Sáng nay 3/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, lãnh đạo một số địa phương tại các đầu cầu trực tuyến. Nêu rõ, thời gian đầu tháng 8 này mang tính quyết định việc dịch COVID-19 có bùng phát hay không, Thủ tướng yêu cầu mọi cấp, mọi ngành phải tập trung sức để phòng, chống dịch.
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 |
Về các sự kiện lớn của đất nước trong tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ, nhiều hoạt động lớn từ trung ương đến địa phương được tổ chức chu đáo, được nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền ủng hộ, đánh giá cao.
Trong tháng 7 đã xuất hiện trở lại nhiều ca nhiễm Covid-19, đã xuất hiện một số ca tử vong. Các Thành phố Đà Nẵng, Hội An, Buôn Mê Thuột và một số nơi đã phải tiến hành giãn cách, cách ly xã hội.
Ngay sau dịch xảy ra, Thường trực Chính phủ đã có nhiều phiên họp để chỉ đạo chống dịch với tinh thần thần tốc, kiên quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lý các ổ dịch. Dịch lần hai phức tạp nên phương châm Chính phủ đưa ra là tiếp tục “chống dịch như chống giặc”. Mỗi gia đình, thôn, bản, làng, xóm là một pháo đài chống dịch. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh. Theo đó, các lực lượng cần thiết đã được huy động, tăng cường các đội tinh nhuệ vào hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh: Thời gian đầu tháng 8 quyết định việc dịch có bùng phát hay không. |
Trong bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ vẫn đưa ra chủ trương lớn, triển khai quyết liệt là không để đứt gãy nền kinh tế. Thủ tướng đã làm việc với nhiều vùng kinh tế như miền Trung, Tây nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL cũng như nhiều địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.
Phân tích về tác động của tình hình thế giới đến việc thực hiện mục tiêu kép của nước ta, Thủ tướng cho biết, kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái do Covid-19, trong đó có nhiều đối tác chiến lược của nước ta. Trong quý 2, kinh tế Mỹ giảm sâu 33% so với quý 1. EU giảm 12,1%. Trong khi đó, cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn diễn ra mạnh mẽ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự thế giới, trong đó có biển Đông. Trong bối cảnh đại dịch, các nước đều tung ra các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ thất nghiệp, nền kinh tế…
Tuy vậy, những định chế tài chính lớn đều đánh giá khá lạc quan về Việt Nam. Ngày 30/7 vừa rồi Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19, nhưng vẫn chịu đựng tốt và sẽ tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới năm nay với mức tăng 2,8% năm 2020 và tăng 6,8% trong năm tới. Tạp chí Nhà Kinh tế nhận định, Việt Nam là nơi trú ẩn ưa thích của nhiều nhà đầu tư, đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong nước, Thủ tướng đánh giá, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định. Công nghiệp, nông nghiệp đều đạt khá. Kích cầu nội địa thuận lợi. Đầu tư công đang đạt kết quả tích cực. Tháng 7 là tháng đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân khá tích cực, trong đó đăng ký đầu tư nước ngoài mới tăng 14,4%, giải ngân 10,1 tỷ USD. Tháng 7 cũng đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ về số doanh nghiệp thành lập mới. Trước khi dịch xuất hiện trở lại, tiêu dùng nội địa, nhất là dịch vụ du lịch, rất sôi động. Cả trước và sau dịch, xã hội được giữ vững ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân, số hộ thiếu dói giảm 74,9%. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, đối ngoại đều được đảm bảo. Thủ tướng có nhiều cuộc điện đàm quan trọng với lãnh đạo các nước, các đối tác lớn như EU, New Zealand, sắp tới là Thủ tướng Nhật Bản, thảo luận về mối quan tâm của quốc tế với Việt Nam cũng như các biện pháp hợp tác song phương.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận về biện pháp giữ được số doanh nghiệp đăng ký mới không đổ gãy. |
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thủ tướng nhấn mạnh, nước ta luôn vững vàng trước khó khăn, không có chuyện bị động, bất ngờ, lúng túng xảy ra, ngay cả với dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận về biện pháp giữ được số doanh nghiệp đăng ký mới không đổ gãy trong bối cảnh đại dịch, nhất là ở các trung tâm kinh tế lớn.
Trong quý 2 và nửa đầu năm nay có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do Covid-19, 2,4 triệu mất việc, tỷ lệ thất nghiệp cả nước tăng 2,73%, khu vực thành thị tăng 4,46%, khoảng 17 triệu người giảm thu nhập do Covid-19. “Máu chảy ruột mềm”, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức đưa rất nhiều công dân Việt Nam về nước. Con số này cũng ảnh hưởng đến phòng chống dịch bệnh và chỉ số thất nghiệp của nước ta. Do đó đây là vấn đề cần rất được quan tâm, tạo ổn định xã hội.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan trong phòng, chống dịch; không được để dịch bùng phát trên quy mô lớn. Do đó tinh thần là dồn mọi nguồn lực xử lý các ổ dịch, nhất là tại Đà Nẵng, là rất trọng tâm. Nêu rõ, thời gian đầu tháng 8 này mang tính quyết định việc dịch có bùng phát hay không, Thủ tướng yêu cầu mọi cấp, mọi ngành phải tập trung sức để phòng, chống.
Thủ tướng cho biết đã có công thư gửi các bộ trưởng về kinh tế xã hội, yêu cầu các Bộ trưởng có biện pháp cụ thể, thiết thực, báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số chủ tưởng mới để có định hướng rõ hơn từ nay đến cuối năm và năm 2021. Trong đó có việc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện các gói cứu trợ 62 nghìn tỷ.
Cùng với việc yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành nêu các giải pháp ứng phó kịp thời của bộ, ngành mình trước đại dịch Covid-19 để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo vấn đề mà dự luận xã hội rất quan tâm, đó là phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp PTTH, dự kiến tổ chức thi từ 8-10 tháng 8 này. Trong đó phải nêu biện pháp để đảm bảo kỳ thi an toàn, tốt đẹp, tạo sự yên tâm cho học sinh và phụ huynh.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành thảo luận về việc tận dụng thời cơ đối với đất nước khi từ ngày 1/8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực; hay vấn đề đầu tư quốc tế đang dịch chuyển, liệu có phải là thời cơ của chúng ta không?!.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin