Trong tỉnh

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025

09:33, 31/07/2020
Sáng 31/7, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc với sự tham dự của 228 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 5.600 Đảng viên đến từ 47 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn huyện. Mục tiêu lớn nhất mà Đại hội Đảng bộ Kỳ Sơn đặt ra là quyết tâm thoát khỏi huyện nghèo, phát triển bền vững.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ.

Dự và phát biểu tại Đại hội, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cũng xác định: nhiệm vụ lớn nhất đặt ra đối với Đảng bộ Kỳ Sơn phải giữ cho được 3 yên, đó là: yên dân, yên địa bàn và yên biên giới.

Cùng dự có một số đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đại diện thiếu nhi huyện Kỳ Sơn tặng hoa chào mừng đại biểu dự Đại hội.

Kỳ Sơn là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, là vùng đất “phên dậu” phía Tây của Tổ quốc với hơn 203 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống từ lâu đời.

Toàn cảnh đại hội.
Toàn cảnh đại hội.

Trong nhiệm kỳ qua, kinh tế Kỳ Sơn tiếp tục có bước phát triển tích cực, sản xuất nông nghiệp đã bước đầu có những hướng đi mới, phát huy thế mạnh của địa phương như: trồng dược liệu, phát triển mạnh đàn gia súc…Thương mại, dịch vụ phát triển hơn, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được phân phối, lưu thông đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Các chính sách xóa đói, giảm nghèo, chính sách dân tộc, miền núi được triển khai tích cực, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, giảm rõ rệt tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm.

Đồng chí Vi Hòe - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn phát biểu tại Đại hội.

Các hoạt động đối ngoại Đảng, đối ngoại chính quyền, đối ngoại nhân dân với các địa phương của nước bạn Lào có chung đường biên giới được duy trình thường xuyên. Sự ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, giữ yên biên giới của Kỳ Sơn trong thời gian qua có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, tạo thuận lợi để tỉnh có điều kiện tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả đó cũng là tiền đề, động lực to lớn để huyện tiếp tục phát triển toàn diện hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh báo cáo tại Đại hội.

Tiếp tục kế thừa những thành quả đã đạt được, đại hội Đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ XXIII đặt ra mục tiêu: phấn đấu đưa Kỳ Sơn sớm thoát khỏi huyện nghèo và phát triển bền vững. Đây là mục tiêu khó nhưng thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của huyện.

Theo đó, giai đoạn 2020-2025, Kỳ Sơn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 6-7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 35-40 triệu đồng; xây dựng thành công thêm 3 xã và 30 bản đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng mới từ 2-4 vùng chuyên canh nông nghiệp, dược liệu, từ 2-3 chỉ dẫn địa lý sản phẩm; tỷ lệ hộ nghèo đến 2025 giảm còn 29-32%...

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đánh giá cao những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Kỳ Sơn đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Nhấn mạnh: Kỳ Sơn là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh với hơn 203 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, Bí thư Tỉnh ủy đồng thời chỉ rõ: nhiệm vụ lớn nhất đặt ra đối với Đảng bộ Kỳ Sơn là phải giữ cho được 3 yên, đó là: yên dân, yên địa bàn và yên biên giới. 

"Để yên dân trước hết phải chú ý đến dân sinh, chăm lo nâng cao đời sống của nhân dân. Kỳ Sơn phải dày công đánh giá một cách khoa học, bài bản, sát thực tiềm năng, lợi thế của mình để tìm giải pháp phát triển kinh tế hiệu quả, xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững. Thời gian qua, huyện đã có hướng tiếp cận phát triển rất tích cực, cần tiếp tục trăn trở, theo đuổi, đeo bám, quyết liệt để thực hiện thành công. Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, phát huy hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp hiện có, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi và phát triển hợp lý diện tích trồng cây lâm nghiệp lâu năm, cây dược liệu gắn với liên kết chế biến, bao tiêu sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển kinh tế gia trại, trang trại, nhất là nuôi, trồng các cây, con đặc sản, đặc hữu có giá trị hàng hóa cao" - Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, cùng với dân sinh là dân trí. Phải chăm lo giáo dục, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Kỳ Sơn là địa phương được thụ hưởng nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình dự án cho khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, phải chú trọng thực hiện tốt dân chủ, thường xuyên rà soát, tăng cường quản lý, kiểm tra, đánh giá hiệu quả các chính sách, tránh hiện tượng trục lợi, làm méo mó chính sách, gây thất thoát, lãng phí và bất bình trong nhân dân. Cùng với yên dân là phải yên địa bàn. Trong đó đặc biệt chú trọng vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Tăng cuờng đối thoại trực tiếp với nhân dân, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở, không để hình thành điểm nóng. Để yên biên giới, phải tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Làm sao để mỗi người dân nơi biên giới thực sự là tai mắt, là nguồn tin tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm. Đồng thời, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn cần tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt với các địa phương giáp biên giới của nước bạn Lào. 

Muốn thực hiện tốt các nhiệm vụ trên cần phải chăm lo công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Đối với huyện Kỳ Sơn nhiệm vụ này lại càng đặc biệt quan trọng bởi trong điều kiện làm việc còn thiếu thốn đủ bề, nhiều cán bộ ở miền xuôi lên công tác gặp khó khăn về giao tiếp, phong tục, tập quán với đồng bào, một số cán bộ ở cơ sở còn cục bộ địa phương, dân tộc, dòng họ; nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ngại vươn lên. Mỗi cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu của huyện Kỳ Sơn phải có tinh thần vượt khó, tiến công mạnh mẽ, trăn trở, dám nghĩ, dám làm, tận tâm phục vụ, tận tụy cống hiến, lan tỏa tinh thần, ý chí, khát vọng vươn lên trong toàn Đảng bộ và nhân dân để đưa Kỳ Sơn sớm thoát khỏi huyện nghèo, phát triển bền vững' -  Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý yêu cầu.

 
 
Đại hội bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ 23.

Cùng với tập trung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ qua, thảo luận và quyết định các nhiệm vụ, mục tiêu nhiệm kỳ mới, Đại hội Đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ 23 còn tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội 13 của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19. Tiếp đó, Đại hội cũng đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ 23 với 36 đồng chí.

Ra mắt
Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kỳ Sơn khóa 23.

Tại phiên làm việc thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã bầu 10 đồng chí vào Ban Thường vụ Huyện uỷ khoá 23. Đồng chí Vi Hoè được Ban Chấp hành Đảng bộ tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức Bí thư Huyện uỷ nhiệm kỳ 2020 -2025. Các đồng chí: Lỳ Bá Thái và Nguyễn Hữu Minh được bầu tiếp tục giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện uỷ. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kỳ Sơn nhiệm kỳ 2020 -2025 cũng đã bầu Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ gồm 5 đồng chí. Đồng chí Cụt Thị Nguyệt được bầu tiếp tục giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ khoá mới.

Xuân Hướng - Cảnh Toàn

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện