Trong nước

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Ngăn ngừa cán bộ không đủ tiêu chuẩn vào Trung ương

15:08, 26/05/2020
Ban chỉ đạo tập trung vào công tác nhân sự của Đại hội, điều tra xác minh rõ ràng từng trường hợp nếu có đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Sáng 26/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 17 đến nay và một số nội dung quan trọng khác.

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng họp sáng 26/5
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng họp sáng 26/5

Tập trung điều tra, xử lý 5 vụ án

Từ sau phiên họp thứ 17 đến nay, mặc dù trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban chỉ đạo, Thường trực Ban chỉ đạo nên công tác phòng chống tham nhũng nói chung, công tác phát hiện xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo nói riêng tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kết thúc 1 vụ việc, kết thúc điều tra 8 vụ án với 49 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 4 vụ án với 30 bị can, hoàn thành xét xử sơ thẩm 6 vụ án với 17 bị cáo, xét xử phúc thẩm 3 vụ án với 34 bị cáo, thu hồi 7.600 tỷ đồng, tạm giữ, kê biên, phong toả tài khoản, ngăn chặn giao dịch các tài sản có trị giá hơn 773 tỷ đồng, 2,23 triệu đô la Mỹ, 34 bất động sản, 5 ô tô và nhiều tài sản khác.

Đặc biệt là đã khẩn trương đưa ra xét xử một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Xét xử phúc thẩm vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại công ty Hải Thành, Quân chủng Hải quân liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; Xét xử sơ thẩm vụ án "Nhận hối lộ" xảy ra tại Chi nhánh Lũng Lô miền Nam, Công ty Lũng Lô; Xét xử phúc thẩm vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ" xảy ra tại Tổng công viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan; Xét xử phúc thẩm vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Xét xử phúc thẩm vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng "phí xảy ra tại Thành phố Đà Nẵng.

Cùng với đó, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu phục vụ điều tra xử lý các vụ ván, vụ việc; Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỉ luật đối với 1 Uỷ viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 2 người nguyên Thứ trưởng có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

Xác định nhiệm vụ thời gian tới còn rất nặng nề, Thường trực Ban chỉ đạo đề nghị, các cấp uỷ, tổ chức Đảng cùng với việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19, phát triển KTXH và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, cần tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế.

Trong đó cần tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh kịp thời các sai phạm của các tổ chức cá nhân liên quan trong các vụ án: Vụ án "Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan; vụ án "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan; Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri); Vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Phát biểu kết luận phiên họp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng biểu dương các thành viên Ban chỉ đạo, các cơ quan chức năng hoàn thành đúng tiến độ các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhất là trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp.

Ngăn ngừa cán bộ không đủ tiêu chuẩn vào Trung ương

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý công việc từ nay đến cuối năm còn rất nhiều do đó không được lơ là chủ quan, tinh thần là phải tiếp tục đẩy mạnh duy trì, thậm chí mạnh hơn lúc bình thường bởi đây cũng chính là mong muốn của đông đảo cán bộ Đảng viên và Nhân dân.

Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, tiến tới có báo cáo tổng kết về công tác phòng chống tham nhũng trong cả nhiệm kỳ, để kịp thời biểu dương, động viên, rút kinh nghiệm, tạo không khí phấn khởi trong toàn Đảng toàn dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu tại cuộc họp
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu tại cuộc họp

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị, các thành viên Ban chỉ đạo tập trung vào công tác nhân sự của Đại hội điều tra xác minh rõ ràng từng trường hợp nếu có đơn thư khiếu nại, tố cáo để kịp thời báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chọn cho được những người đủ đức, đủ tài và ngăn ngừa những trường hợp không đủ tiêu chuẩn vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khoá tới; khi xem xét cần nhấn mạnh quan điểm hoàn cảnh lịch sử cụ thể, có chính sách khuyến khích những người làm việc sáng tạo, những người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, hay nói cách khác “phải có con mắt tinh đời”.

Cũng tại phiên họp, Thường trực Ban chỉ đạo đã cho ý kiến đối với Đề án sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc số 07 ngày 9/4/2013 của Ban Chỉ đạo; báo cáo kết quả kiểm tra về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến dấu hiệu tội phạm vê trật tự quản lý kinh tế, chức vụ tại một số cấp uỷ, tổ chức Đảng và cơ quan chức năng theo Kế hoạch số 222 ngày 26/9/2019 của Ban Chỉ đạo; cụ thể hoá, thể chế hoá quan điểm xử lý đối với các hành vị sai phạm trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp xảy ra thời gian trước đây và thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với 3 vụ án, 1 vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã được giải quyết theo quy định của pháp luật./.

Theo VOV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện