Đề xuất các giải pháp trong bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị di sản tỉnh Nghệ An
Tới dự có ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại, Tổ trưởng tổ tư vấn của tỉnh; PGS Tiến sỹ Trần Đình Thiên - Nguyên viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn; đại diện Bộ VH-TT&DL cùng nhiều nhà nghiên cứu khoa học.
Về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí Uỷ viên BTV Tỉnh ủy: Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng.
Trên địa bàn Nghệ An hiện có trên 2.600 di tích, danh thắng, với 429 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, gần 300 di tích cấp tỉnh và trên 2000 di tích chưa được xếp hạng. Theo đánh giá Nghệ An nằm trong vùng văn hóa xứ Nghệ với bản sắc riêng, không trộn lẫn với các tiểu vùng văn hóa khác. Tuy tiềm năng rất lớn nhưng tại nhiều nơi, các di sản văn hóa - lịch sử đang ngày một xuống cấp, nhiều di sản đang bị lãng quên.
Hội thảo khoa học "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế di sản" nhằm mục tiêu đánh giá lại đúng giá trị, tiềm năng của hệ thống các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Làm rõ những vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa việc bảo tồn và phát triển di sản. Đề xuất các giải pháp phù hợp để khai thác, phát huy giá trị di sản nhằm hiện thực hóa nguồn tài nguyên này cho sự phát triển du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển văn hóa, xã hội và các ngành kinh tế khác.
Tại hội thảo đã có 37 tham luận tập trung làm rõ 3 nội dung chính gồm: Giá trị, tiềm năng của hệ thống di sản văn hóa tỉnh Nghệ An; Kinh tế di sản - động lực mới cho phát triển; Một số định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế.
Nhiều tham luận đã đưa ra những quan điểm tiếp cận mới trong công tác quản lý di sản như: Phát triển kinh tế di sản nhìn từ góc độ di tích danh thắng ở nhiều địa phương trong cả nước; Thực trạng văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Quản lý, bảo tồn và phát huy di tích khảo cổ học, hiện trạng và giải pháp; Bảo tồn, phát huy không gian và hình thức trình diễn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong thời kỳ cách mạng 4.0; Sông Lam, tiềm năng hấp dẫn về văn hóa du lịch ở Nghệ An./.
Bùi Thọ - Cảnh Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin