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hành pháp, cũng như nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin