16:27, 05/04/2018
Những năm gần đây, diện tích trồng keo của huyện Con Cuông không ngừng tăng lên, kéo theo lượng lao động làm nghề thu hoạch keo thuê ngày càng đông. Tuy vất vả nhưng công việc mang lại nguồn thu nhập đáng kể, tạo công ăn việc làm những lúc nông nhàn cho hàng trăm lao động địa phương.
|
Thời điểm này, dọc theo một số tuyến đường ở các xã Mậu Đức, Đôn Phục… của huyện Con Cuông, dễ dàng bắt gặp từng nhóm người cặm cụi thu hoạch keo ở những triền đồi, núi. |
|
Mỗi nhóm từ 6 – 8 người (bao gồm cả đàn ông và phụ nữ) thu hoạch keo từ công đoạn cưa, bóc vỏ và khuân vác lên xe tải. Tất cả các công đoạn đều được làm bằng sức người. |
|
Ông Hà Văn Thuận ở bản Thanh Đào, xã Bồng Khê cho biết: “Nhóm của ông đã gắn bó với công việc bóc keo khoảng 5 năm nay. Không kể nắng mưa, cả nhóm vẫn phải lặn lội vào rừng bóc vỏ keo để kiếm tiền. Không chỉ nhận khai thác thuê trong huyện, nhóm của ông còn đi sang các huyện lân cận rồi vào tận Quảng Bình, Quảng Trị để bóc thuê tùy vào chủ thu mua”. |
|
Công việc vất vả bởi phần lớn keo được trồng ở triền đồi, núi. Hơn nữa sau khi bóc vỏ, thân keo trơn, dễ bị trượt chân hoặc thân cây va vào người bị bầm tím, chảy máu. Trung bình mỗi ngày thu nhập của mỗi người trong nhóm từ 200.000 – 300.000 đồng. |
|
Theo chia sẻ của chị Ngân Thị Thúy ở bản Thanh Đào đã gắn bó với nghề bóc keo 5 năm nay, công việc phải bắt đầu từ mờ sáng đến chập tối, cũng có khi, những nhóm người đi thu hoạch keo phải dựng lều tạm để ở từ 5 ngày, có khi gần nửa tháng mới về nhà để thuận tiện cho công việc. |
|
Tuy vất vả nhưng công việc mang lại nguồn thu nhập đáng kể, tạo công ăn việc làm những lúc nông nhàn cho hàng trăm lao động địa phương./. |
Bá Hậu