Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. (Ảnh tư liệu) |
Đường tới Dinh Độc lập
Chúng tôi gặp cựu chiến binh Trần Văn Chương trong căn nhà nhỏ ở phường Lê Mao, thành phố Vinh. Ông nguyên là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Ít ai biết được ông là một trong những người may mắn có mặt ở dinh Độc Lập vào đúng thời khắc lịch sử của dân tộc cách đây 45 năm.
Cựu chiến binh Trần Văn Chương chụp ảnh cùng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhân dịp trở lại thăm chiến trường xưa. |
Tháng 3/1975, sau khi Buôn Ma Thuột được giải phóng, theo trục đường 21 các đơn vị của Sư đoàn 10 trong đó có đơn vị của ông Chương được lệnh tiến xuống giải phóng Nha Trang, Khánh Hòa. Sau thời gian chuẩn bị đến ngày 11/4 rời Cam Ranh hành quân vào Tây Bắc Sài Gòn.
“Từ ngày 26 đến 28/4, Đảng ủy Trung đoàn tiến hành Hội nghị quân chính xác định tư tưởng chỉ đạo tác chiến lúc đó là “Mạnh bạo chắc thắng, đánh mạnh, nắm vững thời cơ, thọc sâu, phát triển nhanh, đánh hiểm, đánh thắng, dứt điểm nhanh”. Tiểu đoàn 1 có nhiệm vụ đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 5 không quân, sẵn sàng phát triển đánh chiếm Bộ tổng tham mưu Ngụy. Bộ đội luyện tập lên xuống xe, nhận cấp phát quân trang, các vật chất cá nhân”, ông Chương chia sẻ.
Theo thời gian hiệp đồng 6 giờ 30 phút ngày 29/4, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Đức Cẩm đơn vị bắt đầu xuất phát. Các phân đội lần lượt cơ động vượt qua trạm điều chỉnh của quân đoàn. Theo đường công binh cắm lộ tiêu tiến về Phú Hà Đông. Quá tình tiến công gặp phải sự chống trả quyết liệt của địch. Buộc đơn vị vừa hành quân vừa triển khai đội hình chiến đấu. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ Trung đoàn 28 đã loại bỏ toàn bộ địch và làm chủ Phú Hà Đông.
Đến trưa 29/4 các đơn vị của trung đoàn đang phát triển chiến đấu theo đường 15 tiến về Hóc Môn đến cầu Sáng khi chiếc xe tăng thứ 3 vừa qua thì cầu bị gãy. Tình huống ngoài dự kiến nên toàn bộ đội hình phải dừng lại bố trí hai bên cầu sẵn sàng đánh địch phản kích. Nhận thấy không còn thời gian cho công binh sữa cầu. Được lệnh của trên toàn bộ đội hình quay lại đi theo đường số 8 ra đường 1B để tiến nhanh về Hóc Môn. Đến 18 giờ, toàn bộ đội đơn vị đến ngã tư Quang Trung thì dừng lại triển khai đội hình chiến đấu và tiến hành trinh sát đường đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Khi sân bay Tân Sơn Nhất được đánh chiếm, trung đoàn được lệnh phải nhanh chóng cơ động theo đường 1B thọc sâu đánh chiếm Bộ tổng tham mưu Ngụy.
“Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 1 là đánh vào sở chỉ huy của Sư đoàn 5 không quân và Bộ tổng tham mưu Ngụy. Nhưng do quá trình cơ động bị mất liên lạc với lực lượng phía trước của Trung đoàn nên chúng tôi phải nhờ một du kích nữ trong nội thành dẫn đường. Có lẽ, do hiểu sai nơi đến nên nữ du kích đã dẫn chúng tôi tiến vào dinh Độc Lập. Đến đây nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới trên nóc nhà, rất đông lính Ngụy ngồi la liệt ngoài sân, nhiều đơn vị của ta đã có mặt ở đó đang áp tải và phân loại tù binh. Biết được đất nước đã được giải phóng. Tất cả cán bộ, chiến sĩ ôm khóc trong niềm vui sướng và hạnh phúc mà quên mất mình đang bị lạc đường. Sau này, khi về đơn vị chúng tôi mới biết cùng thời điểm đó lực lượng của đơn vị đã chiếm được mục tiêu”, ông Chương xúc động nhớ lại.
Trên đường tới Dinh Độc Lập những người lính như ông chương đã phải thức suốt bao đêm để hành quân thần tốc, đêm đầu tiên của ngày chiến thắng họ đã thức cả đêm dài để tâm sự, chia sẻ những dự định về tương lai sau ngày thống nhất.
“Đến đây kỷ niệm về những ngày chiến đấu cùng nhau lại ùa về, nghĩ thương những người đồng đội hy sinh trước giờ chiến thắng. Suy nghĩ không biết ở nhà bố mẹ, vợ con, anh em đang làm gì khi chứng kiến ngày đất nước thống nhất, những người lính đã chia sẻ với nhau địa chỉ quê quán để sau này hẹn tìm về nhà nhau, cùng tìm về những nơi mình đã đi qua trong cuộc chiến tranh để gặp lại bà con, nhân dân đã cưu mang, nuôi dưỡng mình, tìm lại đồng còn nằm nơi chiến trường ác liệt”, cựu chiến binh Trần Văn Chương chia sẻ.
Cùng đồng đội đến ngày chiến thắng
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ở cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn, căn cứ Đông Dù được quân đội Việt Nam Cộng hòa ví như “cánh cửa thép” để vào trung tâm Sài Gòn.
Cựu chiến binh Nguyễn Thế Đào nhớ lại: Ở đây địch bố trí Sư đoàn 25 Ngụy do tên chuẩn tướng Lý Long Bá chỉ huy. Trước sự tấn công mạnh mẽ của quân và dân ta địch vẫn ngoan cố, chống cự quyết liệt. Lý Tòng Bá huênh hoang dùng chiến thuật tâm lý chiến, qua phát thanh tuyên bố “Các anh em binh sĩ yên tâm, Việt cộng chỉ toàn ăn rau muống thì làm ăn được gì ta”.
Lúc này, Trung đoàn 48 Sư đoàn 320 được giao nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu của Sư đoàn 320 có nhiệm vụ thọc sâu đánh chiếm căn cứ Đông Dù tạo bàn đạp cho đơn vị bạn tiến vào nội thành. 23 giờ tối ngày 28/4/1975 Trung đoàn 48 tiếp cận vị trí Đồng Dù, tổ chức trinh sát địa hình, triển khai bố trí lực lượng chuẩn bị tiến công. Dự báo trận đánh sẽ ác liệt, khó khăn vì địch quyết tâm tử thủ, Trung đoàn trưởng Lê Quang Bình gọi tôi giao nhiệm vụ khẩn trương, nhanh chóng xây dựng, bố trí trạm phẫu xong trước 5 giờ sáng để sẵn sàng vận chuyển, cứu chữa thương binh.
“Lúc đó đơn vị cách địch khoảng 400m, phía sau là trận địa pháo của ta, nên mọi hoạt động xây dựng trạm phẫu đều hết sức bí mật. Trong đêm tối chúng tôi dùng sỏi, đá nhỏ ném ra xung quanh, nơi nào phát ra tiếng “bõm” để phát hiện nguồn nước, rất may có nhiều nước mưa sót lại ở các hố bom. Nhờ có hố bom mà các hầm phẫu, hầm chứa thương binh được xây dựng nhanh hơn. Từng đường cơ động, các chốt tiếp nhận thương binh đều được ngụy trang, che chắn kín đáo. Đến 3 giờ sáng thì trạm phẫu hoàn thành sẵn sàng cho trận đánh”. ông Đào hồi tưởng lại.
5 giờ sáng ngày 29/4/1975 hỏa lực của Trung đoàn 48 và Sư đoàn 320 hướng thẳng vào căn cứ Đông Dù đồng loạt nổ súng. Đến 7 giờ tất cả mục tiêu của địch đều được chế áp, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh xung phong. Gặp phải sự chống trả quyết liệt của địch nên bộ phận tải thương, thu dung, điều trị của đơn vị không thể để đưa thương binh, tử sỉ ra ngoài cứu chữa được. Phải đến 8 giờ 30 phút các bộ phận mới đưa được một số thương binh ra cứu chữa, đến 10 giờ số lượng thương binh, tử sĩ lên đến 461 người, trong đó có 61 chiến sĩ đã hy sinh. Lúc này, đơn vị chỉ có 4 bác sĩ, 10 y tá và 5 y sĩ. Để giải quyết tình hình trên đòi hỏi người chiến sĩ quân y phải thật sự bình tĩnh, tỉnh táo, sắp xếp, phân loại tình trạng vết thương phải chuẩn xác để xử trí đúng và kịp thời là cực kỳ quan trọng. Nó quyết định đến tính mạng của thương binh và các bước điều trị tiếp theo.
“Chúng tôi làm việc liên tục, bộ phận nào vào vị trí bộ phận đó để dốc sức điều trị cho đồng đội. Lúc đó, cứ nghĩ chiến thắng đang đến gần, không thể để anh em bị thương phải hy sinh trước ngày chiến thắng, để họ về đoàn tụ với gia đình, để chứng kiến niềm vui của cả dân tộc. Nhiều cán bộ đơn vị không ngại hiểm nguy băng mình trước làn đạn của kẻ thù đi lấy nước, vác củi, làm bàn mổ, đào thêm hầm cứu chữa thương binh, nhiều người trong số họ đã hy sinh khi chiến thắng chỉ còn vài tiếng đồng hồ”, ông Đào xúc động nhớ lại.
Cựu chiến binh Nguyễn Duy Đào cùng cháu ôn lại những ký ức hào hùng về ngày chiến thắng 30/4/1975. |
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Trong khi cả nước đổ ra đường cùng nhau ăn mừng chiến thắng, thì Đại đội quân y do cựu chiến binh Nguyễn Thế Đào vẫn đang chạy đua với thời gian để cứu chữa thương binh. Mãi đến 18 giờ 30 phút 400 thương binh dưới bàn tay của các bác sĩ đều được cứu sống. Lúc đấy cả trạm phẫu mới biết tin Sài Gòn được giải phóng, tất cả vỡ òa hạnh phúc, họ ôm chầm lấy nhau trong niềm vui sướng chiến thắng của cả dân tộc.
Trở về địa phương, những người lính như ông Chương, ông Đào một thời trận mạc lại bước vào một trận chiến mới cam go, ác liệt đó là khôi phục xóm, làng quê hương sau những năm tháng chiến tranh tán phá. Ở đâu người lính cũng gương mẫu đi đầu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cùng đất nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, khẳng định giá trị của dân tộc Việt Nam trên chính trường quốc tế.
45 năm đã qua đi kể từ ngày chiến thắng mùa Xuân năm 1975, những người lính Cụ Hồ năm xưa nay đã trở về với cuộc sống đời thường vẫn nhớ và kể cho con cháu mình nghe quá khứ hào hùng của thế hệ ông cha, chưa giây phút nào quên những đồng đội đã ngã xuống ngay trước giờ đất nước toàn thắng. Và họ luôn sống trong những ký ức đẹp một thời tuổi trẻ đánh giặc cứu nước để hôm nay tiếp tục giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thi đua xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp, đàng hoàng như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin