Văn hoá giải trí

Ca sĩ Mỹ Linh nghẹn ngào hát Hoa sữa trong tang lễ tiễn đưa nhạc sĩ Hồng Đăng

17:58, 26/03/2022
Ngày 26-3, người thân, bạn bè và người yêu nhạc đã tụ về nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội) để thương mến tiễn đưa người nhạc sĩ của những ca khúc thật hay về Hà Nội, về quê hương đất nước và về những tâm tư sâu lắng của con người - Hồng Đăng.
Di ảnh nhạc sĩ Hồng Đăng tại lễ tang
Di ảnh nhạc sĩ Hồng Đăng tại lễ tang

Trong điếu văn tiễn biệt nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ngoài khẳng định sự nghiệp âm nhạc đáng ngưỡng mộ của tác giả Hoa sữa với tư cách một người sáng tác, ông Quân còn đặc biệt nhấn mạnh những đóng góp cho âm nhạc Việt Nam mà nhạc sĩ Hồng Đăng trong vai trò một lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam rất được lòng anh em. 

Ông Quân khẳng định đóng góp lớn nhất của Hồng Đăng chính là việc tạo nên một không khí đoàn kết, cởi mở, dắt tay nhau cùng bước đến những thành tựu của âm nhạc Việt Nam từ thời mở cửa, đổi mới cho đến ngày hôm nay. 

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bên linh cữu nhạc sĩ Hồng Đăng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bên linh cữu nhạc sĩ Hồng Đăng.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhớ lại, ngay từ những năm của thập kỷ cuối thế kỷ trước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam với sự chèo chống của ban chấp hành ngày ấy đã có được kinh phí của Nhà nước cấp để làm băng cassette và in tuyển tập nhạc cho các nhạc sĩ. 

Cuộc đại trình diễn “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” do Hồng Đăng chỉ đạo đã để lại một ấn tượng âm nhạc Việt Nam không phai mờ, hãnh diện khép lại một thế kỷ đầy biến động của đất nước. 

Ca sĩ Mỹ Linh hát Hoa sữa tại tang lễ nhạc sĩ Hồng Đăng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ca sĩ Mỹ Linh hát Hoa sữa tại tang lễ nhạc sĩ Hồng Đăng.

Theo ông Quân, nhiều người kính trọng Hồng Đăng vì tính thẳng thắn, luôn luôn vì sự nghiệp chung, quên cái tôi, một “nghệ sĩ có tâm bồ tát”.

Với bông cúc vàng do gia đình chu đáo chuẩn bị trên tay, trong những giai điệu thân quen, say đắm của Biển hát chiều nay, Hoa sữa… người thân, bạn bè, người hâm mộ lặng lẽ vào tiễn biệt nhạc sĩ Hồng Đăng vừa nhẹ bước “chuyển cõi”. 

Riêng nhạc sĩ Thụy Kha còn ôm theo những tờ báo in có những bài viết ăm ắp tình cảm ông vừa dằn lòng ngồi viết như một lời tạm biệt “đại huynh” của ông, người mà ông gọi là “hiền nhân tâm bồ tát”. 

Nhạc sĩ Thụy Kha cho biết, công chúng ngày nay hầu hết chỉ quen thân những ca khúc trữ tình của Hồng Đăng ở giai đoạn sau này như Hoa sữa, Biển hát chiều nay, Lênh đênh… nhưng thực tế ông còn rất tài năng ở mảng ca khúc chính luận về Tổ quốc, về Đảng, về Bác Hồ như: Đường ta đi có nắng, Tổ quốc tôi trên 10 năm đã lớn, Quà tháng Năm dâng Người…; các hợp xướng: Lửa rực cháy, Trận địa gang thép; thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm; tổ khúc Đêm lửa Trường Sơn. 

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đến viếng nhạc sĩ Hồng Đăng.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đến viếng nhạc sĩ Hồng Đăng.

“Đề tài cực chính luận nhưng sao qua giai điệu của anh đều dịu dàng, trữ tình và rất sang trọng”, nhạc sĩ Thụy Kha bày tỏ lòng ngưỡng mộ với người nhạc sĩ anh coi như người anh của mình. 

Theo ông, những bài hát, tác phẩm khí nhạc rất chính luận này sở dĩ vẫn mê hoặc lòng người là bởi nhạc sĩ đã viết quá đỗi chân thành, như chắt ra từ đáy lòng mình. 

Ông Kha còn nhớ những năm tháng làm bộ đội Trường Sơn, cứ mỗi lần sinh nhật Bác Hồ, ông lại hát bên đồng đội ca khúc Quà tháng Năm dâng Người để cùng chia sẻ nỗi nhớ thương Bác. 

Ông Nguyễn Minh Nhựt - vụ trưởng Vụ Văn hóa - văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương - đến viếng nhạc sĩ Hồng Đăng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ông Nguyễn Minh Nhựt - vụ trưởng Vụ Văn hóa - văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương - đến viếng nhạc sĩ Hồng Đăng.

Còn bài hát Kỷ niệm thành phố tuổi thơ thì đã từng khiến bao trái tim trai trẻ Hà Nội rung lên trong những tháng ngày xa nhà đi chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Dễ hiểu, lễ tang nhạc sĩ Hồng Đăng thật đầm ấm tình bạn bè bởi tác giả của Hoa sữa, Biển hát chiều nay, Lênh đênh... sinh thời được bạn bè đồng nghiệp, các ca sĩ và giới văn nghệ nói chung, công chúng yêu nhạc rất quý mến.

Giống như nhiều nhạc sĩ tài năng của thế hệ mình, nhạc sĩ Hồng Đăng đã có một đời sống khá "lênh đênh" (tên một ca khúc của ông), đặc biệt là lênh đênh về chuyện tài chính. 

Con gái nhạc sĩ Hồng Đăng xúc động trong giờ phút tiễn biệt cha.
Con gái nhạc sĩ Hồng Đăng xúc động trong giờ phút tiễn biệt cha.

Ông sống cuộc đời rất thanh bạch nếu không muốn nói là nghèo, nhưng lại vô vùng giàu có về tri thức, văn hóa và tình cảm cho bạn bè. Nhiều người gọi nhạc sĩ Hồng Đăng là một nhà trí thức trong âm nhạc và một người hiền, một người rất Hà Nội, dù ông sinh ở Nghệ An.

Nhà phê bình Ngô Thảo - người bạn thân suốt mấy chục năm của nhạc sĩ Hồng Đăng - nói không ai tặng quà mọi người nhiều như Hồng Đăng dù ông rất nghèo. 

Bạn bè quen thân với hình ảnh Hồng Đăng đi đâu cũng luôn mang theo những món quà nhỏ bé như cuốn sổ, cái bút... ở trong túi để lúc nào cũng có sẵn móc ra tặng mọi người.

Vợ nhạc sĩ Hồng Đăng (bìa trái) cùng người thân xúc động tiễn biệt chồng.
Vợ nhạc sĩ Hồng Đăng (bìa trái) cùng người thân xúc động tiễn biệt chồng.

Đó là tấm lòng hào hiệp, thơm thảo, thương quý mọi người và thích làm vui lòng bạn, vui lòng mình chứ chẳng phải vì một mục đích gì.

Lễ tang ông, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đứng ra tổ chức. Người vợ hiền tận tụy của ông - bà Lê Anh Thúy - trước đó đã có lời nhắn tới tất cả bạn bè, người hâm mộ không mang theo vòng hoa viếng mà gia đình sẽ chuẩn bị cho mọi người.

Di quan nhạc sĩ Hồng Đăng.
Di quan nhạc sĩ Hồng Đăng.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đọc điếu văn trong đám tang nhạc sĩ Hồng Đăng.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đọc điếu văn trong đám tang nhạc sĩ Hồng Đăng.
Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936 tại Nghệ An nhưng sống hầu hết cuộc đời ở Hà Nội.
Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936 tại Nghệ An nhưng sống hầu hết cuộc đời ở Hà Nội.

Thuộc thế hệ trưởng thành sau thời kỳ chống Pháp, Hồng Đăng là một trong những học viên của khóa học sáng tác đầu tiên tại Trường Âm nhạc Việt Nam cùng với lứa nhạc sĩ "vàng" của âm nhạc Việt Nam như: Hoàng Việt, Tô Ngọc Thanh, Huy Thục, Vĩnh Cát...

Sau đó ông ở lại giảng dạy, là thầy dạy của nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thuận Yến… Phú Quang tuy không theo học thầy qua trường lớp chính quy, bài bản nhưng đều một lòng tôn tác giả Hoa sữa là thầy mình.

00:03:27

Bài hát Kỷ niệm thành phố tuổi thơ cũng là bài hát được yêu thích của nhạc sĩ Hồng Đăng, đặc biệt qua phần biểu diễn của nhóm Năm Dòng Kẻ

Hồng Đăng sáng tác toàn diện từ khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu, ca khúc và ở lĩnh vực nào ông cũng thu được thành công, đặc biệt là mảng ca khúc với 700 bài hát, trong đó có nhiều bài nổi tiếng như: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, Lênh đênh, Ký ức đêm…

Từng viết trên 70 tác phẩm âm nhạc cho phim truyện, phim tài liệu nghệ thuật, phim hoạt hình, ông là nhạc sĩ đầu tiên được mời gia nhập Hội Điện ảnh Việt Nam.

Hồng Đăng còn là nhà báo giỏi khi xây dựng được tờ tạp chí Âm nhạc và tạp chí Thế giới âm nhạc "nổi đình nổi đám" trong những năm 1970 với vai trò là tổng biên tập.

Ông cũng là người lãnh đạo uy tín khi tập hợp được đội ngũ anh em nhạc sĩ đoàn kết từ Nam tới Bắc trong thời gian ông làm phó tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam hơn chục năm.

Nhạc sĩ Hồng Đăng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I năm 2001.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện