Hiện nay đã 90 tuổi nhưng ký ức Điện Biên Phủ vẫn luôn in đậm trong tâm trí của cựu chiến binh Trần Minh Trường. |
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” được tái hiện qua những trang sách, thước phim tài liệu, tác phẩm văn học và qua ký ức của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Trong những ngày giữa tháng 4 rực lửa, chúng tôi may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với CCB Trần Minh Trường – người chiến sỹ đã tham gia chiến đấu suốt 56 ngày đêm, làm nhiệm vụ thông tin, bộ binh, đào giao thông hào đi xuyên lòng núi cho quân đội ta tiến lên tiêu diệt quân thù.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo có hai anh em, tháng 1/1953 khi vừa tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng của Tổ quốc, ông Trường lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 77 (Phú Thọ). Sau 1 tháng huấn huyện tân binh, ông được chuyển về Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312, ở Điện Biên Phủ và sau đó trực tiếp tham gia vào chiến dịch.
Chiếc khăn dù, binh tông đựng nước uống là kỷ vật theo suốt những năm tháng chiến tranh hiện được ông lưu giữ cẩn thận. |
Ông Trường kể: Nhiệm vụ của bộ đội thông tin trong chiến dịch Điện Biên Phủ rất quan trọng, đòi hỏi phải chính xác, bí mật, đảm bảo đường dây luôn thông suốt để truyền tải những mệnh lệnh chỉ đạo của cấp trên đến các đơn vị bộ đội.
Thời điểm đó được Trung Quốc viện trợ đường dây điện thoại, tuy nhiên do dây to nên một cuộn may lắm chỉ rải được khoảng từ 200 – 300m. Các chiến sỹ phải làm việc liên tục để vận chuyển và đấu nối đầu dây lại với nhau để nhanh chóng đến được các trung đội, đại đội mới đảm bảo chỉ huy thông suốt. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông phát hiện đường dây liên lạc của địch, có kích cỡ rất nhỏ nên đã hô hào đồng đội khẩn trương đào lấy về phục vụ cho hoạt động quân sự ta. Mỗi khi nối sóng được hai đầu dây, ông như vỡ òa sung sướng. Trong các trận đánh, ông và các chiến sỹ thông tin đã nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh, đảm bảo “mạch máu thông tin luôn vững chắc”.
Bên cạnh đó, ông và các anh em trong đơn vị thay nhau đào công sự từ hầm nằm, hầm quỳ đến hầm đứng rồi phát triển hệ thống giao thông hào. Với sức trẻ, ý chí và lòng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, không kể ngày hay đêm, các chiến sỹ đào từng tấc đất đá, xuyên lòng núi hàng trăm km lên đến các đỉnh đồi – nơi có căn cứ của địch chỉ bằng những dụng cụ thô sơ như xẻng tay, cuốc. Đào đến đâu đều được quân ta ngụy trang hầm bằng cây lau sậy, lá cây rừng nhằm qua mắt quân thù. Vào những ngày trời đổ mưa, công việc của đơn vị ông lại càng gian khổ, bởi càng đào, đất lại theo nước mưa chảy xuống, lấp đầy đường hào và phải đào lại. Trên các núi rừng, máy bay địch không ngừng ném bom nhưng vẫn không thể làm nao núng tinh thần, sự quyết tâm làm việc của những chiến sỹ Trung đoàn, Đại đoàn.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Trường cho biết: Đơn vị ông được giao nhiệm vụ đánh các đồi D, E và đồi A1. Trong đó, đồi D vừa là nơi làm căn cứ cho cơ quan Trung đoàn bộ 209 vừa là nơi làm hầm cho chiến sỹ chờ đợi, nghỉ ngơi, thay nhau chiến đấu. Đây cũng là nơi diễn ra trận chiến ác liệt của các chiến sỹ Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 trong đợt tấn công thứ 2 của quân đội nhân dân Việt Nam vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Với yêu cầu nhiệm vụ cao, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng cùng lúc phải đào giao thông hào và chiến đấu không biết bao nhiêu trận đầy cam go, ác liệt với quân địch, ông cùng với đồng đội của mình không có thời gian để ăn, nghỉ ngơi. Mỗi ngày, các chiến sỹ được “anh nuôi” tiếp tế cho hai vắt cơm nắm và muối trắng, đôi khi đến bữa ăn nhưng có địch cũng phải chiến đấu quên cả đói, mệt.
Ông Trường được Chủ tịch nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý. |
Khi chúng tôi gợi nhắc đến tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong một thời khói lửa, hào hùng, ông Trường nói với sự tự hào: Lúc đó vũ khí chiến đấu của quân đội ta quá thô sơ, chỉ có một số loại súng, đạn. Trong khi đó, quân Pháp được trang bị cả máy bay, súng máy hiện đại. Ở giai đoạn 2 của chiến dịch Điện Biên Phủ tiếng nổ của pháo và súng địch, cùng tiếng súng của quân ta vang rền cả đất trời suốt ngày đêm. Bằng tinh thần đoàn kết, anh dũng, mưu trí, bản lĩnh, không sợ “mưa bom, bão đạn” nên quân và dân ta đã làm cho quân thù khiếp sợ, tạo nên chiến thắng lịch sử vang dội khắp năm châu".
Kể về kỷ niệm ấn tượng khó phai nhất trong cuộc đời binh nghiệp, đối với ông là hình ảnh anh Phan Đình Giót ôm bộc phá lao lên lấy thân mình bịt kín lỗ châu mai của quân địch. Khi lỗ châu mai bị che lấp, bộ đội ta đã nhanh chóng xông lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam, mở màn thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Để góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của 56 ngày đêm ròng rã, đó là sự hy sinh xương máu, mất mát của biết bao người lính, trong đó có những người lính của Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312 mới chỉ tròn mười tám, đôi mươi. Khi nhắc đến tên của những đồng đội cũ mãi mãi nằm lại ở chiến trường, ông Trường lạc giọng, nghẹn ngào.
Sau 36 năm chiến đấu và làm nhiệm vụ quân sự trong quân ngũ, trở về địa phương ông Trần Minh Trường vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, tích cực vận động con cháu và nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hăng hái tham gia lao động, sản xuất và công tác xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, ông cũng giáo dục con cháu tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên năm xưa, tiếp bước truyền thống cha anh, cống hiến xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin