Một trong những lực lượng quan trọng phục vụ hậu cần cho chiến dịch là đội xe đạp thồ trên 2 vạn người. Với việc vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho mặt trận xa hàng trăm km, đường xá đi lại khó khăn, phương tiện vận tải thô sơ, dưới sự đánh phá ác liệt của kẻ thù nhưng những đội xe đạp thồ đã lập nhiều kỷ lục chở từ 100 đến 300kg/chuyến, trong đó có bác Cao Văn Tỵ (dân công tỉnh Thanh Hoá) đã chở tới 320 kg/chuyến, được mọi người gọi là “Kiện tướng xe thồ”. Và để chở được nhiều hàng hóa, bác Cao Văn Tỵ đã gia cố thêm khung, vành, tay lái cho xe của mình. Dọc thân xe có thêm một thanh ngang có thể gánh tới 200kg gạo. Các nan hoa được nẹp thêm để tăng độ bền, chịu lực cho xe. Ở phần trước của xe được gắn thêm một khúc tre dài làm tay lái, một khúc tre ngắn hơn dùng giữ thăng bằng và làm tay phanh. Với sự sáng tạo đó đã tăng được sức tải của xe từ 10 - 20 lần so với dân công gánh bộ, đồng thời giảm được mức tiêu hao gạo ăn dọc đường cho người chuyên chở. Ngoài ra xe thồ còn có thể hoạt động trên những tuyến đường mà xe ô tô không thể đi được. Chính phương tiện vận chuyển này đã gây nên bất ngờ lớn ngoài tầm dự tính của các chỉ huy Pháp, làm đảo lộn những tính toán trước đây khi cho rằng Việt Minh không thể bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày trong các điều kiện phức tạp như vậy.
Chiếc xe đạp thồ của anh Cao Văn Tỵ dùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4. |
Câu chuyện về chiếc xe đạp thồ của bác Cao Văn Tỵ được Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Hoành cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 chia sẻ: “Vận chuyển hàng hóa dài ngày giữa rừng, đường trơn, đèo dốc và bom đạn bác Cao Văn Tỵ cùng với bác Bùi Tín (dân công Thanh Hoá, người 2 lần vinh dự được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng Ba) luôn động viên anh em dân công vượt qua khó khăn. Phong trào thi đua “thồ nhiều, đi nhanh” do các anh phát động được lan rộng ra khắp mặt trận. Có những đoạn dốc cheo leo cấp trên giao nhiệm vụ cho mỗi xe chỉ được chở 60kg nhưng tất cả vẫn quyết tâm thồ ít nhất mỗi người 100kg để nhanh chóng đưa hàng hoá ra trận tuyến. Với quyết tâm đó, bác Cao Văn Tỵ đã lập kỷ lục thồ 320kg/chuyến, anh Ma Văn Thắng chở được 270kg/chuyến...”.
Những đoàn xe đạp thồ trong chiến dịch Đện Biên Phủ (ảnh tư liệu). |
Khi nhận xét về vai trò của hậu phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Nếu không có Thanh-Nghệ-Tĩnh thì không có chiến dịch Điện Biên Phủ, không có thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp”. Riêng mảnh đất Quân khu 4, chủ yếu là vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã huy động 250.000 dân công với hơn 11.000 xe đạp thồ đã vận chuyển 15.000 tấn gạo, hơn 400 tấn thực phẩm, hàng trăm tấn đạn, pháo, quân trang… chi viện cho chiến trường.
Mảnh đất Quân khu 4, chủ yếu là vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã huy động 250.000 dân công với hơn 11.000 xe đạp thồ...chi viện cho chiến trường. |
Những người quanh năm chỉ quen với đồng áng như bác Cao Văn Tỵ nhưng với chiếc xe đạp thô sơ đã trở thành phương tiện hiệu quả góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ như một “thiên sử vàng” huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, chiếc xe đạp thồ đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4, là minh chứng sinh động về trí thông minh, sáng tạo của người dân công năm xưa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin