Lãnh đạo tỉnh Nghệ An kiểm tra cánh đồng lúa thảo dược (lúa tím) của Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa. |
Giống lúa thuần Việt
Ông Hòa kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện về cây lúa, từ chỗ tay không cải tạo nên cánh đồng Hói Sác, thả cá thì ăn còn trồng lúa thì lỗ. Ngày xưa, cứ trâu trước người sau, không kịp thời vụ, thế là mất mùa. Ông suýt mất nhà vì đến hạn không trả được nợ ngân hàng. Thế nhưng, người Cựu binh ấy vẫn không bỏ cuộc. Ông nói: “Tôi thề sẽ tìm ra giống lúa thuần Việt có năng suất cao và chất lượng tốt. Đất nước của cây lúa không lẽ cứ mãi phụ thuộc vào giống lúa lai Trung Quốc, vừa đắt vừa bị động”.
Rồi ông rưng rưng kể về kỷ niệm với Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, cố Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, người đã truyền cảm hứng cho ông “đi tìm” giống lúa thuần Việt. “Giáo sư nói với tôi, Nghệ An là vùng đất khắc nghiệt, làm nông nghiệp rất khó khăn. Nhưng đừng buồn, chính cái khắc nghiệt ấy sẽ kết tinh nên nhiều dưỡng chất quý cho cây trái, nhất là cây lúa. Tôi nghe vậy như bắt được vàng”.
Mang theo 0,5kg lúa giống AC5 với lời khích lệ của Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, Cựu binh Phan Văn Hòa đã làm nên những kỳ tích trên vựa lúa huyện Yên Thành. Năng suất giống lúa AC5 cao hơn hẳn Tạp giao, Khang dân... những giống lúa nhập từ Trung Quốc và chất lượng thì không cần phải bàn. Những năm đó, nói đến gạo chất lượng cao, người ta lại nhắc đến AC5 Vĩnh Hòa - gạo Xứ Nghệ. Thành công từ giống lúa giống lúa AC5 đã mở ra cho ông Hòa một con đường mới, thành lập công ty khoa học công nghệ để nghiên cứu và sản xuất giống lúa thuần Việt.
Nói ông là Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa thật ít ai tin, bởi cả ngày cặm cụi ngoài đồng, đêm về thì “nằm lỳ” trong phòng kín với một loại giống lúa mà ngay cả ông cũng chưa biết nó sẽ thế nào. Hơn 10 năm trời, thất bại hết lần này đến lần khác nhưng ông không hề nản. Thương chồng, vợ ông khuyên bỏ cuộc để tập trung vào giống AC5, nhưng ông vẫn một mực mày mò, chọn tạo.
Và ngày đó đã đến. Hai bông lúa màu tím, một bông đạt 176 hạt và một bông có 134 hạt đã nằm trên tay ông. “Tôi bật khóc vì sung sướng. Tôi thành công rồi”, ông Hòa nói như reo. 310 hạt thóc từ phòng kín đã được ủ mầm để có 2m2 mạ. Lá mạ mỗi ngày một xanh, ông Hòa hồi hộp chờ đợi từng ngày. Ngày mạ ra đồng, ông mừng vui chẳng khác gì chờ đứa con đầu lòng ra đời. Trời không phụ công sức của ông, cây lúa đổi màu dần dần, từ màu xanh sang xanh đậm, sang nâu rồi chuyển hẳn màu tím.
Vụ đầu tiên ấy, lúa tím của ông lại vượt xa AC5 về năng suất, đạt 370kg/sào. Nhưng sướng hơn cả là kết quả kiểm nghiệm các dưỡng chất trong lúa tím của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Tổng cục Đo lường chất lượng). “Không thể ngờ, kết quả còn hơn cả mọi mong đợi. Hàm lượng Canxi (đơn vị mg/100g): 16,6; hàm lượng sắt: 1,1; hàm lượng Vitamin A: 57,0; hàm lượng Omega 9: 1.290,0; hàm lượng Omega 6: 6,5. Kết quả này rất hữu ích cho người bị bệnh tim mạch và tiểu đường”, ông Hòa nói trong phấn chấn.
Ông Phan Văn Hòa giới thiệu về cao lúa thảo dược có kháng chất chống ung thư. |
Chất kháng ung thư
Giống lúa tím mà ông Hòa đặt tên là Thảo dược Vĩnh Hòa nức tiếng khắp nhiều nước. Các giáo sư, các nhà khoa học trong và ngoài nước tìm đến ông ngày một nhiều. Và từ gợi ý của ba giáo sư đến từ Đại học Harvard (Mỹ), đã tạo cảm hứng cho ông đi tìm các kháng chất phòng, chống ung thư. “Họ nói với tôi, những loại nông sản có màu tím rất có thể có các chất kháng tế bào ung thư, nhất là giống lúa ở Nghệ An sinh trưởng trong thời tiết hết sức khắc nghiệt. Tôi thêm một lần bắt được vàng”, ông Hòa cho hay.
Và hành trình đi tìm các chất Anthocyanin, Genistein; GABA trong lúa tím của ông lại bắt đầu. Háo hức mang gạo đi kiểm nghiệm. Thật buồn, hàm lượng các chất như mong muốn không đáng kể. Không nản, ông Hòa tiếp tục có những cuộc “giải phẫu” thân cây lúa kéo dài gần chục tiếng đồng hồ, không ngơi nghỉ, xong việc thì ông cũng khuỵu xuống, hai chân tê cứng. Và những đêm trắng với những vỏ trấu, mẻ cám... là chuyện thường với ông.
Kết quả đã đến, cuối tháng 3/2019, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã có Thông báo số 4424/PKN-VKNQG, rằng hàm lượng các chất kháng tế bào ung thư lần lượt là: 0,20; 0,74 và 33,4.
Thế nhưng, công nghệ nào để chiết xuất các kháng chất quý giá này? Lời của các giáo sư người Mỹ trong những lần trò chuyện lại vang bên tai: Quê ông có nghề nấu cao truyền thống đó thôi. Ông Hòa reo lên: Công nghệ đây rồi!
Gần một năm trời hai vợ chồng thay nhau chưng cất cao lúa tím. Một mẻ cao phải mất đến 7 ngày 7 đêm ròng rã, ông ngủ thì bà thức, phải giữ ngọn lửa thật đều... Nhưng tất cả đều thất bại, mẻ thì cháy, mẻ thì chẳng ra hình hài gì cả. Ông vừa kể, vừa cười về những tháng ngày “thảm hại” ấy: “Cháy đến vài chục chiếc nồi, đốt hết cơ man nào là củi mà vẫn không thành cao. Vợ tôi mất hết kiên nhẫn, thế là tôi phải thuê những người nấu cao chuyên nghiệp về nấu, cũng phải thêm chục chiếc nồi cháy nữa mới thành cao”.
Cao đã thành, nhưng liệu có giữ được hàm lượng của các kháng chất không? Ông Hòa lại khăn gói ra Viện Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để kiểm nghiệm tiếp. Tháng 3/2020, cao lúa thảo dược Vĩnh Hòa của ông được Viện này khẳng định: “Đã thể hiện hoạt tính trên các dòng tế bào ung thư...”. “Đọc kết luận kiểm nghiệm mà không nói nên lời, tôi hạnh phúc quá chừng. Thế là rất có khả năng có thêm một phương pháp điều trị căn bệnh quái ác này”, ông Hòa rạng ngời nét mặt. Cũng theo ông Hòa, ông đã gặp may, vì Viện Công nghệ sinh học đang còn 3 mẫu tế bào ung thư cuối cùng của Mỹ, là các dòng tế bào ung thư vú, ung thư gan và ung thư phổi để thử nghiệm.
Điều ông mong ước lúc này là có được công nghệ hiện đại để chiết xuất các kháng chất chống tế bào ung thư từ giống lúa thảo dược thay vì nấu cao thủ công. “Với công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến thì giá thành của mỗi lượng cao được giảm xuống rất nhiều, lúc đó sẽ có nhiều người, nhất là người bệnh nghèo có cơ hội sử dụng loại cao lúa thảo dược này”, Cựu binh Phan Văn Hòa ước mong!
Gần một năm trời hai vợ chồng thay nhau chưng cất cao lúa tím. Một mẻ cao phải mất đến 7 ngày 7 đêm ròng rã, ông ngủ thì bà thức, phải giữ ngọn lửa thật đều... Nhưng tất cả đều thất bại, mẻ thì cháy, mẻ thì chẳng ra hình hài gì cả. Cháy đến vài chục chiếc nồi, đốt hết cơ man nào là củi mà vẫn không thành cao. Vợ tôi mất hết kiên nhẫn, thế là tôi phải thuê những người nấu cao chuyên nghiệp về nấu, cũng phải thêm chục chiếc nồi cháy nữa mới thành cao”. Ông Phan Văn Hòa Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa
|
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin