Theo đề án, 3 xã Nam Trung, Nam Phúc, Nam Cường, huyện Nam Đàn được sáp nhập thành xã Trung Phúc Cường. Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân 3 xã. Sau sáp nhập, xã mới sẽ thuận lợi cho việc quy hoạch phát triển kinh tế vùng, hình thành các mô hình kinh tế lớn trong chăn nuôi, trồng trọt và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
“Qua nắm bắt tư tưởng thì nhân dân đồng thuận rất cao. Người dân mong muốn sau sáp nhập bộ máy sớm ổn định và nâng cao được phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Trọng Nam – Bí thư Chi bộ xóm De Đình, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn chia sẻ.
Ông Lê Trọng Lương – Bí thư Đảng ủy xã Nam Trung, huyện Nam Đàn cũng kiến nghị: Sắp xếp cán bộ giữa các xã phải hài hòa, đồng thời giải quyết cho cán bộ dôi dư nhanh gọn.
Nam Đàn là huyện đứng thứ 2 của tỉnh có số đơn vị cấp xã phải sáp nhập nhiều nhất, 8 đơn vị cấp xã sẽ sáp nhập thành 3. Bên cạnh việc sắp xếp đội ngũ cán bộ như thế nào cho hợp lý, huyện đang xây dựng phương án sử dụng cơ sở vật chất như trụ sở làm việc của xã, trường học, trạm xá... đảm bảo phù hợp và không lãng phí sau sáp nhập.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Sỹ Kiệt – Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Đàn cho biết: Trong kế hoạch triển khai của huyện xác định rõ các nội dung cần làm. Cụ thể là phương án bố trí cán bộ công chức, viên chức; Bàn giao trụ sở mới; Đảm bảo hài hòa kinh phí hoạt động.
Huyện Hưng Nguyên là địa phương có số xã phải tiến hành sáp nhập nhiều nhất của tỉnh. Với các bước chuẩn bị của huyện thì việc sáp nhập sẽ cơ bản thuận lợi, tuy nhiên việc sắp xếp xã trong giai đoạn chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 đã và đang đặt ra không ít khó khăn. Ban thường vụ Huyện ủy đang tăng cường các giải pháp để làm sao công tác sáp nhập không ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong năm 2020.
Nói về giải pháp trong thực hiện sáp nhập xã, ông Hoàng Văn Phi – Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên cho biết: BTV Huyện ủy Hưng Nguyên xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng rất khó khăn nhưng phải dứt điểm theo đúng lộ trình. Huyện đã triển khai các giải pháp: Tiếp tục rà soát lại khối lượng công việc theo quy trình để hoàn chỉnh trong thời gian sớm nhất; quán triệt tinh thần cho cán bộ, đảng viên ở các địa phương thực hiện sáp nhập.
Theo đề án, sau sáp nhập, toàn tỉnh sẽ giảm 20 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay, xuống còn 460 đơn vị. Cùng với việc xây dựng phương án sắp xếp, bố trí cán bộ công chức, người hoạt động chuyên trách, cơ sở vật chất đảm bảo hợp lý thì các cấp ngành liên quan cần chủ động triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ do thay đổi tên gọi đơn vị hành chính./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin