Văn hoá giải trí

Người Pháp viết về Hai Bà Trưng hơn 100 năm trước

08:18, 20/10/2022
Trong tác phẩm “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”, bác sĩ Charles-Édouard Hocquard đã có những trang viết thể hiện sự ngưỡng mộ của ông với hai nữ anh hùng của dân tộc Việt Nam.
 

Một chiến dịch ở Bắc kỳ của Charles-Édouard Hocquard (1853-1911) - bác sĩ tình nguyện sang Đông Dương năm 1884 phục vụ trong quân đoàn viễn chinh Pháp - là sách du ký, ký sự, song tư liệu trong đó rất phong phú.

Một trong những trang đẹp nhất của biên niên sử An Nam

Bằng con mắt tò mò của một người phương Tây đi đến phương Đông, tác giả đã ghi chép lại trong sách từ địa dư, phong tục tập quán, tín ngưỡng, các làng nghề thủ công truyền thống đến con người, tổ chức xã hội, một số công trình kiến trúc quân sự và dân sự nổi tiếng một thời của xứ Bắc kỳ …

Trong cuốn sách, Hocquard cho biết trong một dịp đến đền Hai Bà Trưng (tác giả viết là “Đền các nữ anh hùng”) ở phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng ngày nay (tác giả viết phía tây nam thành phố Hà Nội) vào năm 1884, ông đã thực sự ấn tượng với hai nữ anh hùng của dân tộc Việt.

Ông viết: “Cuộc đời hai người đàn bà trẻ mà đền này thờ phụng là một trong những trang đẹp nhất của biên niên sử An Nam, giàu hành động dũng cảm và yêu nước hơn ta thường nghĩ”.

Tác giả sách cũng cho biết có hai lý do để ông thực hiện ý muốn viết khái quát về cuộc đời cuộc đời của Hai Bà Trưng trong tác phẩm Một chiến dịch ở Bắc Kỳ. Thứ nhất là để mọi người hiểu được những tình tiết liên quan đến ngôi đền, một trong những đền đài kỳ lạ và thú vị nhất ở Bắc Kỳ. Thứ hai là muốn chứng tỏ rằng người dân Bắc Kỳ (đã nhiều lần khác nhau chống lại quyết liệt các cuộc xâm lược của ngoại bang) có những hành động lớn lao để bảo vệ thể chế và gia đình họ.

Hocquard viết vào năm 36 sau Công nguyên, Bắc Kỳ bị người Tàu đô hộ, trước đó các vị vua hợp pháp của họ bị đánh đuổi. Dân Bắc Kỳ không chịu nổi ách thống trị của nước ngoài, chẳng bao lâu đã nổi dậy dưới sự chỉ huy của hai chị em một gia đình quý tộc: Chin-Se (Trưng Trắc) và Chin-Eul (Trưng Nhị).

Rất dũng cảm và giỏi cưỡi ngựa, Hai Bà đã tập hợp được một đội quân tình nguyện và đánh đuổi quân Tàu ra khỏi bờ cõi. Đi tới đâu Hai Bà cũng đem lại niềm phấn khởi và được dân chúng nhiệt liệt tung hô.

Hoàng đế Trung Hoa Koang-Ti (Quang Vũ đế) liền cử một đạo quân rất mạnh do May-Ven (Mã Viện), một trong những viên tướng giỏi nhất của ông, sang đánh. Đạo quân này vào Bắc Kỳ qua biên giới với tỉnh Kouang-Sỉ (Quảng Tây) và bị quân kháng chiến chống trả quyết liệt, phải mất khá nhiều thời gian và chịu tổn thất nặng nề mới giành được thắng lợi.

Hai Bà giành giật với kẻ thù từng tấc đất và lập nhiều kỳ tích. Sự kiện quyết định diễn ra gần kinh thành. Ban đầu quân Bắc Kỳ thắng thế. Nhưng đang chiến đấu thì nhiều tướng lĩnh của Hai Bà đầu hàng giặc (trên thực tế không phải như vậy).

Mã Viện đuổi theo chém giết quân Bắc Kỳ rất dã man. Trong khi anh dũng chặn hậu để quân mình rút lui, Hai Bà đã tử trận (thực tế Hai Bà nhảy xuống sông Hát tự sát.

Sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ. 
Sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ. 

Ngôi đền thờ hai nữ anh hùng ở thành phố Hà Nội

Để ghi nhớ chiến tích đẹp ấy, dưới triều Lê, người ta đã xây đền thờ Hai Bà ở chính nơi theo truyền thuyết Hai Bà đã ngã xuống trong chiến đấu. Theo dịch giả Đinh Khắc Phách: Năm 1142 dưới triều Lý, dân bãi Đồng Nhân vớt được tượng Hai Bà Trưng trôi về, vua cho lập đền thờ. Sau bãi lở, cả dân làng Đồng Nhân và đền di chuyển vào trong đê ở vị trí hiện nay. Hàng năm, vào ngày 6 tháng 2 âm lịch, dân làng làm lễ kỷ niệm ngày đón tượng Hai Bà.

Trong cuốn sách, Hocquard đã mô tả tương đối chi tiết ngôi đền Hai Bà ở Đồng Nhân. Ông viết: “Đền có tường cao bao bọc chung quanh. Cổng ngoài luôn đóng kín, có giấy phép đặc biệt mới được vào. Đền gồm ba tòa nhà chỉ có tầng trệt, có sân gạch ngăn cách nhau. Nhà đầu tiên như một tiền sảnh lớn với những cây cột đẹp bằng gỗ tếch. Chính giữa nhà là một sập vuông chạm trổ thật tinh tế. Người ta nói đó là nơi Hai Bà ngự trong các buổi coi chầu”.

“Hai bên trái và phải của sập là những biểu hiệu của chiến binh bằng gỗ sơn son thếp vàng (gươm, giáo...) cắm trên giá và hai lọng chỉ huy lớn màu vàng như lọng của vua.

Hai con voi bằng giấy bồi quét sơn, chế tác rất khéo to như voi thật phục ở hai sườn tiền sảnh, con nào cũng có một cặp ngà thật, chắc là do vị vua nào cúng cho đền. Chúng đối diện nhau, tượng trưng cho những con voi chiến dẫn đầu đoàn quân khi hai vị nữ anh hùng ra trận”.

“Tượng hai nữ anh hùng ở ngôi nhà thứ hai, bên cạnh nhau, to bằng người thật, đứng trên bệ đá mặc áo lụa sang trọng. Trước tượng là một ngọn đèn nhỏ luôn luôn được những người phụ nữ trong đền thắp sáng. Bên tượng là những hòm kính chứa nhiều giày dép An Nam đẹp, tôi đếm được tám đôi, trong đó có đôi rất cổ”, trích nội dung sách.

Bên cạnh mô tả tương đối chi tiết khu vực thờ Hai Bà, Hocquard còn mô tả nơi ở của những người phụ nữ trông coi đền.

Ông cho biết trong cùng đền là ngôi nhà thứ ba, có hai chái nhô ra thành hình móng ngựa bao ba mặt của cái sân rộng. Đây là chỗ ở của hai mươi người đàn bà. Họ sống rất kín đáo, hầu như không ra ngoài lúc nào.

“Họ sống như nữ tu dưới sự cai quản của một bà bề trên dường như có quyền hành khá lớn với họ. Bà này ở trong một căn phòng rộng quét vôi trắng, trên tường treo các tranh mô tả những giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời hai chị em Bà Trưng”, tác giả sách viết.

Tóm lại, bằng những trải nghiệm trực tiếp và qua nghiên cứu các tư liệu sách vở của người bản xứ, tác giả đã thực hiện được ý muốn của mình khi viết khái quát về cuộc đời cuộc đời của Hai Bà Trưng trong sách. Tuy nhiên, xét trên phương diện nào đó, do tiếp cận chưa đủ lâu, và đủ sâu về văn hóa người Việt, nên có một số chi tiết, tác giả viết chưa chuẩn xác.

Dẫu vậy, đây vẫn là nguồn sử liệu quan trọng để chúng ta tìm hiểu về xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19 nói chung và những địa danh gắn với những nhân vật lịch sử nói riêng, mà Đền thờ Hai Bà là một ví dụ tiêu biểu.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện